Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:36 (GMT +7)
TP Hạ Long: Chuẩn bị cải tạo, mở rộng đền thờ Vua Lê (xã Lê Lợi)
Thứ 7, 11/11/2023 | 12:57:00 [GMT +7] A A
Sáng 11/11, Thường trực Thành ủy Hạ Long tổ chức Hội nghị để nghe báo cáo tiến độ triển khai đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng đền thờ Vua Lê (xã Lê Lợi). Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy chủ trì cuộc họp.
Đền thờ vua Lê Lợi thờ lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, lên ngôi trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê.
Theo hồ sơ di tích, đền thờ vua Lê Lợi được xây dựng vào cuối thế kỷ XV, toạ lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là sông nước. Tại đền Lê Thái Tổ ngày nay còn lưu giữ được 5 sắc phong các vua triều Nguyễn ban tặng vào năm 1821 và năm 1846. Nội dung các sắc phong nêu rõ: Các vị thần Lê Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi, thần Núi, thần Sông… đã có công giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, nay gia tặng Thượng đẳng thần và cho phép xã Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên phụng thờ như xưa.
Năm 2003, Đền được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Với những giá trị cả về lịch sử và yếu tố tâm linh, đền thờ Lê Thái Tổ là nơi thu hút đông đảo bà con nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến tham quan, chiêm bái.
Để khai thác, phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, TP Hạ Long sẽ triển khai dự án Cải tạo, mở rộng đền thờ Vua Lê.
Theo phương án thiết kế, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch dự án là trên 12ha, định hướng phân chia thành 4 khu chức năng chính, gồm có: Khu đền thờ có diện tích trên 57.000m2 (khu A); Khu Ban Quản lý Đền có diện tích gần 11.500m2 (khu B); khu dịch vụ tâm linh có diện tích trên 35.000m2 (khu C); Đất hạ tầng giao thông đối ngoại có diện tích trên 8.300m2 (khu D).
Ngoài ra để đảm bảo phát huy hiệu quả, phương án có nghiên cứu một số khu vực chức năng lân cận nằm ngoài phạm vi ranh giới khu quy hoạch theo định hướng tổng thể như: Đường quy hoạch phía Bắc kết nối giữa khu Đền với Chùa Minh Đức tự phía Đông Bắc góp phần tạo chuỗi sản phẩm du lịch tâm linh của địa phương, tạo thuận tiện cho nhân dân và khách thập phương; bố trí dải cây xanh và bãi đỗ xe dọc theo trục đường quy hoạch.
Hiện phương án đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thành phố dự kiến sử dụng nguồn đầu tư công để đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông xung quanh khu vực và san nền đối với các khu B và C. Còn lại việc đầu tư trong phạm vi ranh giới các khu chức năng thuộc Đền được thực hiện bằng nguồn lực xã hội hoá.
Phát biểu chỉ đạo nội dùng này, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy khẳng định: Dự án Cải tạo, mở rộng đền thờ Vua Lê nhằm hiện thực hóa nhu cầu của nhân dân đối với di tích này và có ý nghĩa rất quan trọng để thành phố khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh trong phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững. Do đó, dự án phải được triển khai trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu, tôn tạo, dự án phải được giữ các giá trị nguyên gốc của di tích vì chỉ khi di tích được bảo vệ, phát huy đúng cách thì di tích không chỉ phát huy về văn hóa mà còn trở thành di sản vô giá.
Đồng chí cũng yêu cầu các hạng mục chính trong khu đền thờ cần tính toán diện tích cho tương xứng với tổng thể và phải giữ nguyên hệ thống cây xanh, ao đầm theo đúng hiện trạng. Đồng thời cần nghiên cứu xây dựng sân lễ hội có diện tích rộng, có sức chứa lên tới 10.000 người; chú ý hệ thống giao thông nội vùng, đảm bảo có sự kết nối với giao thông ngoại vùng.
Tại cuộc họp,Thường trực Thành ủy cũng nghe và cho ý kiến về Dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật nối Trung tâm văn hóa núi Bài Thơ (phường Hồng Gai).
Theo phương án quy hoạch, tổng diện tích nghiên cứu khoảng 2ha. Không gian kiến trúc cảnh quan lấy hướng chính điện - hướng Tây của khu văn hóa núi Bài Thơ để làm hướng phát triển chính, với quảng trường trung tâm kết nối từ đường Trần Quốc Nghiễn lên phía trên, hai bên là cây xanh cảnh quan. Theo định hướng quảng trường này sẽ kết nối xuyên suốt với sân trước đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và khu công viên phía Đông Nam tạo thành một trục không gian cảnh quan đồng bộ, kết hợp chỉnh trang đô thị và đáp ứng nhu cầu sử dụng công cộng của Nhân dân, du khách thập phương.
Tổng mức kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 180 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án dự kiến năm 2023-2024.
Liên kết website
Ý kiến ()