Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:41 (GMT +7)
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%
Thứ 2, 06/01/2025 | 14:12:41 [GMT +7] A A
Theo báo cáo mới nhất Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, đạt mục tiêu đề ra.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì đà tăng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 12 năm 2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%). So với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 31,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,8%.
Về các chỉ số cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,0% tổng mức và tăng 8,3% so với năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2024 ước đạt 733,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,9% so với năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành năm 2024 ước đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 16,0% so với năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tăng cường thu hút khách trong nước và quốc tế.
Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 vẫn đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên nếu so với con số tăng trưởng 9,6% của năm 2023, con số này đang giảm. Lý giải điều này, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết, năm nay, yếu tố tác động mạnh nhất đến tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu du lịch lữ hành. Tuy nhiên, 2 chỉ số này chỉ chiếm khoảng hơn 12% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá chiếm đến 77,1% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thì chỉ tăng 8,3%. Đây là chỉ số quan trọng vì liên quan đến đầu ra hàng hoá của doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời, là thước đo thu nhập, tiêu dùng của người dân, thì có mức tăng khá khiêm tốn. Điều này cho thấy người dân vẫn có tâm lý thắt chặt chi tiêu trong một năm kinh tế được đánh giá là còn nhiều khó khăn.
Chuẩn bị sẵn sàng hàng hoá cho dịp Tết Nguyên đán
Hiện nay chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán – dịp người dân sẽ dành số tiền lớn để mua sắm hàng hoá phục vụ Tết. Doanh thu của dịp Tết cũng sẽ đóng góp tích cực cho tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025. Do đó, Bộ Công Thương và các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo hàng hoá tiêu dùng dịp này.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 10694/BCT-TTTN về công tác bảo đảm hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, từ ngày 8/1 đến 17/1/2025, đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ làm việc với Sở Công Thương TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng để đánh giá và thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán 2025.
Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm nắm bắt tình hình nguồn cung hàng hoá Tết tại các địa phương lớn. Theo kế hoạch, nội dung làm việc của Bộ Công Thương với các địa phương gồm: Đánh giá tình hình thị trường cung - cầu, giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết. Nắm bắt công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại địa phương (công tác dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, bán hàng phục vụ Tết, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp - khu chế xuất...). Kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận…
Về phía các địa phương, theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm hơn 8.000 tỷ đồng. Tổng sản lượng hàng hóa thiết yếu do các doanh nghiệp chuẩn bị chiếm từ 25% đến 43% thị phần. Dự kiến, bình quân mỗi tháng (tháng trước và sau Tết), các doanh nghiệp sẽ cung ứng khoảng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau, củ, quả, 200 tấn thủy, hải sản…
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối luôn có sẵn phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ... Về giá cả, các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì mức giá thấp hơn ít nhất 5% so với giá bình quân trên thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng; đồng thời, chương trình bình ổn thị trường cũng không điều chỉnh tăng giá trong một tháng trước và sau Tết.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã dự trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn…
Đặc biệt, Sở Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; tổ chức các chợ hoa xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đối với các doanh nghiệp, theo đại diện siêu thị Winmart, để chuẩn bị cho mùa cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của khách hàng, chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WiN đã liên tục chủ động tuyển dụng thêm nhân sự tại các vị trí như thu ngân, nhân viên bán hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng, đặc biệt là trong dịp lễ. Về mặt vận hành, để đảm bảo hàng hóa luôn sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.
Hệ thống này cũng đã áp dụng AI vào hệ thống quản lý hàng hóa/ vận chuyển để tối ưu hóa quy trình nhập – xuất – tồn, giảm thiểu lãng phí, đảm bảo nguồn cung liên tục và vận chuyển hàng hóa tới siêu thị, cửa hàng. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống WinMart/WinMart+/WiN đã triển khai các phương thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm quét mã QR tích hợp với các ngân hàng, giúp khách hàng mua sắm tiện lợi và dễ dàng hơn.
Về thời gian hoạt động phục vụ khách hàng dịp Tết, toàn hệ thống sẽ hoạt động đến 12h trưa ngày 29 Tết và mở bán lại từ ngày mùng 4 Tết. Hệ thống WinMart/WinMart+/WiN cũng điều chỉnh giờ mở cửa linh hoạt để phù hợp với nhu cầu mua sắm của từng khu vực và từng mô hình cửa hàng. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tại cửa hàng và mua sắm online, chúng tôi đã triển khai hình thức mua sắm qua website https://winmart.vn/ để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tiện lợi, cũng như triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với các mã giảm giá dành riêng cho khách hàng mua sắm online để kích cầu tiêu dùng.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()