Dự án có tên Vườn Nemo là nhà kính dưới nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới. Vườn Nemo tận dụng chất lượng môi trường thuận lợi dưới biển như nhiệt độ ổn định, hấp thụ CO2, kiểm soát sâu bệnh tự nhiên để tạo ra môi trường phù hợp nhằm sản xuất hàng loạt rau sạch, theo Euronews Green.
Vườn Nemo có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Trái Đất bởi khu vườn được thiết kế đặc biệt dành cho những khu vực nơi yếu tố môi trường, kinh tế hoặc hình thái khiến việc trồng cây trở nên khó khăn. Thế giới sẽ cần cung cấp lương thực cho dân số 9,3 tỷ người giữa tình hình khí hậu ngày càng bất ổn vào năm 2050, theo Liên Hợp Quốc. Nhóm nghiên cứu phía sau dự án cho rằng trang trại dưới nước có thể mang lại nguồn thức ăn cho dân cư ven biển.
Sergio Gamberini, chủ tịch công ty sản xuất thiết bị lặn Ocean Reef nảy ra ý tưởng xây dựng vườn Nemo vào năm 2012. Kể từ sau đó, Ocean Reef đã thử nghiệm trồng hàng loạt cây trên đất liền dưới biển. Hơn 100 loại cây trồng khác nhau đã bắt rễ ở khu vườn, từ cây thảo mộc và hương liệu tới thức ăn như xà lách, đậu và dâu tây. Công ty không chỉ thu hoạch thành công một loạt hoa màu từ các khối cầu sinh quyển mà còn kết luận cây trồng trong môi trường này giàu dưỡng chất hơn cây trồng theo phương pháp truyền thống.
"Mỗi năm, chúng tôi lại khám phá những ứng dụng mới khả thi đối với khối cầu sinh quyển", Gianni Fontanesi, nhà điều phối dự án ở vườn Nemo, chia sẻ. Một số ví dụ bao gồm du lịch sinh thái, nuôi cá, trồng tảo biển, phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học và trạm nghiên cứu động vật hoang dã dưới nước.
Về mặt kỹ thuật, mỗi khối cầu chứa khoảng 20.000 lít không khí bên trên mặt nước. Ánh sáng Mặt Trời chảy qua nước bên ngoài khối cầu sẽ làm ấm không khí bên trong. Khi có ít ánh sáng tự nhiên dưới nước, đèn LED gắn trên bề mặt khối cầu sẽ cung cấp thêm nguồn sáng. Nước bên ngoài giúp nhiệt độ bên trong khối cấu duy trì ổn định cả ngày và đêm trong khi quá trình bốc hơi và ngưng tụ giúp cung cấp nước ngọt liên tục cho cây trồng.
Vườn Nemo được hỗ trợ bởi Siemens Digital Industries Software, cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi khối cầu sinh quyển từ xa và thúc đẩy chu kỳ sản xuất và mở rộng quy mô. Sau khi chứng minh hiệu quả của thiết kế, nhóm nghiên cứu đang bắt tay vào xuất khẩu công nghệ sang các nước khác. Trên thực tế, những khối cầu sinh quyển đã được xây dựng ở Bỉ và Florida Keys, Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của nhóm nghiên cứu là hạ thấp chi phí sản phẩm hết mức có thể.
Ý kiến ()