Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:42 (GMT +7)
Trà Cổ - Bình Ngọc: Miền đất của những trầm tích văn hoá
Chủ nhật, 11/06/2023 | 07:00:21 [GMT +7] A A
Trà Cổ và Bình Ngọc - hai phường của TP Móng Cái là một trong những vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hoá nhất của thành phố vùng biên nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Về hành chính thì tách rời nhưng cả Trà Cổ và Bình Ngọc có chung những "trầm tích" về lịch sử, văn hoá từ lâu đời.
Cùng cội nguồn lịch sử
Trước khi có con đường nối liền Trà Cổ với TP Móng Cái như hiện nay, Trà Cổ - Bình Ngọc vốn là đảo, ngăn cách với đất liền bởi các luồng lạch và bãi sú, vẹt. Mũi Ngọc Sơn - điểm đầu của Bình Ngọc từ xưa đã được các triều đình phong kiến Việt Nam chọn đặt trạm kiểm soát thuyền bè quốc tế ra vào.
Theo truyền thuyết thì vào cuối thế kỷ XIV, có 12 gia đình ngư dân từ đất Đồ Sơn (Hải Phòng) tới vùng biển Trà Cổ, Bình Ngọc đánh cá, gặp bão tố, thuyền trôi dạt vào một đảo hoang chỉ có sú vẹt và lau sậy. Cả đoàn đã quyết định ở lại lập nghiệp nhưng do không chịu nổi vất vả, 6 gia đình đã quay về quê cũ, 6 gia đình còn lại quyết tâm ở lại, dần dần hình thành nên làng Trà Cổ.
Tuy nhiên, theo những tư liệu lịch sử thì vào giữa thế kỷ XVI, vùng Đông Bắc nói chung, Hải Phòng nói riêng đang là vùng chiến lược của nhà Mạc, cũng là nơi thường xuyên diễn ra những trận đánh giữa quân Lê - Trịnh với quân Mạc. Người dân chạy loạn, trong đó có những gia đình ở Đồ Sơn đã chạy ra Trà Cổ.
Khi lập làng, nhớ nguồn gốc, họ đã đặt tên làng là Trà Cổ - ghép từ làng Cổ Trai (quê của Thái tổ Mạc Đăng Dung) và Trà Phương (quê của Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ Mạc Đăng Dung). Cổ Trai chính là nơi phát tích của nhà Mạc, nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng). Tới nay, còn lưu truyền thành ngữ “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” và khẩu ngữ của người Trà Cổ, người Bình Ngọc gốc nặng, giống hệt người Đồ Sơn là vậy.
Đình Trà Cổ được cho là ra đời vào cuối thế kỷ XVI. Tới nay, tại đình còn giữ được nhiều nét kiến trúc, trang trí mỹ thuật mang dấu ấn thời Lê. Từ lâu, đình Trà Cổ được coi như cột mốc văn hoá vùng biên ải, trở thành cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Cường viết ca khúc “Mái đình làng biển”.
Lễ hội đình Trà Cổ (đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019) diễn ra hằng năm từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch. Ngoài các nghi lễ tế thần, rước bài vị thần tới nghè rồi về đình thì xuyên suốt và độc đáo của lễ hội là hội thi “Ông Voi” (thi lợn). Theo lệ xưa truyền lại tới nay, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp làng để chọn ra 12 người, gọi là “cai đám”, để lo việc làng.
Yêu cầu tuyển chọn, cai đám phải là người khoẻ mạnh, gia đình, con cái thuận hoà, phương trưởng, không vướng việc tang. Những người được chọn là cai đám rất vinh dự, vì là cơ hội được thành hoàng phù hộ cho mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Họ cũng được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”. Đáng nói, cai đám chỉ chọn đàn ông và mỗi người chỉ được vinh dự này một lần trong đời.
Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn. Kể từ khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “ông”, được coi là linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi, được chăm sóc sức khoẻ, nâng niu, trân trọng. Chiều ngày 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, 12 cai đám sẽ mặc lễ phục dùng cũi sơn đỏ có mái che, bánh xe, rước “Ông Voi” ra đình Trà Cổ để chầu thần. Sau lễ tế thần, Ban tổ chức sẽ đo đầu đuôi, vòng cổ, cân nặng từng “ông”. “Ông” nào thân dài, vòng cổ to, đẹp và nặng nhất sẽ chiến thắng. Trong đó, "ông" giải nhất sẽ được mổ tế thần vào ngày chính hội hôm sau.
Điều thú vị là ngay sau khi tế thần và kết thúc hội, các “Ông Voi” còn lại được đưa ra khỏi đình, trần trụi trở về là chú lợn, được các gia đình đưa về nhà mổ khao họ hàng, hoặc được bán ngay cho phường mổ trực tiếp ngoài cổng đình.
Chung mạch văn hoá
Thực ra, tục thi rước lợn ở các lễ hội không phải hiếm. Ngay Quảng Ninh, ở hội làng Đồn Sơn, xã Yên Đức (Đông Triều) vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm cũng có tục rước lợn (gọi là “Ông Bồ”) nhưng là lợn đã được giết, bày lên kiệu rước. Còn thì rước lợn sống, thi như ở Trà Cổ và ở Bình Ngọc thì không đâu có.
