Chị Thùy Trang (29 tuổi, Biên Hòa Đồng Nai) cho biết sau một tiếng dò tìm trên các trang mạng, chị chọn mua bộ kit xét nghiệm nước bọt được giới thiệu xuất xứ từ Đức giá 600.000 đồng/hộp gồm 5 cái.
"Tôi rất sợ hãi khi lấy dịch qua mũi, mỗi lần ra phường lấy mẫu sàng lọc rất căng thẳng. Vừa rồi không may gia đình có F0, tôi chưa có triệu chứng nhưng phải xét nghiệm theo dõi liên tục, nên tìm mua kit test nước bọt", chị Trang cho biết lý do. Người bán hướng dẫn chị Trang cách dùng "chỉ cần dậy vào sáng sớm, không súc miệng, chưa ăn uống thì kết quả sẽ chính xác hơn".
Chị Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi, TP Thủ Đức) cũng vừa mua một bộ 5 kit xét nghiệm qua nước bọt để sử dụng trong gia đình. Giữa các loại kit xét nghiệm nước bọt với nhiều mẫu mã, chị Hiền mua của một người ở cùng chung cư bán với giá 95.000 đồng/kit, chị mua 5 kit được tính giá 90.000/kit. Chị cho biết lý do mua kit nước bọt là gia đình có trẻ em, người già đồng thời bản thân chị cũng sợ hãi khi lấy dịch mũi, "đau chảy nước mắt".
Theo chị Hiền, mua kit xét nghiệm nước bọt rất dễ dàng, chỉ cần nhắn tin qua mạng để đặt hàng, khoảng 15 phút sau người bán giao hàng, trả tiền, cách sử dụng thì có video hướng dẫn.
"Những người bán đều khẳng định kit của họ là hàng chất lượng, nhập khẩu chính hãng. Giá mỗi nơi một kiểu, song họ không thể cung cấp giấy phép hay giấy tờ chứng minh xuất xứ từ Đức, Mỹ như họ nói. Tôi chọn mua bộ kit của một công ty Trung Quốc đã được Bộ Y tế cấp phép cuối tháng 10", chị Hiền nói. Sau khi sử dụng chị Hiền giới thiệu hàng xóm mua loại kit này.
Trên các trang bán hàng trực tuyến, kit xét nghiệm nước bọt được bán với nhiều giá từ 60.000 đến vài trăm nghìn đồng. Ví dụ, một loại kit xét nghiệm xuất xứ từ Trung Quốc được rao bán lẻ 60.000-105.000 đồng/kit, mua nguyên hộp gồm 20 kit giá 62.000-75.000 đồng/kit, rẻ hơn so với giá kit test dịch tỵ hầu.
Bộ kit xét nghiệm nước bọt của một hãng khác được người bán giới thiệu là nhập khẩu Đức, mỗi hộp có 5 kit, được rao bán từ 450.000 đồng đến 600.000 đồng. Một loại cũng được quảng cáo từ Đức, giá 140.000-150.000 đồng/kit. Một loại được người bán giới thiệu xuất xứ từ Mỹ, giá 600.000 đồng đến 650.000 đồng/hộp gồm 5 cái. Người bán không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và giấy phép các sinh phẩm này, nhưng quảng cáo sản phẩm "độ chính xác trên 98%, không có phản ứng chéo, không đau, không khó chịu".
Trả lời VnExpress, một phụ nữ bán kit cho biết: "Với nhóm người sợ lấy dịch mũi thì kit nước bọt rất phù hợp. Không ít người nghĩ rằng kit xét nghiệm nước bọt dễ lấy mẫu, thực tế không tuân thủ đúng hướng dẫn dễ dẫn đến kết quả sai lệch, nên tôi hướng dẫn rất kỹ cho khách". Người này, cũng như nhiều người bán kit khác, cho biết "sản phẩm bán rất chạy" song không tiết lộ doanh số.
Trong khi đó các cơ quan quản lý y tế khá thận trọng khi phê duyệt các kit xét nghiệm nước bọt so với kit test dịch tỵ hầu. Năm 2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hướng dẫn sử dụng và cấp phép khẩn cấp cho kit xét nghiệm sử dụng nước bọt (nói chung) để chẩn đoán Covid-19 tại các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên đến tháng 6/2021, FDA mới phê duyệt khẩn cấp đối với kit xét nghiệm nước bọt của hãng Diabetomics, sử dụng tại các điểm chăm sóc sức khỏe cho người lớn và trẻ em tại Mỹ.
Cuối năm 2020, Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore lần đầu tiên phê duyệt kit xét nghiệm nCoV bằng mẫu nước bọt, tên là Resolute 2.0 của hãng Advanced MedTech Holdings. Phương pháp này được cho là ít xâm lấn do người xét nghiệm chỉ cần thải nước bọt vào một lọ lấy mẫu.
Nhật Bản sử dụng kit xét nghiệm nước bọt của hãng Shinogi từ tháng 8/2020. Hiện sinh phẩm được nước này sử dụng kiểm tra nhanh đối với khách nhập cảnh từ cảng biển và hàng không do thời gian tiến hành chỉ mất khoảng 25-30 phút/mẫu và có thể làm nhiều mẫu cùng lúc. Kết quả dương tính nCoV sẽ được kiểm tra thêm bằng xét nghiệm sinh học phân tử PCR sau đó.
