Một năm trước, giới chuyên gia và cộng đồng tin rằng tiêm hai liều vaccine Pfizer, Moderna, AstraZeneca hoặc một liều Johnson & Johnson đủ để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Đến nay, khi biến chủng Omicron lây lan nhanh, Israel tiên phong tiêm liều vaccine thứ tư cho nhóm dân số dễ tổn thương. Ngày 5/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ phê duyệt mũi vaccine Covid-19 thứ ba cho nhóm thanh thiếu niên. Cơ quan tránh sử dụng cụm từ "tiêm chủng đầy đủ" để chỉ bất cứ ai, vì hai liều vaccine dường như không đủ để chống Covid-19.
Thay vào đó, tình trạng tiêm chủng của một người là "đã tăng cường" hoặc "chưa tăng cường". Nhiều người Mỹ vì thế tự hỏi: Chuỗi ngày tiêm chủng này khi nào sẽ kết thúc? Có nên tiêm nhắc lại vài tháng một lần hay không.
Do nCoV liên tục phát triển, giới khoa học không còn muốn dự đoán về tương lai đại dịch. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn gần đây, hàng chục chuyên gia cho rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, nỗ lực tiêm vaccine Covid-19 vài tháng một lần là thiếu thực tế. Chiến lược này cũng không đem lại nhiều ý nghĩa về mặt khoa học.
Giáo sư Andrew Pollard, nhà nghiên cứu vaccine AstraZeneca cho rằng tiêm chủng toàn cầu sau mỗi 4 đến 6 tháng rất tốn kém và không hiệu quả. Ông cũng lưu ý cần nhắm mục tiêu vào người dễ tổn thương thay vì tiêm đại trà cho tất cả người từ 12 tuổi trở lên. Theo ông, các nước nên thu thập thêm dữ liệu để xác định "nhóm đối tượng này có cần tiêm bổ sung hay không, thời điểm và tần suất tiêm ra sao".
Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Yale, cho biết: "Thế giới có tiền lệ tiêm chủng định kỳ, nhưng tôi nghĩ nhiều phương pháp tốt hơn là tiêm vaccine 6 tháng một lần". Bà cho rằng những chiến lược khác có thể "giúp thế giới không phải tiêm tăng cường đến cuối đời".
Theo bà, việc thuyết phục người dân xếp hàng sau mỗi vài tháng rất khó khăn. Khoảng 73% người Mỹ trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ. Nhưng đến nay, chỉ hơn một phần ba trong đó lựa chọn tiêm nhắc lại.
Giống với giáo sư Pollard, Deepta Bhattacharya, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Arizona, nhận định: "Đây có vẻ không phải chiến lược lâu dài, bền vững". Bên cạnh đó, chưa có dữ liệu lâm sàng chứng minh hiệu quả liều vaccine thứ tư. Tiêm chủng nhắc lại có thể làm tăng nồng độ kháng thể, ngăn ngừa lây nhiễm nCoV, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế. Trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan, chuyên gia này cho rằng người Mỹ nên tiêm liều thứ ba càng sớm càng tốt.
Song nhiều nghiên cứu sơ bộ cho thấy mức miễn dịch ở người dùng tiếp tục suy giảm sau khi tiêm liều thứ ba vài tuần. Ngay cả với nồng độ kháng thể cao nhất, tiêm tăng cường chưa chắc giúp ngăn ngừa hoàn toàn Omicron - biến chủng có thể né tránh miễn dịch.
"Rất khó để ngăn chặn virus trong thời gian dài. Virus đã tiến hóa vượt trội hơn nhiều so với trước đây. Có thể một vaccine đặc hiệu với Omicron sẽ cần thiết hơn", Shane Crotty, chuyên gia virus tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở California, nhận định.
Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson đều đang thử nghiệm loại vaccine này, dự kiến ra mắt trong những tháng tới. Ali Ellebedy, chuyên gia miễn dịch Đại học Washington, cho biết: "Nếu định tiêm liều thứ tư, tôi chắc chắn sẽ chờ đợi vaccine đặc hiệu ngừa Omicron".
Ý kiến ()