Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:54 (GMT +7)
TP Hạ Long: Kỳ vọng một năm học mới nhiều thành công
Thứ 3, 05/09/2023 | 11:12:25 [GMT +7] A A
Với sự đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo của toàn ngành GD&ĐT, sự quan tâm của thành phố, công tác giáo dục của TP Hạ Long đã có những bước phát triển tương đối toàn diện. Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục TP Hạ Long tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về chất lượng và số lượng giải học sinh giỏi các cấp. Chất lượng phổ cập giáo dục ở các bậc học được duy trì, mạng lưới trường, lớp đều được tăng cường đầu tư. Đây là tiền đề để ngành GD&ĐT thành phố hướng đến những mục tiêu cao hơn trong năm học mới này.
Đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất
Là đô thị loại I của tỉnh, hằng năm số học sinh ở các phường trung tâm của TP Hạ Long đều tăng, đòi hỏi quy mô trường lớp, cơ sở vật chất cần được đầu tư; đội ngũ giáo viên cần được bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Đối với các xã vùng cao xa trung tâm thành phố, yêu cầu phát triển giáo dục để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng địa bàn ngày càng trở nên cấp thiết.
Năm học 2022-2023 thành phố đã đầu tư xây dựng 2 công trình trường học với tổng mức đầu tư trên 38 tỷ đồng, gồm: Xây dựng nhà học bộ môn Trường TH&THCS Núi Mằn (xã Thống Nhất); xây dựng nhà học bộ môn Trường THCS Vũ Oai (xã Vũ Oai). Bên cạnh việc đầu tư xây mới các hạng mục công trình trường, lớp học, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp rà soát, tham mưu, đề xuất để kịp thời trang sắm mới, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học; cải tạo sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh học sinh và các hạng mục phụ trợ khác để đảm bảo cho công tác dạy và học tại các nhà trường với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.
Cô giáo Hoàng Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Vũ Oai, cho biết: Hiện Trường được đầu tư xây mới khu nhà 4 tầng khang trang với các phòng học chức năng, bộ môn được trang bị hiện đại; một sân chơi rộng với hai hàng cây xanh; một sân bóng đá nhân tạo trên 1.000m²; khu bếp ăn và chế biến thực phẩm, đáp ứng tốt cho việc tổ chức bán trú tại trường... Sự quan tâm của thành phố đã giúp học sinh của xã được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Đây cũng là tiền đề quan trọng để nhà trường hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, dồn ghép các điểm trường thành công, vinh dự là một trong 5 tập thể được trao Cờ dẫn đầu thi đua của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc năm học 2022-2023.
Đối với năm học 2023-2024, TP Hạ Long cũng đầu tư trên 40 tỷ đồng để sửa chữa 50 trường học và tập trung chủ yếu vào khu vực các xã vùng cao, 17 tỷ đồng để mua sắm cơ sở vật chất, đáp ứng kịp thời cho các trường học trước thềm năm học mới. Bên cạnh đó, TP Hạ Long có 2 trường được đầu tư xây mới, gồm: Trường THCS&THPT Quảng La và Trường THPT Ngô Quyền với gần 450 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách thành phố, ngân sách thành phố bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và dự phòng. Trong đó, Trường THCS&THPT Quảng La được đưa vào sử dụng ngay trong năm học mới này với diện tích gần 3ha, có 3 khu nhà 4 tầng, khu nhà đa năng.
Ông Trương Kim Luân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng La, chia sẻ: Ngôi trường cũ đã có nhiều hạng mục xuống cấp, một số phòng có diện tích nhỏ, không đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, thiếu diện tích phục vụ hoạt động giáo dục thể chất ngoài trời, diện tích sân vui chơi cho học sinh. Vì vậy, khi nhận được chủ trương thành phố cho đầu tư xây dựng mới, không chỉ người dân xã Quảng La mà các xã lân cận cũng rất vui mừng, phấn khởi. Bà con ai cũng đồng tình, ủng hộ, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Năm học này, học sinh đã có ngôi trường khang trang hiện đại không kém gì so với các trường học ở địa bàn trung tâm của thành phố.
Xây dựng môi trường giáo dục phát triển toàn diện
Cùng với cơ sở vật chất, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn được thành phố quan tâm, chú trọng. Đến hết tháng 8/2023, các trường thuộc thành phố có trên 2.700 giáo viên đạt chuẩn (94,6%), trong đó 781 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn (khoảng 30%) và hiện có 124 giáo viên đang học nâng chuẩn.
Nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, thành phố đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác chuyển đổi số. Hiện 100% trường học triển khai phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc. Toàn bộ thông tin của cán bộ giáo viên, học sinh được cập nhật lên phần mềm trực tuyến; 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy, chuyển dữ liệu tự động lên phần mềm Cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Các trường triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, mạng internet, phần mềm trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh…
Mục tiêu năm học 2023-2024 tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi ngày (duy trì 100% học 2 buổi/ngày đối với trẻ mầm non; 96% học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học). Thành phố cũng tập trung rà soát, sắp xếp dồn ghép điểm trường. Hiện 88 trường thuộc thành phố còn 75 điểm trường lẻ (giảm 15 điểm trường lẻ so với thời điểm sau sáp nhập vào năm 2020). Năm 2023, thành phố tiếp tục dồn ghép các điểm trường.
Đối với dạy học ngoại ngữ, kỹ năng sống cho học sinh, năm học 2022-2023 toàn thành phố có 100% học sinh từ lớp 3-9 được học tiếng Anh. Ngoài ra, có 18 trường mầm non, 20 trường tiểu học thực hiện đề án dạy làm quen, tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên nước ngoài; dạy kỹ năng sống theo hình thức ngoài giờ chính khóa. Năm học 2023-2024, việc dạy học ngoại ngữ, kỹ năng sống cho học sinh tiếp tục được các trường tăng cường.
Trên quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho quốc sách, ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước, học sinh từ vùng đô thị đến miền núi đều được hưởng thụ thành quả của sự phát triển, được học trong môi trường tiên tiến hiện đại, do đó chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố ngày càng phát triển. Thành phố luôn đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,98%.
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về chất lượng và số lượng giải học sinh giỏi các cấp với 630 học sinh giỏi cấp thành phố, 402 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 50 học sinh đạt giải cấp quốc gia, 28 học sinh đạt giải cấp quốc tế (tăng gần 200 giải so với năm học trước). Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Hạ Long, học sinh thành phố đỗ với 75%, trong đó có 9 học sinh là thủ khoa. Còn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, TP Hạ Long có 5 trường trong tốp 10 trường đạt kết quả cao của tỉnh.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: Năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành GD&ĐT thực hiện các phong trào thi đua, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ dần những khó khăn, bất cập của ngành Giáo dục, nhất là việc rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến các cấp học phổ thông, khắc phục từng bước tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên qua việc triển khai Đề án tự chủ tại các trường mầm non và THCS.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long: "Tự chủ sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học”
Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên thành phố quyết định cho 43/68 trường mầm non và THCS công lập thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và một phần tài chính. Giải pháp này nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn thành phố. Thành phố xây dựng nguyên tắc chung tự chủ theo các quy định, thông tư hướng dẫn của pháp luật. Trên cơ sở đó, các trường học xây dựng đề án riêng phù hợp với thực tế của địa phương, nhu cầu của phụ huynh, học sinh trên tinh thần đảm bảo công khai, minh bạch và hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng dạy và học. Theo đó, 43 trường mầm non và THCS tự chủ từng phần (thấp nhất là 10%, cao nhất là 37%), nguồn thu tự chủ chính là học phí theo quy định hiện hành. Thực hiện tự chủ sẽ có 508 người làm việc hưởng lương từ ngân sách tự chủ (giảm 188 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước), góp phần thực hiện thành công mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026 của thành phố.
Cô giáo Hoàng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long): “Để không bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại”
Chuyển đổi số cho phép giáo dục thực hiện toàn diện và đầy đủ các hoạt động dạy học trên không gian mạng và giúp đào tạo những công dân số. Thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực từ dạy học đến công tác quản lý, như: Kiểm tra, đánh giá học sinh qua các phần mềm, thiết kế bài giảng trực tuyến dưới dạng video, sử dụng phần mềm trong triển khai công việc, đăng ký tuyển sinh lớp 6 và vào THPT bằng hình thức trực tuyến… Nhờ đó, đã giúp chất lượng bồi dưỡng học sinh đại trà cũng như chất lượng mũi nhọn của nhà trường ngày một nâng cao. Học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi, có trách nhiệm và tự chủ của thời đại số. Giáo viên có năng lực xây dựng bài giảng, đề thi một số nội dung của tất cả các môn học.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số của nhà trường vẫn chưa thực sự toàn diện và gặp không ít khó khăn. Do đó, để không bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, nhà trường rất mong muốn thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu trong toàn ngành; hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiết bị CNTT phục vụ dạy và học; thúc đẩy phát triển học liệu số ở tất cả các cấp học…
Cô giáo Phạm Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Xanh (phường Cao Xanh): "Có chế độ tiền lương hợp lý đối với những nhân viên nấu ăn cho trẻ trong các trường mầm non"
Trong chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường đã thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi bổ sung. 100% giáo viên đã chủ động tổ chức các hoạt động giảng dạy (kể cả hoạt động ngoại khoá và giáo dục kỹ năng sống); 90% giáo viên linh hoạt, sáng tạo và quan tâm đến hoạt động tự trải nghiệm của trẻ, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm để trẻ phát huy tính chủ động, tích cực, trẻ sẽ thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, sáng tạo hơn và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Để xây dựng "Trường học hạnh phúc", nhà trường cũng đã được thành phố quan tâm, trang bị đầy đủ các trang thiết bị đồ dùng dạy học hiện đại như: Phòng học thông minh, đồ chơi phát triển trí tuệ….
