Không được đào tạo bài bản về làm phim, Trấn Thành tích lũy kinh nghiệm từ năm tháng lăn lộn với nghề diễn. Năm 2005, anh nộp đơn thi vào khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Nghệ sĩ cho biết lúc anh đi học, gia đình túng quẫn vì làm ăn thất bại, chỉ còn chiếc Wave cũ là tài sản giá trị. Năm đầu, anh được thầy cô đánh giá là sinh viên xuất sắc, dẫn đầu nhiều bộ môn. Dù vậy, Trấn Thành hoang mang khi thấy bạn bè trong lớp liên tục được mời đóng phim, diễn hài, còn anh không ai quan tâm.
Cơ hội đầu tiên đến với Trấn Thành khi bạn bè khuyên anh thi Én vàng - chương trình tìm kiếm MC. Nhờ hoạt ngôn, anh đoạt giải ba. Cuộc thi trở thành bước đệm, giúp anh giữ vai trò MC loạt chương trình ăn khách. Mải chạy show kiếm tiền, sang năm thứ hai, diễn viên bị đuổi học vì bỏ môn, không đóng học phí. Sau này nhìn lại, Trấn Thành cho biết dù tiếc nuối, anh chưa bao giờ hối hận. "Kinh nghiệm đời thực giúp tôi trui rèn khả năng học hỏi", diễn viên từng nói.
Từ năm 2006 đến đầu thập niên 2010, Trấn Thành liên tục xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Dù chủ yếu đóng vai phụ, anh ít nhiều tạo được chú ý, như vai đàn em ăn chơi của Quốc (Phùng Ngọc Huy) trong Cổng mặt trời (2010), Trí "Trề" - chàng trai láu cá trong Một thời ta đuổi bóng (2011)...
Nét duyên sân khấu cùng khả năng ứng biến giúp Trấn Thành trở thành gương mặt ưng ý của các đạo diễn điện ảnh. Anh góp mặt trong Quý tử bất đắc dĩ - phim ăn khách nhất mùa Tết năm 2015, diễn cùng Hoài Linh. Một năm sau, anh được mời vào vai chính trong tác phẩm Bệnh viện ma (đóng cặp Hari Won). Giai đoạn này, Trấn Thành còn phủ sóng khắp màn ảnh nhỏ với loạt game show.
Tên tuổi Trấn Thành chỉ thực sự gây chú ý với làng điện ảnh khi đóng chính trong Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung) - phim Tết 2019. Vào vai Trọng Thoại - chàng trai thất bại trong sự nghiệp, anh góp phần giúp phim khi đó trở thành dự án Việt ăn khách nhất (hơn 191 tỷ đồng) phòng vé Việt mọi thời.
Sau hơn 10 năm va chạm trong nghề, Trấn Thành chuyển hướng tự sản xuất phim. Với cuộc chơi đầu tiên - web-drama Bố già năm 2020, anh bỏ tiền túi đầu tư bốn tỷ đồng. Series nhanh chóng tạo hiệu ứng, liên tục đứng top trending (thịnh hành) của YouTube, mỗi tập đạt hàng chục triệu lượt xem.
Không ngừng ở đó, nghệ sĩ thực hiện phiên bản điện ảnh, nội dung tách biệt với web-drama. Lần đầu làm phim chiếu rạp, anh mời Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn để hỗ trợ. Ra rạp sau giai đoạn giãn cách tháng 3/2021, tác phẩm trở thành bom tấn phòng vé, doanh thu 400 tỷ đồng trong một tháng.
Trấn Thành được đánh giá thành công nhờ khai thác trúng đề tài tâm lý - gia đình. Ở cả hai phim điện ảnh, anh đều xoáy sâu câu chuyện mâu thuẫn thế hệ. Nhiều nhà sản xuất cho rằng phim Trấn Thành có phần lời thoại giàu tính khơi gợi vấn đề. Đạo diễn Charlie Nguyễn nói khi xem Bố già, anh tâm đắc lời dẫn chuyện của nhân vật chính - "Lần cuối mọi người chụp hình với ba của mình là lúc nào?". Đạo diễn Lý Minh Thắng thích cách Trấn Thành nắm bắt tâm lý số đông - cụ thể là tầng lớp lao động, chật vật vì mưu sinh ở đô thị.
Dù thành công phòng vé, phim Trấn Thành tồn tại nhiều hạn chế. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng Nhà bà Nữ thiếu các khung hình toàn cảnh, chủ yếu tập trung vào các shot cận, do đó phim dễ tạo cảm giác "chật", ngột ngạt. "Tác phẩm thiếu những khoảng lặng sau các biến cố để khán giả tự suy ngẫm, nên người xem dễ thấy phim bị ồn ào", đạo diễn nói.
Khi Nhà bà Nữ công chiếu, một bộ phận người xem chê phim quá nặng nề vì các nhân vật liên tục chỉ trích nhau. Anh giải thích những chi tiết đó được anh lấy cảm hứng từ thực tế, là một phần tuổi thơ anh khi phải sống thiếu thốn từ nhỏ. "Tôi chỉ tái hiện đúng cuộc sống, ngoài kia còn nhiều câu chuyện mà không một máy quay nào ghi lại", Trấn Thành nói.
Đồng nghiệp nhận xét, trên phim trường, Trấn Thành nghiêm khắc đến cực đoan. Diễn viên Lê Giang nói đạo diễn yêu cầu chị bỏ lối diễn tung hứng, buộc chị phải chính xác từng từ của câu thoại. Trấn Thành lý giải không muốn phim mắc các lỗi cơ bản, bị khán giả chê dễ dãi. Anh cho rằng giới làm phim thường thông cảm và bỏ qua những thiếu sót của nhau, dẫn đến việc khi ra rạp, người xem hoài nghi về chất lượng, từ đó các rạp phải kêu gọi cứu phim Việt. "Nếu phim hay, tôi nghĩ không cần giải cứu", anh nói.
Ý kiến ()