Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:35 (GMT +7)
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: "Đổi mới và Đa dạng" - Cơ hội của nghề báo phát thanh
Thứ 7, 20/06/2020 | 10:05:46 [GMT +7] A A
“Đổi mới và Đa dạng” là thông điệp mạnh mẽ để khuyến nghị, thậm chí là để cảnh tỉnh một số nhà báo không tự tìm tòi đổi mới cách tiếp cận thông tin.
Liên hoan Phát thanh (LHPT) toàn quốc lần thứ 14 là sự kiện văn hóa quan trọng để những người làm phát thanh cả nước nâng tầm nghiệp vụ. Chủ đề của LHPT lần này là “Đổi mới và Đa dạng”, đổi mới và đa dạng cả cách thức sản xuất và phân phối nội dung. Đó là xu thế tất yếu của báo chí trong đó có phát thanh.
Nhân sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã dành cho Báo Tiếng nói Việt Nam cuộc trò chuyện về các vấn đề vừa nêu.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. |
PV: Thưa ông, LHPT toàn quốc năm nay được tổ chức vào cuối tháng 6 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hẳn phải có lý do đặc biệt?
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ: Cứ hai năm một lần, những người làm báo phát thanh trong cả nước lại gặp nhau ở LHPT toàn quốc. Mấy lần gần đây được tổ chức ở Đà Lạt (Lâm Đồng), rồi Nha Trang (Khánh Hòa), Vinh (Nghệ An). LHPT toàn quốc lần thứ 14 được tổ chức từ ngày 24-27/6/2020 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Về thời điểm tổ chức có chút thay đổi, dự kiến ban đầu là tháng 5 như các kỳ trước, nhưng do dịch Covid-19 nên LHPT lùi lại gần 2 tháng. Đây là lý do khách quan, bất khả kháng, nhưng điều đó không làm giảm đi sự háo hức của những người làm phát thanh trong cả nước. Covid-19 là mảng đề tài nóng bỏng có tính toàn cầu đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong LHPT lần này.
LHPT lần thứ 14 được tổ chức trong không khí giới báo chí cùng xã hội long trọng kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Về địa điểm, mảnh đất lịch sử này, năm 1911 từng chứng kiến cuộc chia ly đầy xúc động của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành với người cha thân yêu là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Sau đó, Nguyễn Tất Thành sang Pháp và bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm con đường cứu nước, cứu dân, còn người cha yêu dấu của anh qua đời và nằm lại giữa ngàn sen Đồng Tháp.
PV: Trên đây, ông nhắc đến đại dịch Covid-19. Đây là mảng đề tài rất nóng thời gian qua và đến giờ vẫn nóng. Sức nóng ấy có thể cảm nhận được trong các tác phẩm tham gia LHPT lần này?
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ: Đây là đề tài không thể vắng mặt trong LHPT toàn quốc lần này. Nhân đây tôi cũng xin lưu ý, trong kỳ LHPT trước, chúng ta nói nhiều đến thách thức của phát thanh cũng như các loại hình báo chí khác trước sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, báo chí chính thống trong đó có phát thanh đã giành lại vị trí xứng đáng vốn có trong lòng công chúng. Mọi người đều nghe đài phát thanh, xem truyền hình, đọc những tờ báo có tên tuổi để có được những thông tin kịp thời và đúng đắn. Thậm chí những tín đồ của mạng xã hội cũng phải tìm đến với báo chí chính thống để có chỗ dựa về tinh thần.
Có thể nói, trong đại dịch vừa qua, báo chí chính thống đã làm rất tốt vai trò thông tin và định hướng dư luận tạo niềm tin cho xã hội. Dĩ nhiên trong đó có vai trò của phát thanh. Ngay hệ thống truyền thanh cơ sở một lần nữa cho thấy vai trò không thể phủ nhận. Hệ thống loa phường, xã liên tục phát đi những thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, của các đài phát thanh địa phương. Hệ thống truyền thanh cơ sở cũng liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương, góp phần rất thiết thực trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong cuộc sống thường nhật cũng như khi thiên tai địch họa, phát thanh luôn là loại hình báo chí bám sát thực tiễn cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội của loại hình phát thanh qua mỗi kỳ Liên hoan?
