Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:24 (GMT +7)
TP Hồ Chí Minh, Bình Dương tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Chủ nhật, 15/08/2021 | 22:31:01 [GMT +7] A A
Do tình hình dịch dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ 00 ngày 16/8 đến ngày 15/9/2021.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội toàn Thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ 00 ngày 16/8 đến ngày 15/9/2021 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó.”
Đây là nội dung được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định trong văn bản chỉ đạo các sở ban ngành, quận huyện, thành phố Thủ Đức và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chiều 15/8.
Theo đó, Thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân theo các khung giờ. Cụ thể đối với khung giờ từ 6 giờ 00 đến 18 giờ 00 hàng ngày, tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của các nhóm đối tượng được phép hoạt động theo Công văn 2468/UBND-VX và Công ăn 2522/UBND-VX, 25533/UBND-VX của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành trước đó.
Ngoài ra, Thành phố cho phép thêm các nhóm đối tượng được hoạt động gồm các cơ sở sản xuất thực phẩm, hành nghề công chứng, công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, bảo trì, sửa chữa hạ tầng thiết bị các cơ quận, phòng bán vé máy bay, phòng khám tư nhân và nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu (shipper).
Các cơ quan, đơn vị Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội bao gồm cơ quan, đơn vị của Trung ương đóng tại Thành phố bố trí không quá 1/4 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quận, đơn vị.
Đối với khung giờ từ 18 giờ 00 ngày hôm trước đến 06 giờ 00 ngày sau, Thành phố yêu cầu mọi người dân trên địa bàn tiếp tục hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động.
Trừ các trường hợp đi tiêm vaccine, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi, các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép, nhân viên các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu, nhân viên giao hàng thiết bị y tế như bình oxy cho người nhiễm COVID-19; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quận báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, dịch vụ vận chuyển bưu chính, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính Thành phố.
Thực hiện chính sách an sinh xã hội trong thời gian giãn cách, Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng sẵn sàng 1 triệu gói cứu tế; cùng với các quận huyện, thành phố Thủ Đức rà soát chăm lo cho công nhân, sinh viên, người lao động tự do đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân. Thành phố thực hiện túi an sinh “đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp với từng đối tượng.”
Đối với việc tiêm vaccine, Thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm, bảo đảm đến ngày 15/9 có trên 70% người dân Thành phố đươc tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2, hoàn thành tiêm mũi 1 cho 15% số công nhân còn lại ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Thành phố tập trung thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc và điều trị F0 tại nhà và tại các cơ sở điều trị, trong đó tập trung thực hiện gói “home-based care” trong theo dõi và điều trị tại nhà.
Đồng thời tập trung xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả để thu hẹp “vùng đỏ,” “vùng vàng,” “vùng cam” trên địa bàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với địa bàn huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, quận Phú Nhuận, quận 5, quận 7 và quận 11.
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố kêu gọi toàn thể người dân Thành phố tiếp tục phát huy sự đồng lòng, chung sức trong phòng, chống dịch; đề nghị người dân Thành phố “đã cố gắng càng cố gắng hơn, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách trước đại dịch COVID-19.
Như vậy, đây là đợt giãn cách xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh có thời gian dài nhất, tròn 1 tháng. Trước đó từ ngày 9/7, Thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 cho đến ngày 15/8.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 6 giờ ngày 15/8, trên địa bàn thành phố có 147.929 trường hợp mắc bệnh phát hiện được Bộ Y tế công bố.
Hiện thành phố đang điều trị 32.293 bệnh nhân, trong đó có 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 70.727 bệnh nhân. Trên địa bàn Thành phố hiện có 20 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.
Tối cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin trong ngày 15/8 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.358 ca mắc mới, tăng 16,2% so với ngày 14/8.
Theo biểu đồ phân tích của Sở Y tế cho thấy số ca mới mắc COVID-19 tăng mạnh từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, sau đó có giảm xuống từ ngày 5/8 đến ngày 8/8. Tuy nhiên, những ngày gần đây có dấu hiệu tăng trở lại do các địa phương đang triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 2.
Các địa phương có số mắc tăng nhiều nhất là huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo; thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên.
Trong khi đó, các địa phương "vùng đỏ" thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An có số mắc giảm, kế đến thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng và huyện Dầu Tiếng cũng đang giảm. Số ca mắc trong ngày tập trung nhiều nhất ở khu phong tỏa (79,9%) và sàng lọc cộng đồng là 12,5%.
Chiều 15/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký ban hành văn bản số 3985/UBND-VX về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện “xanh hóa” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên kể từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 31/8/2021.
Đối với các địa phương này tiếp tục áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
Riêng 4 huyện phía Bắc gồm: huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg kể từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 22/8.
Tuy nhiên, các địa phương này không áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian như các địa phương phía Nam.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, sau thời gian tiếp tục thực hiện giãn cách, căn cứ diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên từng địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ xem xét, chỉ đạo thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở "mức cao hơn" và không được "chậm hơn" khi xử lý tình huống; đồng thời, khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh "vùng đỏ,” "xanh hóa" địa bàn, xây dựng và bảo vệ "vùng xanh,” sớm đưa các địa phương về trạng thái bình thường mới.
Trường hợp để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quận, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của đơn vị, địa phương đó sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định.
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 43.979 ca mắc COVID-19. Trong đó, số ca điều trị khỏi bệnh và đã xuất viện là 10.859 ca. Tuy nhiên, ghi nhận 361 trường hợp tử vong do COVID-19.
Hiện trong số hàng chục ngàn ca đang điều trị, có 2.727 bệnh nhận có triệu chứng; trong đó có 715 ca đang chuyển biến nặng đang tập trung điều trị tại các bệnh viện hồi sức tích cực./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()