Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:36 (GMT +7)
Trận thuỷ chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam
Chủ nhật, 26/03/2023 | 09:27:55 [GMT +7] A A
Như trong bài trước chúng tôi đã nói, trong giai đoạn thời nhà Trần (1225-1400), vùng Hải Đông (nay là Quảng Ninh) tiếp tục phát triển, giao thương tấp nập, nhiều công trình Phật giáo quy mô được xây dựng. Tuy nhiên, nói đến thời nhà Trần ở Quảng Ninh, không thể không nhắc đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 - trận thuỷ chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng là nổi tiếng thế giới.
Diễn tiến trận Bạch Đằng năm 1288 đã có quá nhiều tư liệu, chứng tích nói đến và cho đến giờ vẫn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Có thể tóm tắt như sau:
Cuối năm 1287, quân Nguyên tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ ba, do Thoát Hoan chỉ huy, với lực lượng theo “Nguyên sử” là 92.000 quân và 500 chiến thuyền. Triều đình nhà Trần đã rút lui khỏi Thăng Long, làm kế "vườn không nhà trống". Trong khi đó, đoàn thuyền vận tải lương thực của quân Nguyên tiến theo đường biển đã bị Trần Khánh Dư chỉ huy diệt gọn trong trận Vân Đồn. Chiến thắng Vân Đồn có một ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba bởi thiếu lương thực, quân địch lâm vào tình thế khó khăn, “lương hết, quân mệt” nên phải rút quân về.
Ngày 30/3/1288, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem thủy quân về trước. Sợ đoàn chiến thuyền bị phục kích, Thoát Hoan sai quân kỵ binh đi hộ tống nhưng cầu đường đã bị quân ta phá hủy nên đội kỵ binh khi đến chợ Đông Triều, không sang sông được đành quay trở lại.
Ngày 8/4/1288 thuyền quân Nguyên tiến đến Trúc Động trên sông Giá và bị quân Đại Việt đánh chặn quyết liệt nên phải theo sông Đá Bạch để tiến xuống sông Bạch Đằng.
Bấy giờ, ở sông Bạch Đằng, Trần Quốc Tuấn đã theo kế của Ngô Quyền thuở trước, bố trí một trận địa phục kích lớn. Vương cho đóng những cọc gỗ xuống lòng sông, bên trên phủ cỏ để ngụy trang, đồng thời cho quân mai phục trong vùng núi đá vôi Tràng Kênh (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và vùng rừng rậm rạp ở tả ngạn sông Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên ngày nay), còn thủy quân thì ẩn trong các con sông hai bên dòng Bạch Đằng như sông Giá, sông Thải, sông Điền Công...
Sáng sớm ngày 8/3 âm lịch (9/4/1288), đoàn thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp tiến đến sông Bạch Đằng. Quân Trần đem thuyền ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy. Ô Mã Nhi dẫn binh thuyền đuổi theo. Nước triều xuống thấp, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi xô phải cọc, dồn cả lại. Nhiều chiếc bị vỡ và bị đắm. Trong khi đó, phục binh của ta ở hai bên bờ đổ ra, đánh vào sườn và phía sau đoàn thuyền địch.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Nguyễn Khoái dẫn quân dũng nghĩa Thánh dực đánh nhau với giặc, bắt được Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đại chiến. Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết. Nước sông vì thế đỏ cả. Quân ta bắt được hơn bốn trăm thuyền, Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ dâng lên Thượng hoàng...”. Sử nhà Nguyên đã mô tả: “Thuyền An Nam tập trung đông, tên bắn như mưa” khiến thủy binh giặc chết rất nhiều. Máu giặc đỏ ngầu cả khúc sông. Nước triều rút gấp, thuyền giặc vướng cọc bị phá hủy càng nhiều. Theo “Nguyên sử”, thì toàn bộ đoàn thuyền của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt.
Ngày 17/3 âm lịch (18/4/1288), hai vua Trần về phủ Long Hưng, đem bọn tù binh tướng giặc nhà Nguyên làm lễ hiến tiệp ở lăng Thái Tông. Mười ngày sau, vua Trần và triều đình trở về kinh đô Thăng Long ban lệnh đại xá thiên hạ.
735 năm sau trận thuỷ chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam, sông Bạch Đằng vẫn còn đó. Cọc đóng dưới sông Bạch Đằng trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của dân tộc ta, được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Yên và còn đó trên hiện trường là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Vạn Muối, đồng Má Ngựa. Quảng Yên - bãi chiến trường xưa vẫn còn đó những đồng Vạn Muối, đền Trung Cốc, đình Trung Bản, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Đền Công, hai cây lim Giếng Rừng cùng vô số những truyền thuyết dân gian về chiến thắng Bạch Đằng 1288. Tại xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn) còn đó sông Mang, miếu Đức Ông thờ ba anh em họ Phạm đã chiêu tập dân binh cùng Trần Khánh Dư lập nên chiến thắng Vân Đồn tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 được coi là tổng hợp sức mạnh của toàn dân tộc, thắng lợi đó là mẫu mực của tinh thần “cả nước đồng lòng”, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Năm 1991, Khu di tích lưu niệm chiến thắng Bạch Đằng được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia; đến tháng 9/2012, được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích để giáo dục, ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm đối với các thế hệ người Việt Nam, hình thành ý thức trách nhiệm và quyết tâm của mỗi người dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay, đồng thời giới thiệu với bạn bè, du khách quốc tế về lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoạch định các tuyến du lịch liên kết di tích, đưa các không gian bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể vào quy hoạch chung để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Bạch Đằng.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()