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ: Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về cơ hội của phát thanh. Nhận định của tôi, cũng là nhận định của các thế hệ đi trước, qua các kỳ liên hoan càng được chứng minh. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, loại hình báo nói (phát thanh) có từ rất sớm, phát triển mạnh mẽ và chưa bao giờ bị mai một. Phương thức sản xuất nội dung, cách thức chuyển tải nội dung có thể thay đổi và trên thực tế đang thay đổi nhanh chóng để thích ứng với sự vận động của đời sống xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của LHPT kỳ này là “Đổi mới và Đa dạng”. Đây là thông điệp mạnh mẽ để khuyến nghị, thậm chí là để cảnh tỉnh một số nhà báo không tự tìm tòi đổi mới cách tiếp cận thông tin, thể hiện sản phẩm; một cơ quan báo chí không tự học hỏi và đa dạng phương thức phân phối nội dung, không tự đổi mới mô hình quản trị, nhà báo đó, cơ quan báo chí đó sẽ nếm mùi thất bại.
LHPT toàn quốc là nơi để những người làm phát thanh gặp nhau, lựa chọn những tác phẩm tốt được sản xuất trong hai năm qua để dự thi. Các nhà báo xuất sắc có tác phẩm tốt sẽ được trao giải, được vinh danh. Qua Liên hoan, những người làm phát thanh cả nước có được góc nhìn tương đối rõ và bao quát về trình độ chuyên môn của các đơn vị, từ Đài Phát thanh quốc gia cho đến các đài địa phương. Sau mỗi kỳ Liên hoan, những đơn vị, những nhà báo khá, giỏi tiếp tục cố gắng hơn nữa; những đơn vị và những nhà báo còn hạn chế, non yếu sẽ nhìn lại mình kỹ hơn, học tập đồng nghiệp để sửa đổi, sáng tạo, vươn lên.
Thực tế những kỳ LHPT toàn quốc đã được tổ chức thành công cho thấy chúng ta đã có những bước tiến đáng kể về nghề nghiệp. Nếu bạn nghe một tác phẩm, một chương trình phát thanh trực tiếp, bạn có thể thấy rất rõ điều này. Hơi thở cuộc sống tràn đầy trên sóng phát thanh. Các studio dường như mở thông với nhịp đập xã hội. Những thủ pháp nghề nghiệp phát thanh đã đưa đến cho công chúng những bữa tiệc âm thanh tươi mới, hấp dẫn. Các phóng sự điều tra thì tiếp cận, lý giải, làm rõ mọi góc sáng tối của cuộc sống. Giá trị cốt lõi của nghề báo - đưa sự thật một cách chính xác, trách nhiệm, kịp thời - luôn hiển hiện trong các tác phẩm của mỗi kỳ liên hoan.
PV: Ông có nhắc đến giá trị cốt lõi của nghề báo trong đó có phát thanh, để không xa rời giá trị cốt lõi ấy, người làm báo phải làm gì?
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ: Phải dấn thân, phải có bản lĩnh, phải luôn sáng tạo và nêu cao trách nhiệm. Bất cứ tác phẩm báo chí nào cũng phải đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp. Người làm báo cần có tài nhưng phải có đức; có năng lực chuyên môn nhưng cũng phải có trách nhiệm đối với ngòi bút, cánh sóng của mình để khi đưa thông tin, công chúng thấy được những thông tin đó chính xác, bổ ích, hấp dẫn và thiết thực, làm cho cái tốt ngày càng tốt lên, cái xấu bị phê phán, bị đẩy lùi.
Tôi thấy tuyệt đại bộ phận những người làm báo, trong đó có phát thanh, đều tốt, đều đề cao chân - thiện - mỹ nhưng cơ chế thị trường, nhất là mặt trái của nó, cũng làm cho một số nhà báo, kể cả ở Trung ương và địa phương có những chuyển dịch hay nghiêng ngả, thậm chí sai phạm và vi phạm pháp luật. Các cơ quan báo chí từ tổ chức Đảng, chuyên môn, đến liên chi hội nhà báo, các chi hội nhà báo, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phải quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ, giáo dục anh em để họ luôn luôn trau dồi ba điều: năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Ba điều này phải luôn song hành, hỗ trợ cho nhau.
