Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:03 (GMT +7)
TP Hạ Long: Dồn lực đầu tư cho vùng khó
Thứ 2, 22/11/2021 | 07:26:36 [GMT +7] A A
Với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hẹp sự chênh lệch giữa các địa bàn, giai đoạn 2021-2025, TP Hạ Long tiếp tục dồn mọi nguồn lực để ưu tiên cho các dự án kết nối vùng, phục vụ cho nhu cầu giao thông, phát triển sản xuất của người dân ở vùng khó.
Trong giai đoạn 2016-2019, TP Hạ Long đã bố trí trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long để thực hiện đầu tư các công trình trọng điểm như: Mở rộng và nâng cấp nút giao thông Loong Toòng; mở rộng, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo; mở rộng QL18 từ nút giao cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến cầu Bãi Cháy; cải tạo, chỉnh trang đường Nguyễn Văn Cừ; cải tạo, mở rộng tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; nâng cấp, cải tạo QL279, đường 336, 337... Những công trình kiến trúc đô thị này không chỉ là động lực phát triển KT-XH mà còn tạo điểm nhấn, nâng cao vị thế, hình ảnh của Hạ Long đối với du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2020, sau khi sáp nhập, địa giới hành chính của thành phố được mở rộng, diện tích lên tới gần 1.120m2 (tăng gấp 4 lần so với trước). Cùng với thuận lợi, TP Hạ Long cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi 12 xã ở khu vực Hoành Bồ cũ cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu. Cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng do thường xuyên bị chia cắt bởi đèo dốc, sông, suối. Để tạo điều kiện cho các địa phương này phát triển, năm 2020, TP Hạ Long đã điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó nổi bật là ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho các xã vùng cao thực hiện Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng kế hoạch vốn đầu tư trên 139 tỷ đồng.
Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm, liên các xã đã được củng cố, bê tông hóa. Đặc biệt là các tuyến đường giao thông từ thôn Khe Phương đến trung tâm xã Kỳ Thượng; mở rộng tuyến đường giao thông liên xã, thôn Khe Càn (Đồng Cầm), xã Đồng Sơn đi xã Kỳ Thượng đấu vào đường tỉnh lộ 342; hoàn thành đường đấu nối Quốc lộ 279 với đường tỉnh 342 qua trung tâm xã Đồng Lâm… Qua đó, góp phần trong kết nối các khu dân cư, tạo mạng lưới liên kết các xã vùng cao với các vùng phụ cận.
Giai đoạn 2021-2025, nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXV, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH, cuối tháng 10 vừa qua, tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố đã thống nhất phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư 13 dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công năm 2021, 2022 với tổng mức đầu tư dự kiến trên 634 tỷ đồng.
Trong 13 dự án đầu tư năm 2022 có tới 6 dự án thuộc lĩnh vực giao thông cho các xã vùng sâu, vùng xa. Cụ thể là: Đường ngầm tràn Khe Cò (thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm); sữa chữa, nâng cấp đường tràn qua suối Bằng Anh (thôn Bằng Anh, xã Tân Dân); tràn qua suối Khe Nội (thôn Khe Càn, xã Đồng Sơn); đường tràn qua suối Đồng Giang (thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương); xây dựng cầu Thủy Văn (xã Bằng Cả); xây dựng cầu qua suối Đá Lờm (xã Dân Chủ). Đây đều là những dự án phục vụ nhu cầu giao thông, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng cuộc sống của người dân bị chia cắt, cô lập khi có mưa lũ về.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách giai đoạn 2021 – 2025, thành phố dự kiến thực hiện đầu tư 139 dự án. Bao gồm 47 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và 92 dự án đầu tư mới giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn phân bổ trên 7.000 tỷ đồng. Các dự án được bố trí trên nguyên tắc tập trung hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I tại các phường thuộc Hạ Long cũ còn nợ tiêu chí; đầu tư nâng cấp xã Lê Lợi và Thống Nhất lên phường; hoàn thành trả nợ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn 10 xã còn lại…
Đồng chí Vũ Văn Diện, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, nhấn mạnh: Các dự án trong giai đoạn tới, sẽ là điểm nhấn trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của thành phố, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên thông và kết nối chặt chẽ giữa trung tâm thành phố với các xã vùng cao. Đồng thời, cũng sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư, khơi dậy các tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho các địa phương vùng cao, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, thời gian di chuyển và thu hẹp khoảng cách chênh lệch về chất lượng cuộc sống giữa các vùng miền của thành phố.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()