Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 04:53 (GMT +7)
TP Hạ Long: Nâng cao chất lượng nhân lực giáo dục mầm non
Thứ 6, 22/11/2024 | 05:13:11 [GMT +7] A A
Với dân số đông nhất so với các địa phương trong tỉnh, những năm gần đây TP Hạ Long đang gặp một số khó khăn nhất định trong việc sắp xếp nguồn nhân lực cho công tác giáo dục mầm non. Trước tình trạng thiếu giáo viên và quá tải học sinh mầm non, ngành GD&ĐT thành phố đang có nhiều giải pháp tích cực.
Hiện nay TP Hạ Long có 46 trường mầm non với tổng số 1.050 lớp, 19.800 trẻ. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non là 3.592 người.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, chất lượng giáo dục mầm non của TP Hạ Long luôn đứng đầu toàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những điều kiện thuận lợi, giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, bất cập, như: Số lượng giáo viên chưa đủ và một số cơ sở giáo dục đang có số lớp vượt quy định; quá tải về số trẻ; khoảng cách về sự phát triển giữa các trường trong khu vực khó khăn, miền núi và các trường vùng thuận lợi vẫn có sự chênh lệch khá rõ nét...
Trong bối cảnh thiếu giáo viên, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi đang được Phòng GD&ĐT TP Hạ Long chú trọng thực hiện, nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Theo đó, phương án xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ phù hợp với kế hoạch nhiệm vụ giáo dục theo năm học và chiến lược phát triển giáo dục của địa phương luôn được ngành giáo dục coi là nhiệm vụ quan trọng.
Riêng đối với giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi được xác định đóng vai trò là người quyết định sản phẩm đầu ra của các nhà trường, nên phải có năng lực chuyên môn vững vàng; có năng lực và kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục, đặc biệt là hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái cũng như các hoạt động cần thiết khác giúp trẻ tự tin sẵn sàng vào lớp 1. Mặt khác, giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi phải thường xuyên và chủ động liên hệ với giáo viên dạy lớp 1 các trường tiểu học, cập nhật sự đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng chương trình giáo dục của lớp đảm bảo sự liên thông với chương trình tiểu học, chuẩn bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết trang bị cho trẻ tự tin vào lớp 1.
Ngoài ra, việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên mầm non cũng phải được chú trọng, phù hợp với thực tiễn của đơn vị; nhất là đối với những nội dung mà đội ngũ còn hạn chế, cần thiết cho thực hiện nhiệm vụ như: Ứng dụng các phần mềm trong quản lý, dạy học; phương pháp tiên tiến STEM, Montessori, Reggio Emilia... đổi mới phương pháp, kỹ năng mềm.
Một yếu tố quan trọng nữa là triển khai kịp thời các chế độ chính sách để cán bộ, giáo viên mầm non yên tâm công tác trong bối cảnh ngành đang thiếu hụt số lượng lớn giáo viên.
Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng lương từ nguồn NSNN, được thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. 100% người nấu ăn được ký hợp đồng lao động, hưởng lương từ nguồn đóng góp của cha mẹ trẻ, khoán mức lương tối thiểu theo quy định.
Đối với các trường mầm non tư thục, nhóm, lớp mầm non độc lập, Phòng GD&ĐT thành phố phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố, BHXH tỉnh chỉ đạo chủ cơ sở thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH cho người lao động theo quy định; 100% người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đều được ký hợp đồng lao động, được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định; được đảm bảo mức lương tối thiểu vùng trở lên.
Có thể thấy, với nhiều giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, TP Hạ Long đang tháo dần nút thắt khó khăn về tình trạng thiếu hụt giáo viên, giữ vững vị trí đứng đầu toàn tỉnh trong công tác giáo dục mầm non.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()