Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:29 (GMT +7)
Tranh cãi về vaccine COVID-19 và nhiều vấn đề nóng tại cuộc họp Liên hợp quốc
Chủ nhật, 19/09/2021 | 13:36:09 [GMT +7] A A
Tranh cãi về vaccine COVID-19, biến đổi khí hậu là một số nội dung được đánh giá sẽ chi phối chuỗi sự kiện kéo dài một tuần của Liên hợp quốc tại New York sắp tới.
Sau năm 2020 họp trực tuyến, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới dự kiến tập hợp tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) vào tuần sau ở New York.
Một số nhà lãnh đạo tham dự sự kiện từ 20 - 27/9 theo lịch trình bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo khác sẽ không xuất hiện hoặc tham dự trực tuyến bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra khi dịch bệnh COVID-19 đã kéo dài hơn 18 tháng. Các đoàn tháp tùng theo đó sẽ không đông như các năm khác, mỗi phái đoàn tham gia cuộc họp tại địa điểm chính bị giới hạn với 4 thành viên, các sự kiện bên lề chủ yếu tổ chức trực tuyến.
Đây được xem là nỗ lực của Liên hợp quốc để các nhà ngoại giao có thể gặp mặt trực tiếp giải quyết những vấn đề khủng hoảng, nhưng hạn chế nguy cơ lây nhiễm tại sự kiện.
“Đây không phải giải pháp tốt nhất, nhưng chúng tôi đang cố gắng để nó là giải pháp tốt thứ nhì, bằng cách huy động tất cả nguồn lực có thể để tối đa hóa việc tương tác”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói.
Một số vấn đề chính được dự đoán sẽ chi phối các cuộc thảo luận trong và bên lề Liên hợp quốc tuần tới bao gồm:
Vaccine COVID-19
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì một hội nghị trực tuyến vào ngày 22/9, tập trung các biện pháp kết thúc đại dịch.
Ông Biden có kế hoạch kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng quyên góp 1 tỷ liều vaccine, góp phần vào mục tiêu tiêm cho 70% dân số thế giới năm 2021. Mỹ cũng sẽ kêu gọi quyên góp và vận chuyển 1 triệu bộ xét nghiệm từ nay đến 2022, đẩy nhanh việc thực hiện cam kết với 2 tỷ liều vaccine COVID-19 khác, theo Bloomberg.
Kế hoạch kêu gọi của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quốc tế đang tranh cãi về tính hiệu quả và đạo đức của việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, trong khi hàng trăm triệu người vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên.
Một vấn đề gây tranh cãi khác khi các quan chức New York, nơi đặt trụ sở Liên hợp quốc yêu cầu các nhà lãnh đạo tiêm phòng trước khi dự họp. Yêu cầu bị Nga chỉ trích là "phân biệt đối xử" đối với những người chưa thể tiêm vì các lý do y tế, trong khi làm nảy sinh một số vấn đề phức tạp như có thể một số người đã tiêm loại vaccine chưa được công nhận.
Liên hợp quốc dự kiến sử dụng một "hệ thống danh dự" để đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo thế giới đã tiêm phòng trước khi họ phát biểu. Theo đó, các tổng thống, thủ tướng, quốc vương và các chức sắc khác sẽ không phải xuất trình thẻ tiêm chủng hoặc bằng chứng tiêm chủng, mà chỉ cần chứng thực bằng cách quẹt thẻ nhận diện (ID) tại hội trường. Hội đồng đã thử nghiệm chính sách tương tự từ tháng 6 đối với các nhà ngoại giao khi họp hàng ngày.
Khí hậu
Tổng thư ký Guterres và Thủ tướng Anh Johnson đang có kế hoạch triệu tập một cuộc họp kín, không chính thức vào 20/9 để kêu gọi các nước đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn trước thềm cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu COP 26 tại Glasgow, Scotland vào tháng 11.
Các nhà lãnh đạo từ các nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Australia, và các quốc đảo nhỏ, những nơi gần như sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức do nước biển dâng đã được mời tham dự sự kiện. Ông Guterres nói ý tưởng ở đây là “nỗ lực xây dựng lòng tin, thúc đẩy đạt được các mục tiêu về tài chính, sự thích ứng và giảm thiểu trước COP 26”.
Cộng đồng quốc tế cần huy động được 100 tỷ USD cho việc thích ứng và phục hồi của các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, theo đại sứ Anh Barbara Woodward. Điều này đồng nghĩa với việc “cần có những kế hoạch tham vọng từ các nước chưa vạch ra họ sẽ cắt giảm lượng khí thải, loại bỏ than đá, phục hồi và bảo vệ thiên nhiên như thế nào”.
Vấn đề ở Afghanistan
Trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc ngày 21/9, ông Biden dự kiến sẽ thể hiện sự đảm bảo với thế giới rằng Mỹ vẫn là một nhà lãnh đạo đáng tin cậy trên trường đa phương, sau đợt rút quân vội vã khỏi Afghanistan hồi tháng trước.
Với cảnh báo về một "thảm họa nhân đạo" nếu viện trợ không đến được Afghanistan, cơ quan toàn cầu đang ở trong tình thế khó xử. Rất ít quốc gia muốn công nhận hoặc hỗ trợ tài chính cho chính quyền Taliban, nhưng họ cũng không muốn việc rút quân của các lực lượng nước ngoài gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn hoặc các vấn đề sâu rộng hơn.
Ngoại trưởng 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp - dự kiến sẽ thảo luận về Afghanistan trong cuộc họp hôm 22/9.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống mới của Iran sẽ không xuất hiện tại sự kiện, thay vào đó Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian đại diện cho nước này. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang tiếp tục đình trệ, trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cảnh báo sắp hết thời gian để duy trì thỏa thuận.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa ra một thỏa thuận với Tehran trong tháng này, cho phép các cơ quan giám sát thay thế camera và thẻ nhớ bị hỏng tại các cơ sở nguyên tử của Iran.
Tại UNGA, các nhà ngoại giao có thể cố gắng đàm phán thỏa thuận về các hoạt động hạt nhân của Iran một lần nữa.
Những vấn đề khác
Các bài phát biểu năm nay diễn ra trong những tranh cãi về người đại diện. Quân đội Myanmar đã phản đối việc công nhận đại sứ hiện tại Kyaw Moe Tun, nhưng ông vẫn giữ vị trí và có khả năng sẽ có bài phát biểu. Trong khi đó, đại sứ hiện tại của Afghanistan là người được chính phủ cựu Tổng thống Ashraf Ghani đề cử, nhưng không bị những người lãnh đạo Taliban mới phản đối.
Cùng tuần diễn ra các sự kiện của Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo nhóm Đối thoại an ninh tứ giác - hay còn gọi là "bộ tứ kim cương" QUAD (Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản) tới Washington để tham dự cuộc họp trực tiếp đầu tiên.
Việc Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp mặt sẽ được chú ý sau khi Anh, Mỹ và Australia đạt được thỏa thuận phát triển tàu ngầm mới. Điều này đã phá vỡ một thỏa thuận trị giá 65 tỷ USD giữa Australia và Pháp, khiến Ngoại trưởng Pháp nói rằng ông cảm thấy "bị đâm sau lưng" và Chính phủ Pháp phải triệu hồi các đại sứ của họ tại Mỹ và Australia.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()