Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:37 (GMT +7)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp
Thứ 6, 17/05/2024 | 16:06:00 [GMT +7] A A
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Qua 12 năm thi hành Luật Giám định tư pháp và 5 năm triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã góp phần tạo bước tiến quan trọng cho sự phát triển của công tác giám định tư pháp cả về tổ chức hệ thống, đội ngũ lực lượng người giám định tư pháp và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan tố tụng và cấp ủy, chính quyền địa phương trong giám định tư pháp ngày càng được quan tâm, chú trọng. Chất lượng hoạt động trưng cầu và thực hiện giám định được nâng cao. Kết quả của hoạt động giám định tư pháp đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết đúng đắn các vụ án, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Từ năm 2018 đến nay, đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quy định về quy trình giám định; 14 bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn về điều kiện cơ sở vật chất của tổ chức giám định, thành phần, lưu trữ hồ sơ giám định ở các lĩnh vực. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp được quan tâm triển khai tại Trung ương và địa phương.
Cả nước hiện có 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc là 7.135 người và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc. Từ năm 2018 đến 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.615 vụ việc.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật giám định tư pháp và Đề án còn một số hạn chế và khó khăn, vướng mắc nhất định trong thực tiễn hoạt động trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp; khó khăn trong xây dựng, phát triển lực lượng làm công tác giám định; cơ sở vật chất, trang thiết bị ở hầu hết các đơn vị pháp y trong toàn quốc còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và chức năng nhiệm vụ được giao...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm liên quan đến những kết quả đạt được, bất cập và bài học kinh nghiệm trong quá trình thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Việc tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án kể từ khi được ban hành đến nay sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật và tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, trong đó có liên quan một số nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng, hiệu quả trưng cầu và thực hiện giám định.
A Năm-Đức Phong
Liên kết website
Ý kiến ()