Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:37 (GMT +7)
Trái tim nhân tạo đầu tiên vừa được ghép cho bệnh nhân tại Mỹ, có cả bộ điều khiển và pin sạc
Thứ 6, 23/07/2021 | 15:05:21 [GMT +7] A A
Nó được gọi là Aeson, trái tim nhân tạo tiên tiến nhất thế giới.
Vậy là trái tim nhân tạo đầu tiên đã đập ổn định trong người một bệnh nhân người Mỹ, các bác sĩ tại Đại học Y khoa Duke vui mừng cho biết sau ca phẫu thuật thành công của họ. Bệnh nhân may mắn này là Matthew Moore, 39 tuổi đến từ thành phố Shallotte tiểu bang Bắc Carolina.
Moore được chẩn đoán mắc suy tim mạn tính, căn bệnh nặng nhất trong số các tình trạng tim mạch khiến trái tim không còn đủ khả năng bơm máu để phục vụ chức năng sống của cơ thể. Nếu không được ghép tim, anh ấy sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong.
Nhưng các bác sĩ tại Đại học Y khoa Duke cho biết Moore thậm chí đã quá yếu để có thể ghép trái tim mới từ người hiến tặng. Anh ấy vừa trải qua một cơn trụy tim và các bác sĩ phải sốc điện lồng ngực Moore tới 16 lần để cứu anh sống lại. Trước đây, nó sẽ là bản án tử đối với anh ấy.
May mắn là đúng vào thời điểm đó, Đại học Duke lại tham gia vào một chương trình hợp tác thử nghiệm với công ty CARMAT của Pháp. CARMAT là hãng thiết bị y tế chuyên phát triển những trái tim nhân tạo tân tiến, và họ đã mang tới Đại học Y khoa Duke 10 sản phẩm mới nhất của mình để "chào hàng" nước Mỹ.
Aeson: Trái tim nhân tạo tiên tiến nhất thế giới
Được gọi là 'Aeson', những trái tim nhân tạo này có 2 buồng tâm thất và 4 van sinh học giống với trái tim thật. Nó được làm từ vật liệu tương thích sinh học với con người, sử dụng kết hợp các cảm biến và thuật toán hiện đại để duy trì nhịp đập và giữ cho máu lưu thông khắp cơ thể người bệnh.
Trái tim 'Aeson' có thể tự đập bằng nguồn pin gắn ngoài cơ thể. Nhờ vậy, cấy ghép nó đối với Matthew Moore là một lựa chọn hợp lý hơn cả một trái tim thật, trong lúc cơ thể anh quá yếu để có thể nuôi một trái tim từ người khác, và phải uống thuốc thải ghép tạng để tránh cho nó bị hệ miễn dịch đào thải.
Vậy là các bác sĩ tại Đại học Y khoa Duke đã lên lịch phẫu thuật cho Moore vào ngày 12/7. Ca phẫu thuật diễn ra trong 8 tiếng đồng hồ và vô cùng phức tạp. Các bác sĩ đã phải cắt hai tâm thất (khoang đẩy máu ra ngoài) trên trái tim Moore và thay nó bằng 'Aeson'.
Đối với các ca phẫu thuật ghép tim khác, họ chỉ đơn giản là loại bỏ quả tim cũ và thay nó bằng một quả tim khác. Nhưng lần này, các bác sĩ phải cẩn thận cắt đôi quả tim của Moore và để một nửa của nó ở lại. May mắn thay, ca phẫu thật đã thành công.
Mười ngày trôi qua, trái tim nhân tạo vẫn đập ổn định trong lồng ngực của Moore. "Chúng tôi rất vui khi bệnh nhân đang tiến triển tốt sau cuộc phẫu thuật", Carmelo Milano, bác sĩ tim mạch tại Đại học Y khoa Duke cho biết.
Với 10 trái tim nhân tạo 'Aeson' đang được CARMAT "chào hàng" ở Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nước này đã cấp phép thử nghiệm sử dụng chúng cho các bệnh nhân suy tim nặng, trong đó cả hai tâm thất của họ đã mất chức năng bơm máu.
