Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:29 (GMT +7)
TP Hạ Long: Phát triển rừng gỗ lớn
Thứ 3, 07/09/2021 | 09:09:14 [GMT +7] A A
Ngày 23/4/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337 về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững (viết tắt là NQ337). Hiện TP Hạ Long đang tích cực triển khai NQ337 và xác định đây là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông - lâm - nghiệp, với mục tiêu vừa đảm bảo phòng hộ hồ Yên Lập bền vững, hiệu quả, vừa tạo thu nhập lớn cho nhân dân địa phương phát triển kinh tế từ rừng.
TP Hạ Long là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với 42.500ha rừng sản xuất và có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các cây gỗ lớn. Sản lượng khai thác hàng năm từ rừng trồng sản xuất trên địa bàn thành phố khoảng 60.000 – 95.000 m3/năm. Thế nhưng, cũng như nhiều địa phương có rừng, chất lượng rừng của TP Hạ Long còn rất hạn chế, hiệu quả kinh tế chưa cao do người dân chủ yếu trồng cây keo, cây bạch đàn. Vì vậy, các sản phẩm gỗ khai thác từ rừng hiện chủ yếu dùng làm nguyên liệu phục vụ chế biến thô (sản xuất dăm mảnh, ván bóc), nhiều người dân vẫn chưa thật sự làm giàu được từ rừng.
Với quyết tâm nhân lên những cánh rừng gỗ lớn phù hợp với đặc thù của địa phương, TP Hạ Long triển khai NQ337 thông qua việc khuyến khích người dân trồng mới các loại cây lâu năm, chất lượng gỗ tốt, kết hợp với trồng dược liệu dưới tán rừng và khai thác lâm sản phụ. Theo đó, từ đầu năm 2021, TP Hạ Long đã bước đầu rà soát, đánh giá hiện trạng diện tích rừng sản xuất của các đơn vị nhà nước đang quản lý, diện tích rừng sản xuất giao cho dân mà có thể triển khai trồng rừng gỗ lớn. Từ cuối tháng 4 vừa qua, một số các xã, phường có rừng của TP Hạ Long đã vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn và tổ chức vận động, tuyên truyền về các cơ chế ưu đãi của NQ337, qua đó giúp người dân sớm nắm bắt được chủ trương chính sách, tinh thần hào hứng tham gia thực hiện NQ337.
Đối với các xã có diện tích rừng thuộc lưu vực lòng hồ Yên Lập, TP Hạ Long đã yêu cầu các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ và thực hiện trồng cây bản địa gỗ lớn để tăng khả năng giữ nước, hạn chế xói mòn, bồi tụ trong lưu vực của hồ. Để NQ337 sớm đi vào cuộc sống, phòng Kinh tế thành phố đã cùng với Hạt kiểm lâm, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh làm việc với các xã và các hộ dân có nhu cầu trồng rừng gỗ lớn để hướng dẫn và hỗ trợ người dân viết đơn đăng ký tham gia.
Cuối tháng 8 vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức làm việc với 12 xã và 4 phường có liên quan trực tiếp đến lưu vực lòng hồ Yên Lập (Đại Yên, Hà Khẩu, Việt Hưng, Hoành Bồ) để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong triển khai NQ337; thành lập tổ công tác và Hội đồng thẩm định phương án của các xã để đảm bảo không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, làm sai quy định và sai quy hoạch; lập biểu hướng dẫn cho các xã; xây dựng một quyển sổ tay hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ lớn, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng khu vực…
Từ sự vào cuộc của thành phố, hiện 7 xã, phường có rừng, người dân đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn hoặc chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 200ha. Dự kiến, trong các năm tiếp theo, mỗi năm thành phố cũng sẽ có thêm 200-300ha rừng gỗ nhỏ chuyển sang rừng gỗ lớn. Đây là sự chuyển động khá tích cực của TP Hạ Long khi NQ337 mới ban hành được gần 5 tháng và đến tận cuối tháng 8, UBND tỉnh mới có hướng dẫn liên ngành để thực hiện Nghị quyết.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 200ha đã đăng ký so với diện tích trên 42.500ha rừng sản xuất có thể chuyển sang rừng gỗ lớn thì đây vẫn là con số khá khiêm tốn, trong khi NQ337 có một loạt cơ chế ưu đãi cho người trồng rừng, như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ… ngoài ra còn tạo điều kiện người dân tiếp cận vốn tín dụng và hỗ trợ lãi suất vốn vay mức 6%/năm/chu kỳ rừng. Đáng chú ý là cùng với huyện Ba Chẽ, TP Hạ Long là địa phương thứ 2 được tỉnh lựa chọn để triển khai Nghị quyết sau khi đã rà soát lại diện tích rừng, thổ nhưỡng cũng như xem xét những điều kiện thuận lợi khác của địa phương.
Lý giải về điều này, ông Lê Văn Thắng, Phó phòng Kinh tế TP Hạ Long cho biết: Hiện nhận thức về NQ337 ở các xã, phường có sự không đồng đều và còn nhiều hạn chế. Mặt khác, Nhà nước cũng chưa có quy chuẩn về chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn (trừ cây thông và cây keo); nhiều người còn băn khoăn về tiêu chí xác định cây gỗ lớn, quy trình trồng và khai thác, đầu ra cho sản phẩm của cây gỗ lớn… Đối với các hộ dân ở lưu vực lòng hồ Yên Lập, nhiều người không có nhu cầu tham gia và chuyển hóa rừng do diện tích rừng khá nhỏ, chỉ khoảng 2ha và phải vận hành theo cơ chế của rừng phòng hộ nên tỷ lệ khai thác chỉ được 30%. Do đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục yêu cầu các xã, phường có rừng nghiên cứu kỹ các nội dung của Nghị quyết 337 các văn bản liên quan để phổ biến đến các chi bộ, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, vận động các hộ dân có rừng, nhất là cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn; rà soát diện tích rừng đã giao cho từng hộ dân, phân loại và nắm rõ diện tích đến kỳ khai thác, rồng mới để có kế hoạch, lộ trình từng năm cho đến năm 2025.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()