Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:48 (GMT +7)
Trách nhiệm, nghĩa tình với nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Thứ 7, 16/01/2021 | 08:09:26 [GMT +7] A A
Bám sát nội dung Chỉ thị số 43-CT/TW (ngày 14/5/2015) của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ngày càng phát huy rõ hiệu quả nhờ có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng.
Bộ CHQS tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng thẻ BHYT cho thân nhân trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam tại TP Hạ Long, tháng 9/2020. |
Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Trong đó, xác định đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên và tổ chức trong hệ thống chính trị.
Nhất là tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân để hiểu rõ về thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó sẽ triển khai có hiệu quả các phong trào về chăm lo, giúp đỡ cũng như đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Cùng với đó là nhiệm vụ về củng cố, kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cẩm Phả tặng nhu yếu phẩm cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin gặp khó khăn do dịch Covid-19, tháng 4/2020. Ảnh: Thùy Dung (Trung tâm TT-VH Cẩm Phả). |
Theo ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ninh, từ Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để cụ thể hóa thành kế hoạch hành động của toàn tỉnh. Mục tiêu cao nhất là tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách chăm lo, giúp đỡ kịp thời, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng đời sống cho nạn nhân chất độc da cam.
Nhờ đó, 5 năm qua, công tác tuyên truyền về thảm họa da cam đã được toàn tỉnh đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng. Từng trường hợp là nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoặc là con đẻ của họ lại được tiếp nhận hình thức hỗ trợ phù hợp từ các nguồn ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa, như: Xây, sửa nhà ở, trao tặng BHYT, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm...
Hội viên Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tiên Yên chăm sóc, tư vấn sức khỏe miễn phí tại Trung tâm y tế huyện, tháng 7/2020. |
Thực tế hoạt động cho thấy, muốn thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định phải làm tốt ngay từ khâu quản lý đủ số lượng, nắm rõ tình hình từng trường hợp nạn nhân chất độc da cam và thân nhân của họ. Do đó những năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin toàn tỉnh luôn chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả rõ rệt trong hoạt động.
Đến nay, tỉnh đã phát triển được 11/13 hội cấp huyện đủ điều kiện, là đầu mối chính trong nhiệm vụ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh tại địa phương. Nhờ đó, Quảng Ninh cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc hóa học giai đoạn 2016-2020.
Cán bộ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Cẩm Phả rà soát hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình hội viên. |
Từ 2015 đến nay, cấp tỉnh và các địa phương huy động xã hội hóa được gần 34,3 tỷ đồng cho các hoạt động thiết thực: Thăm hỏi tặng quà, trợ cấp các gia đình hội viên khó khăn; hỗ trợ thẻ BHYT cho các trường hợp bị bệnh, tật nặng; xây dựng trung tâm giải độc phục hồi sức khỏe; trợ cấp học bổng, hỗ trợ nuôi dưỡng hàng tháng...
Chỉ trong năm 2020, đã có 518 gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở bằng nguồn kinh phí ngân sách địa phương. Hay như việc khảo sát, lập danh sách đầy đủ các trường hợp mắc bệnh, dị dạng, dị tật nặng, các thân nhân trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân bị bệnh, tật nặng; các gia đình ở vùng khó khăn, còn thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020...
Công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng, không để xảy ra tiêu cực.
Kết quả trên cho thấy, Quảng Ninh đã và đang quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 43-CT/TW, để việc hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trở thành nền nếp, là trách nhiệm, nghĩa tình của cả cộng đồng.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin. Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971) đã gây ra hậu quả nghiêm trọng: Hủy hoại nặng nề môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam; gây tác hại đến sức khỏe con người cho đến tận hôm nay. Do đó, ngày 10/8 hàng năm được chọn là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, trở thành dịp các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Năm 2021 sẽ là dịp kỷ niệm tròn 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021). Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam đã tổ chức phát động Giải báo chí với chủ đề “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ I, nhận các tác phẩm dự thi đến hết 30/3/2021 theo dấu bưu điện. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố và trao thưởng vào buổi lễ kỷ niệm cấp quốc gia. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()