Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:48 (GMT +7)
Trần Trương - Một đời tâm huyết với Yên Tử
Chủ nhật, 20/03/2022 | 14:08:29 [GMT +7] A A
Tuy chỉ có 11 năm giữ cương vị Trưởng Ban quản lý Di tích và Danh thắng Yên Tử (nay là Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử) (TP Uông Bí) nhưng ông Nguyễn Trần Trương (tên thường gọi là Trần Trương) ở phường Phương Đông, TP Uông Bí, đã dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu về Yên Tử.
Tính từ năm 1994 đến nay, ông Trần Trương đã có 6 đầu sách với hàng vạn quyển được in ấn, phát hành và vài chục bài viết về Yên Tử đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và của tỉnh. Đây là những tài liệu quý để các độc giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài hiểu thêm về Yên Tử và làm cơ sở ban đầu cho các nhà nghiên cứu khoa học, sử học có hướng tiếp cận nghiên cứu trong việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử là di sản văn hóa thế giới.
Các tác phẩm sách của Trần Trương viết về Yên Tử gồm: "Non thiêng Yên Tử" (truyện tranh), "Chùa Yên Tử và Danh nhân Yên Tử" được NXB Văn hóa Thông tin xuất bản các năm 1994, 1995, 1996; "Phật Hoàng Trần Nhân Tông" (truyện lịch sử) được NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2009, tác phẩm "Yên Sơn ký ức" (truyện ký) - NXB Hội Nhà văn 2012, tác phẩm "Một lần về Yên Tử" (truyện ký) - NXB Hội Nhà văn 2019.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương chia sẻ rằng, để cho ra đời những đứa con tinh thần này, nếu không tâm huyết và dành nhiều công sức thì khó có thể làm được. Bây giờ, hầu hết các tư liệu cổ về Yên Tử bằng chữ Hán Nôm đã được các dịch giả dịch ra chữ Việt và xuất bản nên việc tra cứu tư liệu khá dễ dàng. Tuy nhiên vào giai đoạn trước năm 2000, thì việc sưu tầm tài liệu về Yên Tử vô cùng khó khăn, cũng không có sẵn công cụ tìm kiếm thông tin trên mạng như ngày nay.
Nguồn tư liệu quý giá cũng gần như duy nhất với ông Trương khi ấy là các thư tịch cổ và các di tích, cảnh quan trên dãy núi Yên Tử. Nhưng chúng luôn im lặng, để chúng lên tiếng, đó là không ít những tháng ngày dài Trần Trương với bao nhiêu tâm huyết và công sức trăn trở, mày mò tiếp cận, tìm hiểu...
Tháng 4/2015 (sau khi nghỉ chế độ khoảng 1 năm), ông Trần Trương tham gia đoàn khảo sát các di tích lịch sử trên dãy núi Yên Tử và phụ cận thuộc 3 tỉnh Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh. Đoàn khảo sát có 3 chuyên gia quốc tế gồm: Giáo sư Paul Dingwall, Tiến sĩ Radhika và Giáo sư Ueno. Tiếp đó, ông viết bài tham luận và tham gia ý kiến tại 2 hội thảo khoa học tổ chức trong năm 2015 và 1 hội thảo khoa học tháng 8/2020 về việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử là Di sản Văn hóa thế giới.
Dù đã về nghỉ chế độ, ông Trần Trương vẫn tiếp tục nghiên cứu về Yên Tử, tham gia biên soạn nội dung giới thiệu các di tích để khắc trên bia đá, lên lớp bồi dưỡng tri thức cho đội ngũ hướng dẫn viên làm việc tại Yên Tử, tư vấn về những vấn đề lịch sử, văn hóa liên quan...
Từ giữa năm 2021 đến nay, ông Trương tham gia một phần việc nhỏ trong nhiệm vụ khoa học Nghiên cứu các đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, cùng với các chuyên gia của Trung tâm Karst và Di sản địa chất (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) do PGS.TS địa chất - địa kỹ thuật Trần Tân Văn chủ trì thực hiện, góp phần xây dựng một phần hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới.
Ông hiện còn tham gia sinh hoạt trong CLB Văn nghệ khu Cầu Sến ở phường Phương Đông, do ông làm Chủ nhiệm. CLB đã biểu diễn hàng trăm tiết mục gồm các thể loại: Quan họ, chèo, nhạc cách mạng, múa, tấu nhạc cụ, kịch ngắn (do chính ông viết kịch bản, đạo diễn) vào các dịp lễ, tết, ngày hội của khu phố và biểu diễn giao lưu với một số đơn vị bạn. Ông dự định đưa một số tiết mục vào biểu diễn trong Hội xuân Yên Tử, nhưng do dịch Covid-19 nên ý tưởng đó vẫn chưa thực hiện được. Vậy là, dù ở cương vị nào, ông Trương vẫn đau đáu một nỗi niềm cùng Yên Tử, với ông, Yên Tử từ lâu đã như là máu thịt của mình.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()