Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:24 (GMT +7)
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Trách nhiệm của toàn xã hội
Thứ 4, 30/06/2021 | 07:33:02 [GMT +7] A A
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”. Thực hiện lời dạy của Bác, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định.
Chính sách đồng bộ
Tính đến ngày 15/5/2021, Quảng Ninh có 325.436 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó có 144.187 trẻ em dưới 6 tuổi, 3.195 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 12.865 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 23.783 trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho trẻ em trên địa bàn. Có thể kể đến là Nghị quyết số 99/2013/NQ-HĐND về việc hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với cách mạng, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; đề án “Phát huy tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020”...
Bên cạnh đó, 100% huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn cũng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em của địa phương. Đặc biệt, một số địa phương chủ động bố trí kinh phí hằng năm theo kế hoạch để thực hiện mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Điển hình như TX Đông Triều từ năm 2013 đến nay, mỗi năm bố trí 1 đến 1,5 tỷ đồng từ ngân sách thị xã để thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bổ sung thiết bị vui chơi tại các điểm vui chơi trẻ em. Hay như huyện Vân Đồn, năm 2020 đã chi gần 1,2 tỷ đồng đầu tư bể bơi và thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh còn tạo điều kiện cho trẻ em phát huy quyền tham gia các diễn đàn. Từ năm 2016, tại mỗi kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh, trung bình có 50 thanh, thiếu, nhi tiêu biểu của tỉnh đã được tham dự phiên khai mạc. Qua đó, nhằm giáo dục ý thức công dân, trang bị kiến thức, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về hoạt động của HĐND, về trọng trách của những đại biểu đại diện cho nhân dân.
Cùng với đó, năm 2018, Hội đồng trẻ em tỉnh thành lập gồm 30 thành viên từ 9-15 tuổi là đại diện tiêu biểu của 13 địa phương trong tỉnh. Các thành viên của Hội đồng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tham gia diễn đàn, nói lên tiếng nói đại diện cho trẻ em, đóng góp xây dựng các chính sách liên quan đến trẻ em.
Mô hình đa dạng
Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều dự án, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.Trong đó phải kể đến mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” được triển khai trên địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả và Quảng Yên từ năm 2013, đã phát huy được vai trò của cộng đồng trong công tác hỗ trợ trẻ em, chia sẻ trách nhiệm xã hội giữa toàn thể cộng đồng.
Đến nay, đã có gần 150 lượt gia đình, cá nhân đăng ký nhận nuôi và đã có hơn 100 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận nuôi, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các gia đình, cá nhân nhận nuôi có cuộc sống ổn định về vật chất, tinh thần, thành tích học tập được nâng lên. Mô hình đã tạo điều kiện cho trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, hòa nhập và phát triển toàn diện hơn.
Để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội việc làm, tỉnh đã triển khai mô hình “Dạy nghề gắn với việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Theo đó, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của 180 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đánh giá năng lực dạy nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động ở 80 cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Quảng Yên, Đông Triều và Uông Bí. Trên cơ sở đó, Trung tâm kết nối, hỗ trợ 12 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học các nghề: Làm vàng mã, pha chế đồ uống, phục vụ quầy bar, làm đẹp, may mặc... Hầu hết trẻ sau đào tạo nghề đã có việc làm ổn định.
Cùng với những mô hình trên, các mô hình: Phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phòng, chống tai nạn thương tích; dịch vụ tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ em rối nhiễu tâm trí; CLB xanh lại ước mơ... cũng thu nhiều kết quả tích cực, góp phần chăm sóc tốt hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Có thể nói, với những việc làm hiệu quả, thiết thực, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cùng toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mục tiêu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()