Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:05 (GMT +7)
Tranh cãi sau thành công của 'Squid Game'
Thứ 6, 29/10/2021 | 09:22:19 [GMT +7] A A
Giới chuyên môn lo ngại vấn đề sở hữu trí tuệ bị ảnh hưởng khi các công ty trực tuyến đổ xô đầu tư nội dung vào thị trường Hàn Quốc.
Ngày 28/10, tờ Yonhap News có bài viết với tiêu đề: “Thành công toàn cầu của Squid Game làm dấy lên tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ".
Theo Yonhap News, ê-kíp sản xuất phim, kể cả đạo diễn Hwang Dong Hyuk cũng không nhận được thu nhập xứng đáng với sự nổi tiếng toàn cầu của Squid Game.
Đổ xô đầu tư vào phim ảnh Hàn Quốc
Squid Game được phát hành trên toàn thế giới từ ngày 17/9 và lập tức nhận được sự chú ý của khán giả trong nước lẫn quốc tế. Bộ phim đã thu hút hơn 142 triệu hộ gia đình trong 4 tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt và trở thành tác phẩm được xem nhiều nhất của Netflix cho đến nay.
Tuy nhiên, theo Yonhap News, kể từ khi Squid Game đạt được mức độ phổ biến ngoài mong đợi trên toàn thế giới, các nền tảng trực tuyến lớn trên thế giới như Disney + và Apple TV + bắt đầu cạnh tranh, thậm chí chi ra số tiền khổng lồ để đầu tư cho nội dung do Hàn Quốc sản xuất.
Đối diện với tình huống trên, các nhà phê bình đã đặt ra câu hỏi liệu sản phẩm địa phương có phù hợp để cho phép nền tảng nước ngoài khai thác độc quyền nội dung. Đặc biệt, vào thời điểm thị trường giải trí Hàn Quốc nổi lên như một trung tâm nội dung và phổ biến toàn cầu nhờ làn sóng Kpop, phim truyền hình dài tập, phim điện ảnh…
Họ cho rằng nhà sản xuất địa phương nên tìm cách giảm sự phụ thuộc tài chính vào các "ông lớn" nội dung trên toàn cầu.
Netflix, công ty dẫn đầu ngành với 8 triệu người dùng hàng tháng tính đến tháng 6, đã chi khoảng 700 triệu USD cho các dự án của Hàn Quốc kể từ khi ra mắt thị trường vào năm 2015. Nền tảng này đã tăng thêm mức đầu tư 500 triệu USD chỉ tính riêng năm 2021.
Disney +, một dịch vụ phát trực tuyến nội dung của Walt Disney Co., cho biết họ sẽ đầu tư mạnh trong những năm tới để tạo ra 7 tác phẩm bằng tiếng Hàn, bao gồm Outrun by Running Man - một phần phụ của chương trình truyền hình đình đám Hàn Quốc Running Man. Loạt sản phẩm Hàn Quốc do Disney + đầu tư chính thức ra mắt vào ngày 12/11.
Outrun by Running Man có sự tham gia của 3 thành viên Kim Jong Kook, Haha và Jee Seok Jin. Ngoài ra, Disney + cũng đầu tư sản xuất phim tài liệu về nhóm nhạc BlackPink hay dự án Rookies - phim lãng mạn dành cho lứa tuổi mới lớn lấy bối cảnh học viện cảnh sát ưu tú của Hàn Quốc. Bộ phim có sự tham gia của thần tượng Kpop Kang Daniel và nữ diễn viên Chae Soo Bin.
Snowdrop - phim truyền hình thuộc thể loại melodrama lãng mạn với sự tham gia của Jung Hae In, Jisoo nhóm BlackPink và Moving của Ryu Seung Ryong, Han Hyo Joo, Jo In Sung cũng nằm trong loạt dự án được Disney + đầu tư.
Kế hoạch trên được theo sát bởi Apple TV +, dịch vụ phát trực tuyến dựa trên đăng ký của tập đoàn công nghệ Apple Inc.
Hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc của Apple TV + đã được nhiều người mong đợi vì hãng đặt hàng nhiều dự án bằng tiếng Hàn, bao gồm bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng Dr. Brain, với sự tham gia của ngôi sao Parasite Lee Sun Kyun và phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Pachinko có sự góp mặt của diễn viên Youn Yuh Jung từng đoạt giải Oscar.
