Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 10:00 (GMT +7)
Tranh dân gian - thú chơi tao nhã
Chủ nhật, 28/01/2024 | 07:43:40 [GMT +7] A A
Trong xã hội cổ truyền Việt Nam xưa, phong tục mua tranh Tết được bắt đầu từ sau khi cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp với quan niệm xua đi cái cũ, cái rủi, đón cái mới, cái may mắn, cái tốt lành và gửi gắm nhiều ước vọng đầu xuân.
Tranh dân gian Việt Nam là thuật ngữ mô tả một loại hình mỹ thuật đã xuất hiện lâu đời tại Việt Nam và thường được sáng tác bởi những họa sĩ khuyết danh hay còn gọi là nghệ nhân. Trong dòng chảy lịch sử, có những thời điểm tranh dân gian phát triển rất mạnh mẽ, ngày nay tranh dân gian vẫn còn được gìn giữ và phát triển trong các làng nghề và trong một số gia đình làm tranh, chủ yếu là tranh dân gian Đông Hồ và tranh dân gian Hàng Trống. Tranh dân gian thường được người xưa mua nhiều vào dịp Tết để trang trí nhà cửa.
Tại Quảng Ninh, các nhà nghiên cứu văn hóa còn ghi nhận nhiều thành tựu phong phú về mỹ thuật dân gian. Với hệ thống di tích, công trình văn hóa, tâm linh dày đặc, Quảng Ninh là địa phương có sự phong phú, độc đáo về mỹ thuật dân gian. Trong đó, nhiều sản phẩm tương đối tiêu biểu thể hiện sự tinh tế, tài hoa của các nghệ nhân.
Với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, Quảng Ninh có kho tàng tranh thờ dân gian phong phú, chủ yếu của đồng bào Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ. Nhìn chung, kích thước tranh của Quảng Ninh lớn hơn, nhiều bức đạt đến trình độ cao trong phối màu và tạo hình. Tranh được sử dụng nhiều vào dịp Tết và đầu xuân chủ yếu là tranh thờ, mang đậm tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Quảng Ninh.
Quảng Ninh còn có dòng tranh được khắc trên gỗ, chủ yếu có ở các đình, chùa, đền, miếu với chủ đề thiên nhiên, con người gắn với văn hóa biển. Bảo tàng Quảng Ninh hiện cũng đang lưu giữ gần 150 bản dập tranh dân gian Quảng Ninh do họa sĩ Lê Vân Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa - Thông tin sưu tập và tặng lại.
Tại Bảo tàng Quảng Ninh và Làng Nương Yên Tử, hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ từ bản khắc gỗ lên giấy dó đã được thực hiện phục vụ du khách tham quan. Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Hoạt động trải nhiệm in tranh dân gian Đông Hồ trên giấy dó vừa giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vừa tạo không gian thưởng lãm và trải nghiệm nghệ thuật, đồng thời quảng bá rộng rãi, đưa dòng tranh dân gian đến gần hơn với đồng bào, nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Những sắc màu rực rỡ, tươi mới và ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống của tranh dân gian sẽ là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới nhân dân, du khách và công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp xuân về.
Những tinh hoa của tranh dân gian còn được các họa sĩ chuyên nghiệp ở Quảng Ninh khai thác và tiếp nối. Kế thừa và phát triển thành tựu mỹ thuật dân gian của Quảng Ninh, làng tranh Yên Hưng đã ra đời với sự tham gia của nhiều họa sĩ của TX Quảng Yên trước đây có phong cách chịu ảnh hưởng rất lớn của lối vẽ dân gian.
Làng tranh Yên Hưng có phong cách vẽ tranh thiên hướng tả thực, dân dã, nhưng lại tạo nên nét riêng, giữ được cái hồn quê mà không bị gò vào một thứ lý luận hiện đại nào cả. Có thể kể ra nhiều hoạ sĩ của làng tranh, như: Vũ Tư Khang, Đinh Thanh, Đặng Đình Nguyễn, Hồ Cấn, Vũ Nhụy, Đào Thế Am, Nguyễn Sỹ Chuyên, Vũ Thị Đậm, Hà Quý Phong, Vũ Văn Phong, Nguyễn Văn Hiệp, Đỗ Thành Duy, Vũ Văn Tâm, Lê Minh Phúc, Phạm Thị Huệ ...
Trong đó, họa sĩ Vũ Tư Khang sáng tác nhiều tranh khắc gỗ, tranh sơn khắc về phong tục làng quê xưa, như: “Lễ hội miếu Tiên Công”, “Cha rồng, mẹ phượng”,“Hội bơi làng Cốc”, “Kiệu rồng”, “Chạp tổ”, “Đám cưới làng chài”... Cho tới nay, ông và các họa sĩ của làng tranh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động nghề nghiệp, làm phong phú thêm truyền thống của mỹ thuật Quảng Ninh, tôn vinh mỹ thuật dân gian ở vùng đất có nhiều giá trị văn hoá đặc sắc này.
Phạm Học
- Chung tay giữ gìn ANTT để người dân vui xuân, đón Tết an toàn
- Tặng quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Bình Liêu
- Thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn
- Tặng 50 suất quà Tết cho học sinh nghèo, phụ nữ khó khăn huyện Bình Liêu
- Đầm Hà: Gặp mặt cán bộ chủ chốt đã nghỉ hưu và đảng viên 50 năm tuổi Đảng trở lên nhân dịp Tết Nguyên đán
Liên kết website
Ý kiến ()