Trước đó, 'Aeson' đã được cấy ghép cho một số bệnh nhân ở Châu Âu, nhưng không phải ca phẫu thuật nào cũng diễn ra thành công. Trái tim nhân tạo này được CARMAT thiết kế với mục đích thay thế tạm thời trái tim tự nhiên trong cơ thể, mua thêm thời gian cho các bệnh nhân suy tim giúp họ chờ tới ngày nhận được một quả tim mới phù hợp từ người hiến tặng.
Điều đó có nghĩa là 'Aeson' sẽ không tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể. Một ngày nào đó, nó sẽ phải được thay thế bằng một quả tim mới, trung bình là 6 tháng hoặc có thể lâu hơn. Nhưng đối với Matthew Moore và những bệnh nhân suy tim không còn thời gian chờ đợi, 'Aeson' là tấm vé cuối cùng mà họ có thể có được.
Trái tim sẽ giúp các bệnh nhân chờ tạng ghép mua thêm thời gian sống
Chỉ tính riêng ở Mỹ, hàng ngàn người đang tuyệt vọng xếp hàng trong các danh sách chờ tạng ghép. Và cứ mỗi ngày trôi qua, sẽ có trung bình 17 người chết vì không thể chờ thêm được nữa. Đó là lý do tại sao việc phát triển các cơ quan nhân tạo là một lĩnh vực nghiên cứu vô cùng quan trọng.
"Vì tình trạng thiếu hụt tim từ người hiến tặng, nhiều bệnh nhân của chúng tôi đã chết trong chính quá trình chờ ghép tim", Jacob Schroder, bác sĩ tim mạch tại Đại học Y khoa Duke cho biết.
"Chúng tôi đặt hy vọng vào những lựa chọn mới để giúp những bệnh nhân của mình, làm sao để có nhiều bệnh nhân hơn nữa có được cơ hội như anh Moore, những người đang mắc phải căn bệnh quái ác và chưa thể ghép một quả tim thật mới".
Trở lại với, Matthew Moore, hiện anh vẫn sẽ phải canh chừng trái tim nhân tạo đang đập trong lồng ngực của mình. Các bác sĩ đã trao cho anh một bộ điều khiển và một gói pin sạc để giữ cho 'Aeson' hoạt động.
"Tôi và Matthew rất biết ơn vì chúng tôi đã được trao cơ hội tham gia vào một cuộc phẫu thuật thử nghiệm nhưng có tiềm năng cứu mạng rất nhiều bệnh nhân khác", vợ của Matthew, Rachel Moore cũng là một y tá cho biết.
"Chúng tôi đang sống với lòng biết ơn ấy mỗi ngày, và hy vọng mọi thứ sẽ tiếp tục tiến triển tốt".
Matthew Moore và con trai anh (nhận nuôi), hiện vẫn phải theo dõi trái tim của mình với một thiết bị điều khiển gắn ngoài cơ thể cùng với pin sạc.
FDA cho biết họ đang tiến hành đánh giá thử nghiệm mới này. Dự kiến trái tim 'Aeson' sẽ được giữ trong lồng ngực Matthew Moore tối đa 6 tháng. Nếu thí nghiệm tiến triển tốt, nó sẽ được cấy ghép cho 9 bệnh nhân nữa trước khi chính thức được phê duyệt tại Mỹ.
"Bởi FDA đang đánh giá thiết bị này, chúng tôi rất hồi hộp hy vọng những bệnh nhân không có hoặc không còn lựa chọn điều trị nào khác sẽ có được một chiếc phao cứu sinh trong trường hợp bất khả kháng", bác sĩ Milano cho biết.
Và mọi chuyện không chỉ dừng lại ở trái tim. Tại Đại học Y khoa Duke, những nhóm nghiên cứu khác cũng đang làm việc trên những bộ phận nhân tạo có khả năng thay thế cho nhiều cơ quan khác của con người khi chúng mất khả năng làm việc.
Nếu những công nghệ này có thể được phát triển thành công, lợi ích tiềm năng của chúng thực sự là rất lớn.
Theo tincongnghe.net
Liên kết website
Ý kiến ()