Các chế độ chính sách tiền lương, tiền phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác tại trường, tôi nhận thấy chính sách cho các nhân viên nấu ăn vẫn còn nhiều thiệt thòi. Tôi mong muốn nhân viên nấu ăn được đóng bảo hiểm đầy đủ để chị em yên tâm gắn bó với ngành. Cùng với đó là việc thực hiện cộng nối BHXH cho những giáo viên mầm non có thời gian công tác trước ngày 1/1/1995.
Cô giáo Hoàng Thị Giang, Trường TH&THCS Đồng Sơn (xã Đồng Sơn): "Việc luân chuyển đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tại vùng khó"
Tôi nhận thấy, việc luân chuyển giáo viên từ các vùng trung tâm, vùng thuận lợi lên công tác tại các trường vùng cao phần nào khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tại vùng khó. Đồng thời, là cơ hội để học sinh nơi đây được tiếp cận với phương pháp dạy học mới của giáo viên ở vùng thuận lợi. Học sinh cũng được tham gia nhiều hơn các phong trào thể dục, thể thao, các hoạt động ngoài giờ thú vị. Đây cũng là cơ hội để các thầy cô chúng tôi có thể trao đổi, học hỏi thêm chuyên môn từ đồng nghiệp; cơ hội để chúng tôi cống hiến một phần sức trẻ của mình cho sự nghiệp trồng người.
Để chuẩn bị cho năm học mới này, từ sớm khi viết đơn xung phong từ Trường Tiểu học Quảng La lên Trường TH&THCS Đồng Sơn công tác, tôi đã tự nhủ phải nỗ lực cố gắng hết sức, quyết tâm vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đem những kiến thức và kinh nghiệm có được của bản thân cống hiến cho mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc và giúp các em hứng thú hơn với môn học mình phụ trách. Tôi đã tự chuẩn bị và mang theo một số vật phẩm thiết yếu với dự định tự làm một số đồ dùng dạy học đơn giản kết hợp một số phương pháp dạy học tạo hứng thú và không khí sôi nổi cho lớp học.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương, khu 3, phường Cao Thắng (TP Hạ Long): "Các con được hưởng nhiều thành quả của việc đầu tư giáo dục"
Gia đình chúng tôi có 2 con học cấp 2 và cấp 3. Trong những năm học vừa qua, các con được học ở những ngôi trường khang trang, có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Thầy cô rất nhiệt tình, có chuyên môn, tận tâm hướng dẫn giúp các con đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, trong 2 năm học liên tiếp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh cũng đã hỗ trợ 100% học phí cho học sinh ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, qua đó giúp phụ huynh giảm được một phần gánh nặng trong giai đoạn khó khăn.
Trong dịp năm học mới, tôi hy vọng các trường tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt quan tâm định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn và tổ chức ôn luyện sớm cho các kỳ thi hết cấp. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn nhà trường xây dựng thêm nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, rèn luyện kỹ năng sống để các con tự tin, phát triển toàn diện.
Em Liêu Ngọc Hân, lớp 5A1 Trường TH&THCS Vũ Oai (xã Vũ Oai): "Được chuyển về điểm trường chính là một niềm hạnh phúc rất lớn"
Em thật sự hạnh phúc khi được chuyển về học tại trường chính. Những năm học trước đây, chúng em học tại điểm trường Đồng Chùa, chỉ có 3 phòng học nhỏ và cũ nên sau các giờ học không có nhiều hoạt động để trải nghiệm. Chúng em cũng không được ăn bán trú tại trường. Mặc dù gần nhà nhưng đến mùa mưa, chúng em cũng phải lội qua những con suối mới đến được điểm trường. Nhiều khi về nhà buổi trưa, em và các bạn thường nấu mỳ tôm ăn vì bố mẹ có hôm đi làm trong rừng đến tận chiều tối. Thế nhưng hơn một năm nay, chúng em đã được chuyển về trường chính để học cùng với các bạn khác, chúng em vui lắm.
Không chỉ được học trong ngôi trường mới, khang trang, sạch sẽ, chúng em còn được rèn luyện các hoạt động văn nghệ, thể chất, được nhà trường cho xe buýt đưa đón, được ăn tại trường với những bữa cơm rất ngon lành, đầy đủ... Được ăn, nghỉ bán trú tại trường, được học 2 buổi/ngày, có sự kèm cặp thường xuyên của thầy cô nên kiến thức và kỹ năng sống của chúng em cũng tốt hơn nhiều.
Hoàng Nga - Hoàng Quỳnh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()