Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:55 (GMT +7)
TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3.559 ca mắc mới, tỷ lệ F0 trong cộng đồng đang tăng
Thứ 3, 17/08/2021 | 23:24:35 [GMT +7] A A
Tính từ 18 giờ ngày 16/8 đến 19 giờ ngày 17/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.559 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh; trong đó, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng đang có xu hướng tăng lên.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 mỗi ngày đang đi ngang, nhưng theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng của thành phố có xu hướng tăng lên. Nếu như trước đây, 80% ca mắc mới mỗi ngày được phát hiện tại khu phong tỏa thì hiện nay số ca mắc mới trong cộng đồng chiếm 53% và có xu hướng tăng lên, trong khi số ca phát hiện trong khu phong tỏa chiếm 41%.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 17/8, có 154.759 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố; trong đó có 154.359 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 400 trường hợp nhập cảnh. Trên 2.000 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải thở máy và can thiệp ECMO.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang điều trị 33.208 bệnh nhân, trong đó có 2.065 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.993 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/8, có 2.716 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 75.589 bệnh nhân. Có 315 trường hợp tử vong trong ngày.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 43.730 người, trong đó có 17.274 trường hợp F0 mới và 26.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.939 người.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 gồm 19 thành viên, có nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch chăm sóc và điều trị cho người mắc COVID-19 theo từng giai đoạn, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh đó, Tổ chuyên gia còn tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Sở Y tế trong việc xây dựng mô hình phòng chống dịch COVID-19 trong từng giai đoạn cụ thể; tổ chức hội chẩn, tư vấn từ xa, huấn luyện về cách sử dụng trang thiết bị và các phương pháp hỗ trợ hô hấp trong điều trị COVID-19 nhằm nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho người mắc COVID-19 ở các tầng điều trị (đặc biệt là các bệnh viện tầng 3); đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc cho người mắc COVID-19 cách ly tại nhà.
Trong khi đó, để đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine cho người dân thành phố, những ngày qua, TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều đội tiêm lưu động đến tận nhà để tiêm vaccine cho người già, người khuyết tật... không thể đi lại được.
Theo đó, tại Phường 1, quận Tân Bình, đội tiêm lưu động đã len lỏi từng ngõ hẻm để đến tận nhà tiêm cho người già và người khuyết tật. Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường 1, quận Tân Bình cho biết, đội tiêm lưu động gồm bác sĩ Trưởng trạm y tế phường và một cán bộ y tế phụ trách chính. Ngoài ra, phường cũng bố trí các lực lượng hỗ trợ hậu cần cùng 1 xe cứu thương do Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn Ito đi theo để hỗ trợ kịp thời và xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình tiêm chủng.
Còn tại Phường 9, quận Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, Phường 9 đã tổ chức tiêm 300 mũi vaccine dành cho người già trên 65 tuổi tại địa bàn nhờ xe tiêm lưu động. Những người già đi tiêm được bố trí tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch và được đội ngũ hậu cần phục vụ nhiệt tình. Đối với những người dân trên 65 tuổi, khi bác sỹ tư vấn không được tiêm và phải chờ tiêm ở bệnh viện, cán bộ sẽ điều phối, gọi điện thoại cho những người già khác đến tiêm “thay thế” nhằm tránh mất thời gian và để người dân ai cũng được tiêm gần nhà bằng xe tiêm lưu động.
Cũng để giảm nguy cơ mắc COVID-19 cho đội ngũ nhân viên giao hàng, ngày 17/8, UBND thành phố Thủ Đức đã phối hợp với Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt điểm tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 lưu động tại Siêu thị Mega Market An Phú (phường An Phú, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) dành cho đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper).
Dự kiến trong những ngày tới, điểm tiêm này sẽ tiêm cho 6.000 người là lực lượng giao hàng và người dân trong khu vực khi có yêu cầu. Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, bảo vệ an toàn cho đội ngũ shipper là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi đây là đội ngũ trực tiếp vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân rất hiệu quả trong thời gian giãn cách xã hội.
Trước đó, TP Hồ Chí Minh dự tính sẽ mở rộng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12-18 tuổi.
Trong ngày 17/8, Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh (do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chính) cũng vừa chuyển viện và cấp cứu kịp thời một bệnh nhân COVID-19 nguy kịch. Đáng chú ý, đây là trường hợp mà các y bác sĩ nhận được thông tin từ tin nhắn cầu cứu trên fanpage của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi nhận được thông tin, Ban Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 đã nhanh chóng liên hệ với bệnh viện bạn để tìm hiểu về tình trạng của bệnh nhân. Từ những thông tin được cung cấp, các bác sĩ đánh giá tình trạng của bệnh nhân phù hợp với tiêu chí nhận bệnh của Bệnh viện hồi sức COVID-19, đồng thời có khả năng an toàn trên đường chuyển viện. Vì vậy, bệnh viện đã đồng ý tiếp nhận bệnh nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 3 ngày được các y, bác sĩ nỗ lực cứu chữa, bệnh nhân Trần Văn An đã dần cải thiện, được rút nội khí quản và cho thở oxy dòng cao. Sau 5 ngày kể từ lúc nhập viện, tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn và được chuyển sang khoa 7A (sub-ICU).
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()