Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:38 (GMT +7)
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến cuộc bầu cử “đặc biệt”
Thứ 5, 02/09/2021 | 14:18:22 [GMT +7] A A
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát ở nhiều địa phương. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền các cấp, Quảng Ninh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử. Qua đó, một lần nữa khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tổng tuyển cử 1946 - Kỷ nguyên mới của dân tộc
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là "... tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống". Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Trong không khí phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn, nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức. Trung ương Đảng chủ trương: "Phải đưa những người đã ở trong UBND có năng lực hành chính ra ứng cử", và giới thiệu những thân hào có tài, có đức ra ứng cử, cùng đứng chung liên hiệp với các người ứng cử của Việt Minh. Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi. Một số địa phương, nhất là ở phía Nam, do lệnh hoãn không đến kịp, nên Tổng tuyển cử vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước là ngày 23/12/1945. Tin Tổng tuyển cử diễn ra tưng bừng ở những nơi đó được đăng tải kịp thời trên các báo chí làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của cả nước hướng đến ngày 6/1/1946.
Ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử 1 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ... là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%, cả nước đã bầu được 333 đại biểu; trong đó 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội đã trúng cử với số phiếu rất cao (98,4%).
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý đại diện nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.
Đến kỳ bầu cử trọn vẹn với nhiều đột phá, ghi dấu ấn sâu sắc
Cùng với lịch sử xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đến nay Quốc hội Việt Nam đã trải qua 15 khóa. 5 kỳ bầu cử ĐBQH đều là các sự kiện lớn của đất nước, dân tộc và nhân dân. Trong đó có 4 lần được xem là dấu mốc đặc biệt. Thứ nhất là Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 6/1/1946 chỉ sau ngày lập nước gần 4 tháng và trước Ngày Toàn quốc kháng chiến hơn 11 tháng.
Thứ hai là kỳ bầu cử ĐBQH của nước Việt Nam độc lập, thống nhất (25/4/1976). Thứ ba là kỳ bầu cử ĐBQH trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, thông qua Hiến pháp của thời kỳ đổi mới (19/4/1987). Thứ tư là kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV (23/5/2021).
Tính đặc biệt của kỳ này là bầu cử ĐBQH góp phần thực hiện lộ trình đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới trong 10 năm (2021-2030), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản việt Nam 3/2 (1930-2030) và 100 năm Ngày thành lập nước 2/9 (1945-2045) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đây cũng là lần đầu tiên các địa phương cả nước cùng thực hiện 3 nhiệm vụ song song là vừa phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử. Với tinh thần quyết tâm cao, hơn 68,7 triệu cử tri cả nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình là trực tiếp bỏ phiếu lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, thống kê đến 0h sáng 24/5, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 98,43%, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp.
Tại Quảng Ninh, sau hơn 5 tháng triển khai, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri toàn tỉnh, đã mang lại thành công to lớn, tốt đẹp cho cuộc bầu cử, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bầu cử có nhiều đổi mới, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; luôn có sự tích cực, chủ động trong chuẩn bị các nội dung theo đúng quy định của Luật và sát với thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh, đảm bảo sự cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ, đúng tiến độ, đúng pháp luật, các nội dung công việc tỉnh đều chủ động triển khai sớm hơn so với Luật định để có thời gian xử lý các vấn đề nảy sinh. Ngày bầu cử 23/5 đã thực sự là ngày hội của non sông trên Đất mỏ anh hùng - vùng địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, trong niềm hân hoan, phấn khởi, tin tưởng, đông đảo cử tri các dân tộc trong tỉnh đã nô nức đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, trực tiếp góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Đúng ngày 23/5/2021, cử tri cả tỉnh đã nô nức, phấn khởi, đến các khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân. Ngay từ sáng sớm trên khắp các nẻo đường từ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đến các các xã vùng sâu, vùng xa c ủa tỉnh, trong những bộ trang phục lịch sự, các cử tri của tỉnh đã có mặt đông đủ tại các địa điểm bỏ phiếu. Một số nơi duy trì trang phục truyền thống tạo nên sắc màu của ngày hội toàn dân. Nhiều cụ già, già làng, trưởng bản các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, đông đảo cử tri đi bầu cử sớm, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Kết thúc ngày bầu cử, cử tri toàn tỉnh phấn khởi, tích cực tham gia bỏ phiếu với tinh thần trách nhiệm cao nhất với tỷ lệ cử tri đạt 99,95%. Trong kỳ bầu cử này, Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao nhất so với 4 nhiệm kỳ gần đây và là một trong những tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất cả nước.
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh kiên trì thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ được địa bàn an toàn trong cuộc bầu cử. Ở những nơi đang thực hiện cách ly y tế, lực lượng tổ chức bầu cử đã tăng cường mang thùng phiếu phụ hoặc bố trí thêm nhân lực để tổ chức các điểm bỏ phiếu phụ. Trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh, nhiều người đang phải thực hiện cách ly, thậm chí đang nằm trên giường bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng tham gia bầu cử bằng cả trái tim, ý chí, tinh thần dân tộc. Đến 15h00 ngày 23/5, 2.314/2.314 (đạt tỷ lệ 100%) cử tri liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã thực hiện quyền công dân, bỏ phiếu bầu ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo an toàn.
Cuộc bầu cử diễn ra đúng Luật, tuyệt đối an toàn, không có sai phạm nào; không có đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu phải bầu lại; không có đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phải bầu thêm. Cử tri đã bầu đúng, bầu đủ số lượng đại biểu, lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, đảm bảo các cơ cấu kết hợp, đặc biệt là cơ cấu nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng đạt tỷ lệ cao hơn so với các nhiệm kỳ gần đây của tỉnh và toàn quốc. Cụ thể, đã bầu đúng, bầu đủ 8 ĐBQH, 66 đại biểu HĐND tỉnh, 420 đại biểu HĐND cấp huyện; đối với đại biểu HĐND cấp xã bầu được 3.740 đại biểu, chỉ thiếu 13 người (nhiệm kỳ 2016-2021 thiếu 54 đại biểu HĐND cấp xã). 176/177 xã, phường, thị trấn không có đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu phải bầu thêm đại biểu đại biểu HĐND cấp xã; duy nhất chỉ có 1 đơn vị bầu cử phải bầu thêm đại biểu HĐND xã. Đặc biệt, tỷ lệ trúng cử bình quân cao hơn rất nhiều so với các nhiệm kỳ gần đây (ĐBQH tăng 8,94% so với nhiệm kỳ 2016-2021, tăng 12,27% so với nhiệm kỳ 2011-2016; đại biểu HĐND tỉnh tăng 9,41% so với nhiệm kỳ 2016-2021, tăng 12,14% so với nhiệm kỳ 2011-2016). Điều này cho thấy niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền không ngừng được củng cố, nâng cao.
Thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước và của tỉnh; là kết quả của sự chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cử tri và nhân dân. Cử tri tin tưởng và kỳ vọng với tâm huyết, trí tuệ của mình, những người trúng cử thực hiện tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân để đề xuất với Quốc hội, với cấp ủy chính quyền địa phương, có những quyết sách đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()