Tương tự, tại Việt Nam tính đến tháng 8/2021 Bộ Y tế đã phê duyệt 16 loại test nhanh kháng nguyên nCoV sử dụng dịch mũi, tỵ hầu; đến tháng 10 mới chỉ cấp phép một loại kit xét nghiệm nước bọt là Antigen Rapid W-AgS04-B20 do công ty Wuhan (Trung Quốc) sản xuất. Thế nhưng, hiện hầu hết bệnh viện, trung tâm y tế, các điểm lấy mẫu xét nghiệm trên toàn quốc vẫn sử dụng kit test dịch tỵ hầu. Các bác sĩ cho rằng độ chính xác kết quả test phụ thuộc rất lớn vào hành vi của người được lấy mẫu, nên các cơ sở y tế không sử dụng loại kit nước bọt.
Ông Đặng Văn Thanh (Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn) giải thích lý do bệnh viện chưa triển khai xét nghiệm nhanh bằng nước bọt: "Yêu cầu là người được lấy mẫu nước bọt không được uống hoặc ăn ít nhất một giờ trước khi lấy mẫu làm xét nghiệm. Do đó chỉ cần sơ ý, uống nước hoặc ăn trước khi lấy mẫu bọt sẽ dễ dẫn đến sai lệch kết quả xét nghiệm".
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP HCM), kit xét nghiệm nước bọt có thể phát hiện kháng nguyên Covid-19 qua mẫu nước bọt lấy từ sau cổ họng. Cơ chế xét nghiệm tương tự loại kit test dịch lấy ở tỵ hầu (qua mũi, hầu họng) đang được sử dụng hiện nay.
Trước khi lấy mẫu nước bọt xét nghiệm, người được lấy mẫu cần không uống hoặc ăn ít nhất một giờ, thả lỏng vùng má và xoa nhẹ nhàng trong 15-30 giây với ngón tay. Sau đó, mẫu nước bọt thu thập được hòa cùng dung dịch do nhà sản xuất cung cấp sẵn và cho vào khay thử, cho kết quả sau 15 phút - cách thức này tương tự loại kit test dịch tỵ hầu. Như vậy, điểm khác nhau giữa kit xét nghiệm nước bọt và kit xét nghiệm dịch tỵ hầu là vị trí lấy mẫu và dịch tiết; ngoài ra lấy nước bọt không cho cảm giác khó chịu như khi lấy dịch trong mũi.
Bác sĩ Khanh cũng nhìn nhận thực tế nhiều người sợ hãi việc "ngoáy mũi", nhất là với trẻ em, nên tìm mua kit xét nghiệm bằng nước bọt. "Theo nghiên cứu, tuyến nước bọt nằm dưới lưỡi, từ phía sau cổ họng, chứa tải lượng virus cao, nên xét nghiệm Covid-19 bằng kit nước bọt vẫn cho hiệu quả tương tự dịch lấy từ tỵ hầu. Tuy nhiên cần lựa chọn các kit xét nghiệm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ đúng các hướng dẫn khi sử dụng", bác sĩ Khanh nói.
Trả lời VnExpress ngày 15/12, ông Nguyễn Tử Hiếu (Phó Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) nói: "Qua quá trình kiểm định chất lượng, hiện Bộ Y tế mới chỉ phê duyệt một loại kit xét nghiệm nước bọt đưa vào lưu hành trên thị trường". Ông khuyến cáo người dân "nên lựa chọn các kit xét nghiệm có trong danh mục phê duyệt Bộ Y tế để đảm bảo chất lượng"
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy), mỗi phương pháp xét nghiệm có mục tiêu ý nghĩa khác nhau. Xét nghiệm PCR mang tính khẳng định, chẩn đoán và chính xác 100%, còn các loại kit xét nghiệm nhanh có độ chính xác thấp hơn, mang tính chất sàng lọc Covid. Theo đánh giá của bác sĩ Hùng với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở chuyên khoa bệnh truyền nhiễm, kết quả xét nghiệm dịch tỵ hầu có độ chính xác 85%, còn xét nghiệm qua dịch nước bọt độ chính xác khoảng 65-70%.
Còn Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho rằng: "Kit xét nghiệm sử dụng mẫu nước bọt hay dịch mũi, tỵ hầu thì kết quả gần như nhau. Quan trọng là nên chọn kít xét nghiệm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng đã được Bộ Y tế phê duyệt".
Người nhạy cảm khi bị lấy dịch mũi, bị dị ứng dễ chảy máu cam, trẻ em gặp khó khăn khi lấy dịch ở mũi... thì có thể sử dụng kit xét nghiệm nước bọt cho mục đích sàng lọc trước khi đến cơ quan y tế. "Tuy nhiên, dù xét nghiệm bằng phương pháp nào cũng cần tìm hiểu kỹ về độ nhạy, độ chính xác của kit theo giấy phép của cơ quan quản lý y tế kiểm định để giảm tỷ lệ âm tính, dương tính giả", bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam, trong họp báo giữa tháng 7, cũng từng khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng mà không có tên trong danh mục được cấp phép. Theo đó, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Xét nghiệm luôn là một trong các trụ cột trong chiến lược chống dịch, thích ứng Covid-19, mở cửa biên giới ở nhiều nước. Tại Việt Nam, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao và nhanh, Bộ Y tế cho phép F0 điều trị tại nhà, khuyến khích người dân tự lấy mẫu test nhanh tại nhà, thậm chí một số địa phương như TP HCM, Hà Nội được sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0 và nhanh chóng có biện pháp phòng dịch phù hợp, ngăn lây nhiễm cộng đồng.
Ý kiến ()