Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:45 (GMT +7)
TP Uông Bí: Siết chặt quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản
Thứ 3, 10/12/2024 | 10:02:55 [GMT +7] A A
Cùng với tài nguyên than, TP Uông Bí còn có nguồn tài nguyên khoáng sản như cát, đất sét, đá vôi. Đây là điều kiện thuận lợi đối với ngành công nghiệp khai thác than, vật liệu xây dựng... nhưng cũng tiềm ẩn những vi phạm, do đó các cơ quan chức năng của thành phố coi trọng công tác quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến tài nguyên than, khoáng sản.
Hiện trên địa bàn thành phố có 4 đơn vị có quy mô hoạt động khai thác, chế biến than: Công ty Than Uông Bí; Công ty CP Than Vàng Danh; Công ty Than Nam Mẫu; Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh và 2 đơn vị vận chuyển, tiêu thụ than là Công ty Kho vận Đá Bạc, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Than Uông Bí. Ngoài ra, còn có 8 cảng bến được cấp phép hoạt động và 4 mỏ đất làm vật liệu san lấp đang triển khai thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo định của Luật Khoáng sản.
Các lực lượng chức năng thành phố và Công an TP Uông Bí duy trì phối hợp với các đơn vị ngành Than trong kiểm tra công tác quản lý tại các kho cảng, bến bãi, hoạt động xuất, nhập than, khai trường sản xuất và ranh giới quản lý tài nguyên. Việc kiểm tra được triển khai đột xuất, tập trung vào những đơn vị, những địa điểm tiềm ẩn phức tạp, khai trường giáp ranh với các địa phương, như: Đông Triều, Hạ Long và xen kẽ với rừng sản xuất của các hộ dân. Công an thành phố tham mưu, kiến nghị khắc phục kịp thời những sơ hở, tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, kiểm soát tại các khu vực nhạy cảm liên quan đến nơi tập kết, tuyến đường vận chuyển than. Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, triển khai tuần tra ban đêm tại các tuyến đường vận chuyển, khu vực cảng, bến bãi tập kết than, xít thải để phát hiện, tham mưu xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép. Cùng với đó, thông qua việc cấp lô gô cho xe vận tải đủ điều kiện, tiêu chuẩn cũng đã đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát quá trình vận chuyển được kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng các đơn vị vận chuyển trái phép than, đất san lấp…
Đối với những đơn vị có hoạt động liên quan đến cảng bến, bãi vật liệu xây dựng, UBND thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các đơn vị được phép hoạt động. Thành phố còn giao cho Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường giám sát tổng thể khu vực có hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi trên địa toàn địa bàn thành phố. Công an thành phố tăng cường nắm tình hình, nhất là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép như khu vực sông Uông, sông Đá Bạc…
Đối với các mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn, đến nay đều đã dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh để hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Do đó, UBND thành phố chỉ đạo, giao các phòng, ban, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với mỏ đất; tăng cường công tác quản lý, triển khai các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng khoáng sản trái phép, chú trọng tại những vị trí có nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Liên quan đến triển khai chỉ đạo của tỉnh về việc xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép, từ năm 2019, TP Uông Bí đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện giải tỏa các bến bãi tập kết, kinh doanh cát không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn thành phố không có các bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép còn hoạt động.
Những giải pháp quyết liệt trên đã góp phần làm giảm rõ rệt vụ việc vi phạm qua từng năm. Các bến, bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi trái phép đã được xóa bỏ, trên địa bàn thành phố năm 2024 không có hiện tượng khai thác cát, đất khi chưa có giấy phép.
Đồng chí Bùi Đức Anh, Trưởng Phòng TN&MT thành phố, cho biết: Công tác quản lý các hoạt động tài nguyên khoáng sản nói chung gắn với việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng của TP Uông Bí cũng vẫn còn nhiều thách thức. Chủ yếu liên quan đến những khu vực các mỏ đất chưa được cấp phép hoạt động do ranh giới các mỏ đất rộng, phần lớn diện tích là đồi núi, đi lại khó khăn, trong khi đó biên chế cán bộ, công chức ngày càng tinh giản, đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cấp thành phố cũng như các xã, phường chỉ kiêm nhiệm. Dẫn đến công tác kiểm tra địa bàn chưa được thường xuyên, một số vụ việc đôi lúc chưa được kịp thời. Vì vậy, địa phương mong muốn các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý có liên quan đến việc cấp phép hoạt động các mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn để đảm bảo nhu cầu vật liệu san lấp cho các công trình dự án đầu tư công trong và ngoài địa bàn thành phố, cũng như thuận lợi hơn cho công tác quản lý của địa phương.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()