Năm 1910, một phần xã Trà Cổ tách ra thành lập nên xã Bình Ngọc. Người Bình Ngọc đã dựng đình Bình Ngọc và rước chân hương từ đình Trà Cổ về đình Bình Ngọc. Triều đình nhà Nguyễn đã hai lần ban sắc phong thần cho thành hoàng làng Bình Ngọc là 6 vị tiên công có công mở đất, lập làng Trà Cổ- Bình Ngọc vào năm 1917 và 1924. Tục thi “Ông Voi” và lễ hội đình Bình Ngọc cũng được duy trì hằng năm vào ngày 30/5 và 1/6 âm lịch. Năm 1954, đình Bình Ngọc được sử dụng làm trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp và sau đó tháo dỡ xây dựng trụ sở xã Bình Ngọc.
Năm 2015, TP Móng Cái thanh lý trụ sở cũ, trả lại đất để phường Bình Ngọc phục dựng đình Bình Ngọc. Sau 3 năm thi công, ngày 3/7/2019, đình Bình Ngọc đã được khánh thành trong niềm hân hoan, tự hào của người dân Bình Ngọc và cả những người con Bình Ngọc xa quê định cư ở nước ngoài. Tục thi "Ông Voi" và hội đình Bình Ngọc cũng được lập lại từ đó.
Lần giở lại lịch sử, Trà Cổ là vùng đất có nền giáo dục tân thời phát triển sớm ở Móng Cái. Năm 1922, nhờ sự tài trợ của cụ Bùi Văn Chu- một nhà buôn có đội tàu biển chạy Bắc- Nam, Trường Tiểu học Trà Cổ đã được thành lập, đi vào hoạt động. Chỉ trong 6 tháng, cụ Chu đã xây dựng hoàn thành 2 phòng học bằng gỗ lim với trang bị đầy đủ bàn ghế, tủ sách. Chi phí xây dựng 2 phòng học hết 500 đồng bạc Đông Dương (tương đương 13 tấn gạo khi ấy). Năm 1926, người Pháp cho xây thêm một phòng học và cử thêm giáo viên toàn cấp dạy 3 lớp ghép là: Moyen 1, Moyen 2 và lớp Nhất, từ đó Trà Cổ mới có trường tiểu học.
Năm 1938, Trường Trà Cổ đón một giáo viên đặc biệt đến dạy học đó là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Nhà văn, thầy giáo Nguyễn Công Hoan đã có những năm tháng gắn bó với Trà Cổ. Ông Đoàn Vĩnh, ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ có bố là cụ Đoàn Chấn từng là học sinh của thầy giáo Nguyễn Công Hoan và sau đó là giáo viên của Trường Tiểu học Trà Cổ cho biết gia đình ông từng là nơi lui tới của thầy giáo Nguyễn Công Hoan. Hiện, ông Vĩnh còn lưu giữ nhiều bức thư nhà văn Nguyễn Công Hoan gửi cho gia đình những năm 80 của thế kỷ trước.
Là điểm đầu khi đặt nét bút vẽ bản đồ Tổ quốc, lại có nhiều di tích như đình, nghè, nơi Bác Hồ tới thăm (8/5/1961), nhà thờ Trà Cổ, mũi Sa Vĩ... nên vô hình Trà Cổ được du khách biết nhiều hơn là Bình Ngọc. Bởi thế, cũng chả trách khi Nguyễn Quý Duyên, nữ Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 2, phường Bình Ngọc bảo tôi, du khách xuống đây, thường chỉ rẽ Trà Cổ là chính, mấy ai để ý đến Bình Ngọc đâu.
Sắp đến ngày lễ hội đình Bình Ngọc - cũng là thời điểm tổ chức lễ hội đình Trà Cổ, thể theo đề nghị của tôi, Duyên đưa tôi đến thăm nhà một cai đám là Vũ Văn Dương ở khu 2, phường Bình Ngọc. Năm 2019, sau khi đình Bình Ngọc được khánh thành, tục thi “Ông Voi” được phục hồi, chính chồng Duyên là một trong 12 cai đám được chọn của làng. Duyên phải gọi xin phép đám trưởng trước đó, rồi lại gọi xin phép cai đám Vũ Văn Dương đi biển, chúng tôi mới được vào nhà thăm “Ông Voi”.
Tiếp tôi là ông Vũ Văn Trường và bà Nguyễn Thị Biên là cha, mẹ của cai đám Dương. Ông bà khá thoải mái khi đón khách lạ tới thăm và đưa tôi vào bên trong. Phòng của “Ông Voi” là một gian gần với gian chính của ngôi nhà. Đó là một khu riêng biệt, có rèm che. “Ông Voi” nằm nghỉ trên bộ ván ghép sạch sẽ. Bên trên góc phản có camera để gia đình trông chừng khi nào “ông” đói thì cho ăn, đi vệ sinh là dọn ngay cho sạch sẽ. Ba bề giường của “ông” là rèm tre. Bên tay trái là dây phơi mấy chiếc khăn tắm.
Bà Biên cho biết “ông” vừa ăn sáng là cháo đậu xanh. Đợi nửa buổi sáng ấm áp hơn sẽ tắm, gội cho “ông” bằng xà bông, dầu gội Clear, sữa tắm, sau đó dùng máy sấy tóc sấy khô lông. Buổi sáng ngủ dậy, “ông” được đánh răng, rửa mặt đều đặn hàng ngày. Tôi hỏi, liệu tối có phải mắc màn cho “ông” không thì bà Biên chỉ cho tôi đĩa hương muỗi nói đây là thứ xông hàng ngày để xua đổi côn trùng quấy rầy “ông”.
Sắp đến rồi ngày hội đình Trà Cổ và hội đình Bình Ngọc với tục thi “Ông Voi” độc đáo bởi đây là một dải đất cùng chung lịch sử, văn hoá hình thành nơi địa đầu Tổ quốc.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()