Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:08 (GMT +7)
Trái đất càng ngày càng quay nhanh hơn một cách bí ẩn, khoa học chưa thể lý giải
Thứ 7, 13/08/2022 | 07:47:38 [GMT +7] A A
Việc Trái Đất càng ngày càng quay nhanh hơn đã được ghi nhận khi các nhà khoa học đo được ngày ngắn nhất lịch sử kể từ khi áp dụng đồng hồ nguyên tử vào năm 1960, đó là ngày 29/6 năm nay.
Một ngày có 24 giờ, hoặc 86.400 giây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vòng quay của trái đất đã tăng tốc, theo đó thời gian trung bình của một số ngày cụ thể đã bị rút ngắn.
Vào năm 2020, Trái Đất từng có 28 ngày ngắn nhất từng được ghi nhận. Trong năm 2021 và 2022, Trái Đất tiếp tục quay nhanh. Và ngay khi các nhà khoa học đang xác minh lại thời gian quay ngắn kỷ lục trong ngày 29/6, Trái Đất lại tiếp tục thể hiện tốc độ đáng kinh ngạc.
Theo dữ liệu được đo đạc vào ngày 29/6, Trái đất đã hoàn thành một vòng quay trong thời gian ít hơn 1,59 mili giây (msec) so với vòng quay 24 giờ tiêu chuẩn của nó. Đây là tốc độ kỷ lục mới nhất được ghi nhận. Trước đó vào ngày 19/7/2020, kỷ lục được thiết lập ở 1,47 mili giây.
Mới đây, vào ngày 26/7, kỷ lục suýt bị phá vỡ khi Trái Đất hoàn thành một vòng nhanh hơn 1,50 mili giây.
Giới khoa học đưa ra một số yếu tố có thể tác động vòng quay của trái đất, bao gồm động đất, gió mạnh hơn vào những năm xảy ra hiện tượng El Nino, băng trên các đỉnh núi tan, mặt trăng và biến đổi khí hậu.
Theo nhà khoa học Leonid Zotov của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow Lomonosov (Nga) đặt giả thuyết rằng dao động Chandler (Chandler wobble - một thuật ngữ dùng để miêu tả sự chuyển dịch và không đều của các lục địa trên Trái đất) có thể ảnh hưởng đến tốc độ quay. Sự dao động này đã biến mất một cách bí ẩn từ năm 2017 đến năm 2020. Rất có thể điều này đã giúp Trái Đất kết thúc ngày nhanh hơn một chút.
Một ý kiến khác cho rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến tốc độ quay của hành tinh chúng ta. Khi các sông băng tan chảy vào đại dương, hình dạng của Trái Đất sẽ thay đổi một chút, trở nên phẳng hơn ở các cực và phình ra ở xích đạo. Nhưng hiệu ứng này không thể giải thích tại sao Trái Đất đột nhiên quay nhanh hơn, bởi các sông băng tan chảy sẽ có tác dụng ngược lại: Mômen quán tính của hành tinh sẽ tăng lên, khiến chúng ta quay chậm lại.
Nguyên nhân của sự việc hiện vẫn là một bí ẩn, chưa có lời giải chính xác đối với các nhà khoa học.
Dù chưa thể tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng quay nhanh gần đây, nhưng nhìn chung Trái Đất đã quay chậm hơn trong thời gian dài. Những nghiên cứu trước đây ước tính trong 6,7 triệu năm tới, ngày sẽ kéo dài thêm một phút. Thay đổi này rất nhỏ và con người không thể cảm nhận, nhưng nếu tích tụ theo thời gian, sự chênh lệch có thể ảnh hưởng đến các hệ thống định vị, liên lạc vệ tinh.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()