Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:57 (GMT +7)
Trăn trở làng nghề gốm sứ Đông Triều
Chủ nhật, 27/03/2022 | 12:37:17 [GMT +7] A A
Gốm sứ Đông Triều truyền thống là dòng gốm nặng lửa, với đặc tính về kiểu dáng, đường nét hoa văn, chất men và phương pháp nung đốt có nét riêng biệt, vẫn là niềm tự hào của người làng nghề. Đáng tiếc là giữa dòng chảy thị trường hôm nay, thương hiệu Gốm sứ Đông Triều không biết đang ở đâu?
Mất thương hiệu ngay trên “sân nhà”
Các làng gốm của Đông Triều vang danh từ khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước và được thị trường, người tiêu dùng biết tiếng với đặc trưng là dòng gốm to, nặng lửa. Qua những thăng trầm, từ 2 làng gốm xưa nay đã hình thành 11 doanh nghiệp và hợp tác xã gốm sứ; 25 hộ gia đình sản xuất gốm sứ mỹ nghệ và khoảng 35 hộ kinh doanh gốm sứ mỹ nghệ với tổng số trên 1.600 lao động.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, hoạt động sản xuất gốm sứ nơi đây hiện có 2 xu hướng chính: Một là những cơ sở sản xuất theo lối truyền thống, sử dụng lò bầu, nung đốt bằng củi là chủ yếu và cho ra thành phẩm gốm sứ to, nặng lửa với nhiệt độ nung vào khoảng 1.300 độ. Hai là những cơ sở đã mạnh dạn ứng dụng KHCN, đầu tư máy móc thiết bị, lò ga vào sản xuất gốm sứ, sản xuất các sản phẩm gia dụng, lưu niệm nhỏ với nhiệt độ nung thấp hơn. Thương hiệu "Gốm sứ Đông Triều" cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể và cấp quyền cho 81 tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu này.
Để tìm hiểu thực tế sản xuất cũng như việc sử dụng nhãn hiệu Gốm sứ Đông Triều, chúng tôi theo sự giới thiệu của cán bộ Phòng Kinh tế thị xã đã tới thăm Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh tại khu Vĩnh Quang và Công ty TNHH Gốm sứ Thắng Lan tại khu Vĩnh Hồng, đều tại phường Mạo Khê và là những cơ sở gốm sứ đang sản xuất theo 2 dòng sản phẩm chính vừa kể trên.
Trong đó, Gốm sứ Quang Vinh vốn kế thừa từ kinh nghiệm chế tác gốm của làng nghề Bát Tràng nổi tiếng, khoảng 20 năm trước bắt đầu đặt cơ sở tại Đông Triều và luôn đi theo hướng sản xuất gốm sứ gia dụng, lưu niệm nhỏ phục vụ cho xuất khẩu. Hoạt động của đơn vị duy trì khá tốt, ngay cả giai đoạn dịch bệnh gần đây, đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động.
Ngắm khu trưng bày và xưởng sản xuất nơi đây, chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm gốm sứ in nhãn tên, logo của nhiều thương hiệu khác nhau, gồm cả tên Gốm sứ Quang Vinh nhưng không có tên Gốm sứ Đông Triều.
Anh cán bộ doanh nghiệp đi cùng lý giải: Quang Vinh hầu hết sản xuất theo đơn đặt hàng phục vụ xuất khẩu. Các đối tác thường gửi thiết kế, đi kèm đó là yêu cầu dán nhãn thương hiệu của họ, công ty chỉ là gia công, chế tác sản phẩm mà thôi. Còn logo Gốm sứ Quang Vinh sử dụng với những mặt hàng do công ty tự thiết kế, phục vụ cho trưng bày mẫu và quảng bá, giới thiệu sản phẩm là chủ yếu. Nếu sử dụng logo Gốm sứ Đông Triều nữa thì lại có quá nhiều logo trên một sản phẩm…
Khác với Quang Vinh, Gốm sứ Thắng Lan chủ yếu sản xuất dòng gốm to, nặng lửa với sản phẩm chính là chum, bình ngâm rượu, ang trồng, chậu hoa… và cũng không có nhãn tên hay logo thương hiệu của Gốm sứ Đông Triều.
Ông Phạm Văn Thắng, chủ cơ sở sản xuất của Gốm sứ Thắng Lan, phân tích: Gốm sứ Đông Triều sản xuất theo lối truyền thống hiện chủ yếu bán nội địa, các đầu buôn đều biết về chất lượng và tự quảng bá cho hàng của làng nghề rồi. Thêm nữa, trình độ dân trí giờ nâng cao, người tiêu dùng cũng tự nhận biết được.
Gốm sứ Đông Triều có sự khác biệt, nhìn là nhận ra, không giống nơi nào khác, kể cả gốm sứ Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Đồng Nai hay Bình Dương... Thậm chí, người sành nhìn quen rồi thì nhìn qua màu men còn biết là sản phẩm của nhà nào, cơ sở nào. Vì vậy mà không cần tên gắn trên sản phẩm vẫn không sợ bị lẫn lộn, không sợ bị mất thương hiệu vì gốm sứ Đông Triều là thương hiệu có được từ sự tín nhiệm của người tiêu dùng...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Đông Triều từng nghiên cứu thử việc đóng dấu logo Gốm sứ Đông Triều lên sản phẩm gốm sứ, nhưng về mặt kỹ thuật chưa thành công. Còn như ở Gốm sứ Quang Vinh, việc dán logo khá đơn giản, được làm theo mẫu in sẵn, sau khi nung, tráng men vẫn giữ nguyên hình dạng, không bị mất màu, bay màu. Cách làm này dễ thấy là phù hợp, tiện dụng cho sản phẩm nhỏ, còn nếu áp dụng cho sản phẩm gốm nặng lửa, to của làng nghề cũng khó hơn.
