Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:01 (GMT +7)
Lan toả ý thức PCCC trong cộng đồng
Thứ 5, 03/08/2023 | 10:51:12 [GMT +7] A A
Tăng cường kiểm tra, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy hiệu quả các mô hình PCCC tại khu dân cư... là những giải pháp TP Hạ Long đang tập trung thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác phòng PCCC&CNCH. Nhờ chủ động làm tốt việc phòng ngừa, nâng cao nhận thức về PCCC cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, công tác PCCC trên địa bàn TP Hạ Long đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các vụ cháy trên địa bàn được kiềm chế và giảm theo từng năm...
Chuyển biến mạnh từ cơ sở
Với phương châm phòng ngừa là chính, không để cháy, nổ xảy ra, sẵn sàng chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả, những năm qua Công an TP Hạ Long đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác PCCC của từng cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH được cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc khi đã được đưa vào các buổi sinh hoạt chi bộ tại tổ dân, khu phố trên toàn thành phố, hướng tới mục tiêu “Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường an toàn”.
Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã tổ chức trên 1.100 buổi tuyên truyên công tác PCCC&CNCH cho hơn 63.000 người dân; gần 2.000 lượt tin nhắn SMS khuyến cáo cảnh báo về PCCC&CNCH đã được gửi đến các thuê bao di động; gần 90.000 hộ gia đình ký cam kết PCCC; 42.500 hộ dân tự trang bị bình chữa cháy…
Thành phố cũng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương củng cố, kiện toàn bộ máy và duy trì hoạt động thường xuyên của lực lượng PCCC tại chỗ. Trên địa bàn TP Hạ Long hiện có 243 đội dân phòng với 2.517 đội viên, bảo đảm mỗi thôn, khu phố thành lập ít nhất 1 đội dân phòng; 812 đội PCCC cơ sở với gần 4.500 đội viên và 100% đội viên các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở đều được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thành phố tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC.
Thượng tá Nguyễn Thành Kiên, Phó trưởng Công an TP Hạ Long, cho biết: Xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ là điểm mấu chốt trong việc hạn chế những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Những năm qua, lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong công tác PCCC, nhiều vụ cháy đã được xử lý, dập tắt ngay từ ban đầu, không để cháy lan, cháy lớn. Việc triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” đã đem lại nhiều thuận lợi, hiệu quả cao và có tính chủ động cao trong công tác PCCC&CNCH, từ năm 2020 đến nay có 203 sự cố cháy nhỏ được lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở dập tắt từ khi mới phát sinh, không gây cháy lan, cháy lớn.
Để nâng cao năng lực PCCC của người dân, TP Hạ Long đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình an toàn PCCC tại địa bàn dân cư. Tính đến nay, toàn thành phố đã có 33 mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”; 28 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 48 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Ông Vũ Tiến Kiên, Bí thư chi bộ, Trưởng khu 4A (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) chia sẻ: Việc thành lập các mô hình PCCC đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này tại địa bàn dân cư. Mô hình không chỉ có tác dụng trong công tác PCCC, mà còn có tác dụng trong công tác đảm bảo ANTT, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố...
Chiến lược đồng bộ trong PCCC&CNCH
Trước tốc độ phát triển KT-XH và đô thị hóa nhanh chóng của thành phố hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC, trong quá trình thẩm định hồ sơ các đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư công trình, khu dân cư đô thị mới, UBND thành phố đều tổ chức lấy ý kiến của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh). Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư các dự án, công trình xây dựng ngoài NSNN phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng.
Trong quá trình cấp phép xây dựng các công trình, thành phố yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ nghiêm các quy định về thẩm duyệt thiết kế PCCC. Đối với cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, thành phố quy định về chỉ giới đường đỏ các công trình đảm bảo định hướng mở rộng các tuyến đường giao thông rộng tối thiểu 4m để xe chữa cháy có thể tiếp cận và lắp mới trụ nước chữa cháy tại các phường tập trung đông dân cư, ngõ hẻm sâu, nơi có mật độ người dân sinh sống đông đúc.
Đặc biệt, để kịp thời chấn chỉnh những trường hợp vi phạm quy định về PCCC, từ năm 2020 đến nay, thành phố chỉ đạo thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện công tác PCCC&CNCH tại các loại hình cơ sở trên địa bàn. Theo thống kê, có gần 18.000 lượt kiểm tra và trên 24.500 kiến nghị an toàn về PCCC&CNCH, 321/321 cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã thực hiện mua bảo hiểm theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 500 trường hợp với tổng số tiền trên 750 triệu đồng và tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 22 trường hợp.
Nhờ công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH được thực hiện quyết liệt, bài bản đã giúp thành phố kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về PCCC&CNCH, không để tình trạng cơ sở không đảm bảo các điều kiện về PCCC đi vào hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các vụ hỏa họan, không để bị động khi có tình huống cháy nổ xảy ra, từ năm 2020 đến nay, Công an TP Hạ Long đã tổ chức xây dựng 334 phương án chữa cháy của cơ quan công an, 321 phương án CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; tổ chức thực tập 92 phương án chữa cháy của cơ quan công an, 142 phương án CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Định kỳ hằng năm, Công an thành phố xây dựng kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, CNCH cho CBCS lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, tổ chức kiểm tra, rút kinh nghiệm sau quá trình huấn luyện, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định, gắn lý thuyết với thực tiễn công tác chiến đấu, để từ đó đưa ra những phương pháp, biện pháp tập luyện hiệu quả. Qua công tác tổ chức thực tập, huấn luyện giúp CBCS lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ chiến thuật chữa cháy, CNCH và nắm bắt được đặc điểm của cơ sở phục vụ công tác chiến đấu.
Với những giải pháp trên, số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra đã giảm đáng kể, góp phần đảm bảo ANTT và an toàn xã hội trên địa bàn TP Hạ Long. Từ năm 2020 đến hết 2022, toàn thành phố xảy ra 58 vụ cháy, gây thiệt hại trên 16 tỷ đồng (giảm 11 vụ so với năm 2019, thiệt hại về tài sản giảm trên 1,3 tỷ đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố xảy ra 3 vụ cháy.
Đánh giá về công tác PCCC&CNCH của thành phố, tại buổi làm việc ngày 5/7/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2020-2022, các thành viên Đoàn giám sát của Uỷ ban QP-AN của Quốc hội nhận định: TP Hạ Long là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh có dân số đông, diện tích lớn, gần 6.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, nhưng các vụ cháy, nổ trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt, chỉ xảy ra số lượng ít vụ việc, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của địa phương. Nhất là trong xây dựng chiến lược, dự án, kế hoạch, giải pháp về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; công tác tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()