Vài tháng gần đây, thiết bị định vị với mức giá từ 70.000 đến 150.000 được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử hoặc Facebook. Chúng đều từ thương hiệu khá lạ như MMLuck, Momax, Smatrul, Sualio. Chúng kết nối với iPhone, tương thích Apple Find My và không chống nước. Các mẫu tương thích Android và có gắn sim để hoạt động độc lập thường có giá cao hơn.
Trong khi đó, Apple hiện bán phụ kiện định vị AirTag với giá 800.000 đồng mỗi chiếc hoặc 2,7 triệu đồng cho pack bốn chiếc tại Việt Nam. Ở thị trường đồ cũ, AirTag được bán từ 350.000 đồng.
"Giá bằng gần một phần mười hàng chính hãng, trong khi công năng giống nhau khiến thiết bị định vị loại này dễ tiếp cận, nhất là những ai cần theo dõi đồ vật mà không muốn chi nhiều tiền để mua đồ Apple", Hoàng Hải, người chuyên bán thiết bị định vị giá rẻ ở Bắc Ninh, cho biết. "Mỗi ngày, tôi bán được 20-30 chiếc, cao điểm 50 chiếc, chủ yếu qua sàn thương mại điện tử và Facebook. Thiết bị này được nhập từ Trung Quốc dạng sỉ qua nguồn hàng riêng, hoặc trang Taobao hay 1688".
Thử nghiệm thực tế thiết bị có tên Sualio Tag mua trên Facebook với giá 80.000 đồng, sản phẩm được đóng gói đơn giản, vỏ nhựa, phía trên có một nút bấm, khi nhấn phát tiếng chuông. Khi đặt iPhone ở gần, tính năng Apple Find My lập tức xuất hiện và sẵn sàng kết nối. Khi kết nối thành công, nó có thể hiển thị vị trí thông qua bản đồ Apple.
Bên trong, thiết bị có cấu tạo gồm chip, một loa và pin CR2032 - loại dùng cho AirTag. Theo anh Quang Định, kỹ thuật viên sửa chữa đồ điện tử tại TP HCM, bảng mạch và kết cấu bên trong có độ hoàn thiện thấp.
"Phân tích sơ bộ cho thấy thiết bị lấy lại chip định vị của AirTag hoặc các thiết bị tương tự đã được Apple cho phép tương thích với Find My, sau đó tạo bảng mạch mới với chất lượng thấp. Đây có thể là lý do chúng có giá rất rẻ", anh Định đánh giá.
Dựa trên quan sát và kinh nghiệm, anh dự đoán thiết bị này nhiều khả năng được tái chế bằng vật liệu kém chất lượng, sử dụng linh kiện từ rác thải điện tử, sau đó bóc tách, làm mới. Một số tìm cách can thiệp bằng phần mềm để thiết bị tương thích với sản phẩm Apple. Điều dễ thấy là thiết bị này hoạt động chập chờn sau thời gian ngắn, nhanh hết pin, dễ hỏng. Do không có khả năng chống hoặc kháng nước, chúng cũng dễ bị hư hại nếu dính mưa hoặc rơi xuống nước.
Thực tế, sau hơn một tuần sử dụng, anh Tiến nhận ra thiết bị định vị hoạt động không ổn định như với chiếc AirTag đang dùng, như hiển thị sai vị trí trong một số trường hợp.
Một mối nguy khác đối với thiết bị trôi nổi này là quyền riêng tư. Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, do giá rất rẻ và dễ tiếp cận, thiết bị định vị này có thể dùng cho các mục đích bất chính như theo dõi người khác.
"Chúng có thể âm thầm được đặt vào túi xách, xe máy, xe hơi và phương tiện khác để theo dõi hành trình của mục tiêu", ông nói. "Do chỉ vài chục nghìn đồng, lại rất dễ mua và tâm lý 'bị mất cũng không tiếc' vì không có giá trị như AirTag, kẻ xấu không ngại dùng các thiết bị định vị dạng này".
Ngoài ra, theo ông Thắng, một nguy cơ khác, dù khả năng xảy ra rất thấp, là thiết bị giá rẻ cài cắm mã độc bên trong trước khi xuất xưởng. Khi kết nối smartphone và thiết bị Internet, nó sẽ tự xâm nhập hoặc được kích hoạt từ xa. Từ đó, kẻ gian có thể đánh cắp dữ liệu, lây nhiễm mã độc tống tiền.
Ông khuyến cáo, người dùng không nên sử dụng các thiết bị định vị trôi nổi dạng này. Thay vào đó, họ có thể mua AirTag hoặc các sản phẩm từ thương hiệu uy tín để đảm bảo an toàn.
AirTags được Apple giới thiệu năm 2021. Một mặt, nó được đánh giá tích cực khi giúp người dùng tìm lại các món đồ bị bỏ quên, nhưng cũng gây tranh cãi khi bị sử dụng vào các mục đích như theo dõi người khác, trộm cắp.
Ý kiến ()