Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:31 (GMT +7)
Trái Đất sẽ ra sao nếu thiếu những cơn bão?
Thứ 4, 19/07/2023 | 11:21:54 [GMT +7] A A
Cơn bão là thứ không ai mong muốn. Thế nhưng nếu thiếu đi chúng, Trái Đất sẽ ra sao?
Trong bản tin bão khẩn cấp phát đi tối 17/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 19h, tâm bão Talim (bão số 1) cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 330 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất duy trì cấp 12, giật cấp 15 trong suốt những giờ qua.
Một cơn bão sẽ là điều ít người mong muốn, bởi nó mang đến kiểu thời tiết giông bão, dẫn tới di chuyển khó khăn, ngập lụt...
Tuy nhiên nếu thiếu đi những cơn bão, Trái Đất sẽ ra sao? Các nhà khoa học đang nói về anticyclone ("phi bão") - một khái niệm đối lập với bão, lốc xoáy.
Trái ngược với việc những cơn bão sẽ mang tới giông tố, "phi bão" gắn liền với thời tiết nắng ấm, và gió di chuyển chậm. Tuy nhiên, kiểu thời tiết này dễ dàng để trở thành một "bẫy nhiệt", và bạn sẽ không muốn mình là nạn nhân của nó.
Những gì diễn ra của "phi bão" là khi áp suất cao đẩy không khí xuống dưới, khiến chúng nóng lên một cách nhanh chóng. Tiếp đó, những cơn gió chậm giữ cho không khí nóng không thoát được khỏi "chảo lửa", dẫn đến sự hình thành của một đợt nắng nóng.
Đây chính xác là những gì đang diễn ra tại một bộ phận ở châu Âu trong đợt hè 2023.
Theo các nhà dự đoán, sự kết hợp của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi El Nino, có thể sẽ gây ra một vài tuần khắc nghiệt trên khắp phần Nam của lục địa. Nhiều thành phố, điển hình là Roma, có thể phá vỡ kỷ lục 40,7⁰C được thiết lập vào tháng 6/2022 trong ít ngày tới.
Cùng với đó, các nhà khí tượng học cũng lo ngại rằng kỷ lục nhiệt đối với toàn bộ lục địa châu Âu sắp bị phá vỡ. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, con số được ghi nhận trước đó là 48⁰C xảy ra tại Athens vào ngày 10/7/1977.
Trên thực tế, dữ liệu từ vệ tinh Copernicus Sentinel-3 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đầu tuần này đã cho thấy nhiệt độ trên mặt đất tại châu Âu vượt quá 45⁰C, bao gồm Roma, Naples, Taranto hay Foggia. Cá biệt là vùng núi Etna ở Sicily có nhiệt độ tại sườn núi cao hơn 50⁰C.
Đợt nắng nóng này không chỉ nóng hơn, mà còn kéo dài hơn trước, với mức trung bình là khoảng 2 tuần. Ngoài ra, các mô hình cho thấy biến đổi khí hậu đang làm cho những hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên phổ biến hơn.
Theo dự báo, những đợt nắng nóng cực độ "10 năm một lần", thì giờ đây có khả năng chỉ mất từ 2 - 3 năm để có thể diễn ra.
Theo Iflscience, tháng 6/2023 là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận trên Trái Đất. Cùng với đó, tuần đầu tiên của tháng 7 cũng là bảy ngày nóng nhất liên tục mà hành tinh của chúng ta phải trải qua trong 100.000 năm.
Bởi vậy, dưới góc nhìn khoa học, việc xuất hiện một cơn bão đôi khi lại là điều đáng mừng, trong bối cảnh những cơn sóng nhiệt cực đoan đang thiêu đốt toàn cầu.
Theo thống kê vào năm 2022, những đợt nắng nóng cực đoan xảy ra ước tính đã gây ra cái chết cho khoảng 60.000 người. Không chỉ vậy, sóng nhiệt xảy ra còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()