Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:38 (GMT +7)
Trần Thị Yến: Một đời đam mê bóng chuyền
Thứ 7, 20/02/2021 | 08:46:04 [GMT +7] A A
Nhắc tới bóng chuyền Quảng Ninh, người ta nhớ tới kỳ tích đội Bưu điện Quảng Ninh 3 lần vô địch quốc gia các năm 1999, 2000 và 2001 với những gương mặt "vàng" từng nhiều lần góp mặt đội tuyển quốc gia. Một trong số đó là chuyền hai Trần Thị Yến - người gần như cống hiến của đời mình cho nghiệp bóng chuyền.
Sinh ra tại TP Hạ Long trong một gia đình không có truyền thống thể thao, thế nhưng cô gái Trần Thị Yến (sinh năm 1967) đã sớm bộc lộ năng khiếu thể thao từ khi còn trên ghế nhà trường. Yến đã giành nhiều giải thưởng ở Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh ở 5 môn phối hợp. Năng khiếu của chị nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của các HLV.
Trần Thị Yến đại diện đội Bưu điện Quảng Ninh lên nhận chức vô địch giải Bóng chuyền Vô địch Quốc gia năm 2000. (Ảnh:Trung tâm HL&TĐ TDTT tỉnh) |
“Môn bóng chuyền với mình là cái duyên” - bà Yến cười chia sẻ. Năm 1983, khi vào học Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh (nay là Trường TDTT tỉnh), Trần Thị Yến khởi đầu sự nghiệp ở... môn điền kinh. Có lẽ vì tố chất tốt nên HLV môn điền kinh, bắn súng và các môn khác đều muốn kéo chị về tập luyện. Sau cùng, chị Yến chọn bóng chuyền do các HLV đánh giá cao tố chất, sự khéo léo và chiều cao 1,67m của chị. Sau 1 năm học năng khiếu, chị nhanh chóng tiến bộ, chứng tỏ khả năng ở vị trí chuyền hai và mùa giải 1984 -1985, chị bắt đấu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình.
Năm 1984, khi 17 tuổi, Trần Thị Yến đầu quân cho đội bóng chuyền Than Hòn Gai. Năm 1984, 1985 chị lần lượt tham gia giải A1, A2 rồi đến năm 1986, chị tham gia Giải vô địch đội mạnh bóng chuyền toàn quốc. Năm 1988, chị Yến được gọi vào đội tuyển quốc gia tham gia giải bóng chuyền vô địch ba nước Đông Nam Á. Năm 1989, chị tham dự Sea Games lần thứ 15 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Thời gian đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của Trần Thị Yến là cuối những năm 90, đầu năm 2000, trong màu áo đội bóng chuyền của tỉnh mang tên Bưu điện Quảng Ninh, chị đã cùng những vận động viên thuộc thế hệ vàng của bóng chuyền Quảng Ninh lúc đó như Bùi Lan Anh, Trần Thị Hiền, Bùi Thị Hương... giành 3 chức vô địch quốc gia liên tiếp các năm 1999, 2000 và 2001.
Chị Trần Thị Yến tự hào với Huân chương Lao động hạng Ba được Chủ tịch nước tặng năm 2003. |
Sau hơn 20 năm gắn bó với bóng chuyền trên cương vị VĐV, Trần Thị Yến đã ngừng thi đấu để chăm lo gia đình, sức khoẻ. Thế nhưng nhiệt huyết với bộ môn bóng chuyền luôn cháy bỏng trong con người bà. Tháng 5/2004, bà Yến chuyển sang làm HLV, tiếp tục truyền lại niềm đam mê, nhiệt huyết cho những lớp VĐV bóng chuyền kế cận. Giữa muôn vàn lựa chọn, ngã rẽ sau khi từ giã sự nghiệp, bà Yến khẳng định các con đường lại sẽ đưa bà về với bóng chuyền mà thôi dù cho ở bất kì vị trí công tác nào.
"Ở cương vị mới tôi luôn mong phát hiện và đào tạo nhiều thế hệ học trò. Đặc biệt là tìm, đào tạo các tay chuyền 2 tài năng, "nhạc trưởng" cho đội. Tôi muốn đem hết kĩ năng, kinh nghiệm để truyền thụ lại cho các em bằng tất cả tình yêu, đam mê của mình" - bà Yến tâm sự.
Với kinh nghiệm thi đấu phong phú, tài năng được khẳng định, trong suốt hơn chục năm tham gia công tác huấn luyện, HLV Trần Thị Yến đã tìm kiếm, phát hiện được rất nhiều tài năng trẻ. Bà lần lượt được giao trọng trong công tác huấn luyện đội trẻ, đội tuyển bóng chuyền Quảng Ninh vào các năm 2004, 2005.
Trong con mắt mỗi học trò, HLV Trần Thị Yến không chỉ là người thầy giỏi, giàu kinh nghiệm với con mắt tinh tường mà còn giành cho những thế hệ học trò tình yêu thương như của người cha, người mẹ. Nhờ đó, bà đã đào tạo được lứa học trò như: Phạm Thị Yến, Triệu Thanh Huyền... được bà dẫn dắt từ 2007 và được đánh giá cao về chuyên môn.
Trần Thị Yến (hàng ngồi, ngoài cùng bên phải) cùng đội Bưu điện Quảng Ninh từng đem về 3 chức vô địch cho bóng chuyền Quảng Ninh. Ảnh: Trung tâm HL&TĐ TDTT |
Gần 4 thập kỉ gắn bó với thể thao chuyên nghiệp, kinh qua rất nhiều vai trò từ VĐV, đến HLV và bây giờ là Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, bà Yến là người thấu hiểu hết những khó khăn vất vả của nghiệp VĐV mà không vững tâm thì có thể phải bỏ ngang sự nghiệp. Đó là những áp lực, cửa ải tâm lý khó vượt qua, những trận đấu đầu tiên ở bóng chuyền đỉnh cao, khi liên tục bị bắt lỗi kỹ thuật khiến tay chuyền hai trẻ bị "khớp", hay đó là chuyện bà phải vừa thi đấu vừa phải chăm con, đứa con trai mới hơn hai tuổi rong ruổi cùng mẹ khắp mọi sân đấu, đôi khi cả HLV, trưởng đoàn cũng thành bảo mẫu để bà yên tâm thi đấu. Rồi câu chuyện lựa chọn gia đình hay thể thao...
"Đó là những chuyện như đùa nhưng rất thật. Không hiểu sao lúc đó chúng tôi có thể vượt qua. Có lẽ là đam mê, say nghề và trên hết chính tình yêu giành cho bóng chuyền đã giúp tôi mạnh mẽ, khéo léo cân bằng mọi khó khăn"- bà Yến trải lòng từ chính câu chuyện của mình.
Ông Lương Bình Quảng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ về đồng nghiệp của mình: Chị Yến là một tấm gương. Ở chị năng khiếu chưa đủ mà chính lòng đam mê với bóng chuyền đã đào luyện nên một chuyền hai tài năng cũng như một người "truyền lửa" cho lớp VĐV trẻ, một tấm gương cho lớp trẻ học hỏi.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()