Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Tổng chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 lên tiếng về việc dạy âm, vần
Thứ 5, 24/02/2022 | 18:10:02 [GMT +7] A A
Trước những ý kiến băn khoăn của dư luận xung quanh việc dạy âm, vần trong sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên cuốn sách đã lên tiếng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã có phản hồi với báo chí sau khi dư luận xôn xao về việc các âm “P”, “Q” và một số vần khó không được dạy thành các bài độc lập trong sách giáo khoa.
Ông Hùng khẳng định tất cả các sách giáo khoa đều phải đạt được mục tiêu học sinh biết đọc, biết viết sau khi học xong, tuy nhiên các sách khác nhau có thể có những cách khác nhau.
Ông Hùng cho rằng cần phân biệt chữ cái “P” và âm “P”. Về chữ cái, bảng chữ cái trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trang 12, tập một) theo đúng quy định, trong đó có chữ cái “P”. Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen… “Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ “P” là hoàn toàn không có cơ sở,” ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, trong tiếng Việt, âm “P” xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết, trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. Trường hợp âm “P” ở cuối âm tiết, ông Hùng cho rằng qua các loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124)… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) cho thấy sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có dạy âm “P” và dạy nhiều.
Trường hợp âm “P” là âm đầu các bộ sách có thể có những cách dạy khác nhau. Cách thứ nhất là dạy âm đầu “P” trong bài dạy âm “PH”. Trước khi học âm “PH, các em được luyện đọc âm “P”, chứ không học âm “P” riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu “P”.
Cách thứ hai là dạy âm P riêng và đưa những từ ứng dụng như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ.
“Chúng tôi chọn cách thứ nhất. Đây cũng là cách quen thuộc ở các nhà trường trong nhiều năm qua,” ông Hùng nói.
Giải thích về lựa chọn này, ông Hùng cho hay âm “P” và “PH” đều được học trong phần âm, ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm “P” riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,….. Không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì,… vì hai lý do: học sinh chưa được học âm “S” (trong Sa Pa) và vần “ÂM” (trong Nậm Pì) và thông thường tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Theo ông Hùng, học sinh mới chỉ được học 5 – 6 tuần mà phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,…. là không phù hợp vì không quen thuộc.
Về việc các vần khó không được dạy thành bài riêng, ông Hùng cho rằng đây là những vần hiếm gặp nên luôn được bố trí dạy sau các vần đơn giản và thông dụng.
Tổng chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho rằng việc dạy các vần này thành các bài riêng sẽ tốn thời gian và không hiệu quả bằng cài vào các bài đọc, giới thiệu các vần khó với học sinh thông qua các bài đọc với các từ ngữ cụ thể./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()