Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:30 (GMT +7)
Tổng thống Pháp im lặng trước kêu gọi từ chức
Thứ 3, 21/06/2022 | 14:17:00 [GMT +7] A A
Ngày 20/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị thủ tướng kêu gọi từ chức, khi ông đang rơi vào tình thế bị “trói tay” vì phe của ông để mất đa số ghế trong quốc hội.
Phe trung dung đang chịu áp lực lớn về việc phải thuyết phục các đối thủ ủng hộ để cứu vãn chương trình hành động cải cách của ông Macron. Nếu không làm được điều này, nước Pháp sẽ đối mặt với tình thế bế tắc chính trị kéo dài.
Ông Macron sẽ mời tất cả chính đảng có thể lập ra một nhóm trong quốc hội mới đến gặp vào ngày 21-22/6, một nguồn tin nắm được tình hình tiết lộ.
Để mất đa số cho liên minh “Cùng nhau” là một bước lùi đau đớn đối với ông Macron, người vừa đắc cử nhiệm kỳ 2 cách đây 2 tháng.
“Chúng ta phải nghĩ ra cách mới để vận hành ở cấp độ thể chế”, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu Clement Beaune, một đồng minh thân thiết của ông Macron, nói với truyền hình LCI.
Kết quả cuộc bầu cử ngày 19/6 giúp phe cực hữu trở nên mạnh hơn bao giờ hết và đặt phe bảo thủ vào vị trí quyết định.
“Sẽ rất phức tạp. Chúng ta phải sáng tạo”, phát ngôn viên chính phủ Olivia Gregoire nói với đài phát thanh France Inter.
Ông Macron giờ sẽ phải thành lập một liên minh rộng hơn hoặc chấp nhận lãnh đạo một chính phủ thiểu số rồi sẽ phải đàm phán với các đảng đối lập cho từng dự luật một. Cơ hội duy nhất của ông là các nhóm đối lập tự quay lưng với nhau.
Liên minh cánh tả Nupes của Jean-Luc Melenchon và Marine Le Pen hứa sẽ săn đón ông Macron và chính phủ quyết liệt trong quốc hội.
Một câu hỏi chủ chốt vào lúc này là liệu ông Macron có thể liên minh với đảng bảo thủ Les Republicains (LR) hay chấp nhận một chính phủ thiểu số.
Christian Jacob - lãnh đạo Les Republicains – tuyên bố đảng này sẽ duy trì vị thế đối lập. Tuy nhiên, một số thành viên trong đảng cho rằng nên hợp tác với chính phủ để giải quyết thế bế tắc.
Ông Macron đến nay vẫn chưa có phát biểu nào về kết quả bầu cử, và phe đối lập đang thúc giục ông phá vỡ im lặng.
Dù kết quả bầu cử cuối tuần qua trở thành đòn giáng đau đớn đối với vị tổng thống 44 tuổi, người vừa mới trở thành tổng thống Pháp đầu tiên trong 2 thập kỷ đắc cử nhiệm kỳ 2, nhưng thị trường tài chính không phản ứng tiêu cực. Giá euro và chứng khoán ít chịu tác động, còn trái phiếu Pháp chịu thêm một chút áp lực trong ngày 20/6.
“Hy vọng mà các nhà giao dịch ngoại hối đặt vào ông Macron hồi năm 2017 đã không còn, vì thế chiến thắng hay thất bại lần này không tác động lớn đến tỷ giá hối đoái của đồng euro nữa”, nhà phân tích Ulrich Leuchtmann của Commerzbank, nhận xét.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()