Radio luôn là loại hình báo chí có thể đưa tin nhanh nhất với phương tiện đơn giản nhất trong điều kiện tác nghiệp khó khăn nhất. |
PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, cần làm gì để phát huy được những lợi thế của phát thanh?
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ: Báo chí, truyền thông hiện nay có rất nhiều thay đổi. Công chúng tiếp cận thông tin qua nhiều loại hình báo chí, từ truyền thống như báo in, radio, TV đến các loại hình báo chí trên nền tảng internet. Công chúng lựa chọn loại hình thông tin trên cơ sở điều kiện tiếp cận và thói quen. Về cơ bản, đến nay vẫn tồn tại các loại hình báo chí là báo in, radio, TV và báo điện tử. Báo điện tử đương nhiên gắn liền với internet. Và các loại hình báo chí truyền thống ngoài phương thức chuyển tải nội dung đặc thù cũng phân phối nội dung trên nền tảng internet. Cùng với đó là mạng xã hội trên nền tảng internet - một loại hình truyền thông được coi là không chính thống.
Trước hết phải kể đến sự cạnh tranh của các loại hình báo chí chính thống với mạng xã hội. Thông tin trên mạng xã hội có lợi thế là nhanh, rất nhanh, nhưng lại không được kiểm chứng, vì thế độ tin cậy không cao. Ngoài ra thông tin trên mạng xã hội đầy cảm tính, thể hiện góc nhìn của từng cá nhân, vì thế thiếu khách quan và nhiều khi bị méo mó. Báo chí chính thống dựa trên nguyên tắc cốt lõi là sự thật, sự thật có ích, sự thật được kiểm chứng, có độ tin cậy cao. Báo chí chính thống cũng có nguyên tắc tiếp cận khách quan đại diện cho quan điểm của bản báo. Đó là những lợi thế cơ bản. Trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra, báo chí chính thống đã khẳng định vị thế dẫn dắt của mình.
Còn trong cuộc cạnh tranh giữa các loại hình báo chí, các cơ quan báo chí chính thống với nhau thì tôi nghĩ mỗi cơ quan, mỗi loại hình có lợi thế riêng. Radio vẫn luôn là loại hình báo chí có thể đưa tin nhanh nhất với phương tiện đơn giản nhất trong điều kiện tác nghiệp khó khăn nhất. Để tồn tại và phát triển, những người làm báo phát thanh phải bám vào những lợi thế so sánh ấy. Cùng với đó, những người làm báo phát thanh phải tận dụng lợi thế của truyền hình, máy quay phim, của internet để phân phối nội dung, tương tác với công chúng. Nhiều chương trình phát thanh cùng với việc phát sóng đã livestream để gia tăng giá trị nội dung, có fanpage để tương tác với thính giả. Đó là việc cần thiết phải làm, phải tiếp tục đổi mới để tồn tại và phát triển trong một xã hội hiện đại, công chúng tiếp cận thông tin qua thiết bị di động cá nhân. Nhưng cần nhớ là không được xa rời đặc thù của phát thanh, đó là hiệu ứng âm thanh. Âm thanh sống động của cuộc sống có thể tạo nên hiệu ứng lôi cuốn và thuyết phục công chúng.
Báo chí truyền thông hiện đang phát triển nhanh, mạnh và có tính cạnh tranh cao. Thông tin phát thanh thuộc phân khúc nhanh và có sự cạnh tranh gay gắt. Những người làm báo phát thanh không được xa rời giá trị cốt lõi, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng phương thức chuyển tải sẽ luôn có cơ hội phát triển, có vị trí xứng đáng trong lòng công chúng. Chỉ có những người làm phát thanh không ý thức được điều này để nâng vị thế của ngành mình, của loại hình báo phát thanh lên thì mới làm cho nó bị xem nhẹ hay bị mai một.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()