Kỹ thuật là một chuyện nhưng quan trọng là người làng nghề không mặn mà. Cho đến nay, theo đánh giá của địa phương thì chưa có cơ sở gốm sứ nào của Đông Triều in logo Gốm sứ Đông Triều trên sản phẩm cả. Ông Thắng thẳng thắn bảo: “Chẳng tội gì người ta phải đóng dấu logo cho mất công, thêm chi phí mà tiền bán sản phẩm vẫn thế”.
Cách nghĩ này của người làng nghề thiết nghĩ cũng là dễ hiểu, khi họ phải cạnh tranh, tìm cách giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để tiêu thụ dễ hơn. Gốm sứ Đông Triều truyền thống hiện nay thực tế tương đối đơn điệu về mẫu mã, kiểu dáng, việc tiêu thụ của các hộ cũng thụ động, đơn giản: Sản phẩm làm ra, thương lái có nhu cầu tự đến mua từ những gì có sẵn. Để bán được sản phẩm hay làm cho các đơn hàng xuất khẩu, nhiều cơ sở sản xuất chấp nhận in logo thương hiệu khác theo yêu cầu…
Với người sản xuất đúng là cứ bán được sản phẩm là tốt, nhưng khi so với làng gốm Bát Tràng không cần vận động, hộ sản xuất nào cũng tự nguyện in tên thương hiệu gốm sứ Bát Tràng lên sản phẩm của mình, là câu chuyện đáng suy nghĩ về giá trị thương hiệu, cách quảng bá thương hiệu mà các cơ quan chức năng của TX Đông Triều rất cần quan tâm.
Nan giải bài toán kinh tế và nguy cơ ô nhiễm
Người làng nghề thường cả tuần mới đốt lò nung một lần. Thật may mắn khi chúng tôi đến thăm lò gốm của Gốm sứ Thắng Lan, lò đang đỏ lửa nên có thể “thực mục sở thị” việc nung đốt ở đây.
Lò của cơ sở là loại lò to 10 bầu, cũng là loại lò phổ biến mà người làng nghề gốm sứ Đông Triều sử dụng, chuyên nung các sản phẩm gốm nặng lửa với nhiệt độ khoảng 1.300 độ C, tạo nên nét khác biệt, đặc sắc riêng có của gốm sứ Đông Triều truyền thống.
Lò bầu chuyên sử dụng củi làm nguyên liệu đốt lò. Chúng tôi không có những con số đánh giá ô nhiễm khói, bụi cụ thể nhưng bằng cảm quan khi đứng trong khu vực nhà xưởng đang đốt lò dễ dàng thấy lượng khói dày đặc bay vẩn xung quanh. Củi được đưa liên tục vào lò trong thời gian dài để duy trì nền nhiệt, như vậy sẽ tạo lượng khói bụi khá lớn. Ảnh hưởng tới không gian chung chưa biết nhưng chắc chắn chính người thợ gốm trong xưởng sẽ phải hít thở lượng bụi khói lớn đầu tiên.
Người làng nghề chắc hẳn ai cũng nhận ra điều này nhưng họ lại chưa thể thay đổi. Từ kinh nghiệm của người đã đầu tư cả lò bầu và lò ga, ông Thắng phân tích: “Đầu vào” của lò bầu là củi gỗ rẻ, lò nung được số lượng lớn mà đun củi gỗ cũng phù hợp cho nung sản phẩm to, nặng lửa vốn là đặc trưng gốm sứ truyền thống Đông Triều. Còn lò ga hợp với nung những sản phẩm nhỏ, kỹ. Lò ga có dung tích nhỏ, giá nguyên liệu đắt, nung gốm to được số lượng ít, sẽ đội giá thành lên cao gấp 4-5 lần lò bầu nên sản phẩm rất khó tiêu thụ. Lò ga thì sạch thật, không khí tốt nhưng thực ra cũng phải tính về kinh tế nữa…
Như vậy, để giải bài toán về môi trường vẫn là cái khó. TX Đông Triều từ lâu cũng đã đề xuất quy hoạch lại các làng nghề gốm sứ, đưa vào khu sản xuất tập trung với hai khu riêng là sản xuất và trưng bày hàng hoá, qua đó, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm. Tuy nhiên, quy hoạch đến nay vẫn chưa có chuyển động, việc hiện thực hoá cũng cần đồng thời giải quyết hàng loạt vấn đề đối với người làng nghề nên phương án này vẫn còn để ngỏ(?)
Diện mạo của gốm sứ Đông Triều hôm nay đã khác xưa nhiều, cho thấy sự năng động của người dân làng nghề, để giữ được nghề, theo được nghề, tuy nhiên xu thế “mạnh ai nấy làm” xem ra đang là phổ biến. Nghề gốm không mất nhưng phát triển như thế nào, chỉ là duy trì, gìn giữ những đặc trưng riêng của gốm sứ Đông Triều hay tìm hướng phát triển từ mở rộng thị trường, đa dạng hoá sản phẩm từ những lợi thế riêng thiết nghĩ cần có những giải pháp đột phá, mang tính tổng thể chứ tự riêng người làng nghề khó mà làm được.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()