Một số ý kiến cho rằng sự đổ xô gần đây của các công ty nội dung và nền tảng phát trực tuyến toàn cầu sẽ mang đến cơ hội rộng lớn hơn cho những người sáng tạo Hàn Quốc. Trước đó, họ phải vật lộn để có được ngân sách sản xuất phim và thực hiện ý tưởng của họ.
Hwang Dong Hyuk, đạo diễn và biên kịch của Squid Game, cho biết trong một cuộc phỏng vấn dự án của ông đã bị các nhà đầu tư và đài truyền hình địa phương từ chối suốt 10 năm.
Ngoài Squid Game, nhiều phim Hàn Quốc do Netflix đầu tư được đánh giá cao về mặt thương mại và nội dung như Phim kinh dị Kingdom (2019), phim tội phạm tuổi teen Extracurricular (2020) hay phim quân sự D.P (2021) là một số ví dụ.
Rủi ro khi nhận khoản đầu tư từ công ty nước ngoài
Tuy nhiên, nhiều chuyên ra chỉ ra khoản đầu tư lớn từ các nền tảng phát trực tuyến cũng mang lại rủi ro. Đó là việc các công ty yêu cầu thâu tóm toàn bộ IP (PV: Tài sản trí tuệ) của các chương trình, dự án phim mà họ đầu tư. Điều đó dẫn đến, các nhà sáng tạo Hàn Quốc có thể bị hạn chế quyền sở hữu trí tuệ.
Một nguồn tin tiết lộ với Yonhap News, Netflix gánh toàn bộ trách nhiệm tài chính cho một dự án và cho phép các nhà sản xuất địa phương nhận tỷ suất lợi nhuận 10-30%. Đổi lại, Netflix có quyền phân phối toàn cầu các chương trình và tác phẩm.
Một hãng tin Mỹ đưa tin Netflix chi 21 triệu USD cho Squid Game nhưng hưởng lợi nhuận ước tính 900 triệu USD từ việc tăng lượng người đăng ký và giá cổ phiếu. Đáng nói, đạo diễn Hwang và đội ngũ sản xuất không có thu nhập, ưu đãi bổ sung nào tương xứng với thành công toàn cầu của Squid Game.
Giới chuyên môn khuyên các nhà sản xuất Hàn Quốc nên tìm cách giảm sự phụ thuộc tài chính vào công ty nội dung toàn cầu và thu lợi nhuận bằng cách chia sẻ rủi ro với những người khác trong ngành.
AStory - công ty sản xuất phim truyền hình Kingdom - đã ký hợp đồng ba bên cho bom tấn rất được mong đợi Jirisan. Jirisan là bộ phim kinh dị bí ẩn do Lee Eung Bok làm đạo diễn và Kim Eun Hee viết kịch bản. Phim có sự tham gia của Jun Ji Hyun.
Kênh truyền hình cáp địa phương tvN phát sóng bộ phim tại Hàn Quốc, trong khi các dịch vụ phát trực tuyến như Tencent, iQIYI chia sẻ quyền phân phối tại Trung Quốc và các khu vực quốc tế khác.
"Đúng là các nhà sản xuất Hàn Quốc đang cần Netflix. Tuy nhiên, nhà sản xuất Hàn Quốc phải nỗ lực hơn nữa để yêu cầu quyền lợi cho các tác phẩm sáng tạo của họ. Sự nổi tiếng ngày càng tăng của các xưởng sản xuất và diễn viên Hàn Quốc sẽ giúp ích", nhà phê bình văn hóa Gong Hee Jeong nói với Yonhap News.
Theo Zing
- Cảnh báo đáng sợ: Trẻ em bắt chước cảnh bạo lực trong 'Squid Game'
- "Squid Game" giúp gã khổng lồ của dịch vụ phim trực tuyến đạt thành tựu khủng
- "Squid Game" mang về 891 triệu USD cho gã khổng lồ dịch vụ phim trực tuyến
- "Squid Game" sẽ có phần 2
- "Squid Game" - "Ký sinh trùng" của truyền hình, dự đoán gặt hái nhiều giải thưởng khủng
Liên kết website
Ý kiến ()