Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:22 (GMT +7)
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Thứ 2, 10/06/2024 | 13:08:37 [GMT +7] A A
Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; Đảng bộ tỉnh luôn triển khai các quy định về trách nhiệm nêu gương cũng như chú trọng chăm lo giáo dục, rèn luyện, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Qua đó góp phần từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ “5 thật, 6 dám”; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng.
Thực hiện các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức quán triệt, triển khai trong toàn hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) với Quy định số 37-QĐ/TW (ngày 25/10/2021) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về những điều đảng viên không được làm" và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; Quy định số 04-QĐ/TU (ngày 7/6/2017) của Tỉnh ủy về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 06-QĐ/TU (ngày 4/8/2017) của Tỉnh ủy về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trách nhiệm nêu gương. Hằng năm các cấp ủy ban hành kế hoạch hành động học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nội dung chuyên đề cụ thể, gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đổi mới lề lối, phong cách làm việc, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của CBCCVC còn được cụ thể hóa qua xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu gắn với thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện các chỉ thị, quyết định, quy định của Trung ương và của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Trong đó, các cán bộ, đảng viên phải đăng ký rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể của tập thể, cá nhân gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện. Việc kiểm điểm cuối năm được gắn với đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cam kết đã đăng ký đầu năm. Qua đó từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm, thời gian giải quyết công việc, thái độ làm việc của CBCCVCLĐ trong xử lý công việc cũng như hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ; khắc phục hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả, không dám làm, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Để có được đội ngũ cán bộ “5 thật, 6 dám”, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo bổ sung hoàn thiện và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị với phương châm "Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện". Trong đó tập trung vào 5 mối quan hệ: Đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị; đối với đồng chí, đồng nghiệp; đối với việc nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đối với bản thân.
Để việc thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên đi vào thực chất, hiệu quả, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh phụ trách các lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, căn cứ nghị quyết, các quy định của Tỉnh ủy chủ động tham mưu, đề xuất, theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đã chủ động chỉ đạo, triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc bổ sung và thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị gắn với giải quyết các vấn đề bức xúc nổi cộm ở địa phương, đơn vị; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức.
Toàn tỉnh hiện có 945 cơ quan, đơn vị đã rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức. Trong đó có 912 cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức đã đề ra. Tiêu biểu là chuẩn mực đạo đức của CBCC các ngành: Tuyên giáo, Y tế, Giáo dục, Kiểm sát, Than; các đơn vị lực lượng vũ trang và một số cơ quan khối đảng, chính quyền.
Đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: Việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức đã tạo sự chuyển biến căn bản, quan trọng về nhận thức của cán bộ, đảng viên, CCVC trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị theo tấm gương của Bác. Từ việc nâng cao nhận thức đã biến thành hành động cụ thể của từng cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, nêu gương, làm gương trong mọi công việc. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; xây dựng môi trường văn hóa làm việc văn minh, thân thiện.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()