Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:25 (GMT +7)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với phong trào cách mạng Khu mỏ
Chủ nhật, 10/07/2022 | 08:17:21 [GMT +7] A A
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc và trẻ tuổi nhất của Đảng ta - Tổng Bí thư của Đảng ta từ năm 1938 đến năm 1940, một người cộng sản kiên cường và trong sáng. Với 29 tuổi đời, đồng chí đã cống hiến 13 năm cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Phần lớn những năm đầu tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã dành thời gian cho phong trào cách mạng ở khu mỏ Quảng Ninh.
Quảng Ninh là một trong những chiếc nôi ra đời sớm nhất của giai cấp công nhân Việt Nam. Dưới sự áp bức, bóc lột tàn khốc của bọn tư bản Pháp xâm lược đã hun đúc tinh thần đấu tranh cách mạng quật cường của các giai tầng ở khu mỏ. Chính sự tàn bạo của bọn thực dân chủ mỏ đã chuẩn bị đất để gieo những hạt giống cách mạng trên vùng đất này. Do vậy, Khu mỏ là một trọng điểm chú ý của những chiến sĩ cộng sản cách mạng lớp đầu tiên. Quảng Ninh vinh dự được là một trong 3 nơi mà lúc sinh thời đồng chí Nguyễn Văn Cừ dành nhiều thời gian sống và hoạt động cách mạng nhất.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia hoạt động cách mạng là đến ngay Quảng Ninh thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí là người đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, từ đó phát triển các tổ chức cách mạng ở khu mỏ.
Khoảng cuối năm 1928, với bí danh là Phùng, Nguyễn Văn Cừ đã đến mỏ Vàng Danh. Đây là nơi công nhân bị bóc lột vô cùng tàn bạo, cũng là nơi có bệnh sốt rét nặng nề, thợ mỏ lại chưa giác ngộ, phong trào đấu tranh chưa có. Thời kỳ này là thời kỳ đồng chí Phùng làm việc căng thẳng nhất: điều tra tình hình nhằm tìm ra những công nhân tích cực nhất để bồi dưỡng họ, tổ chức các cơ sở công nhân, mở các lớp học chính trị. Đồng chí đã sống với anh em công nhân trong những nhà ổ chuột, bị muỗi rừng thi nhau hút máu trên cơ thể gầy guộc của người thợ. Và đồng chí cùng làm việc nặng nhọc với người công nhân trong hầm mỏ tăm tối, nghẹt thở nên càng thấu hiểu tội ác mà bọn thực dân chủ mỏ gây ra cho người công nhân, Nguyễn Văn Cừ càng thấy phải có trách nhiệm với phong trào cách mạng ở nơi đây. Sau một thời gian, qua quá trình vận động, tuyên truyền, giáo dục và thử thách, Nguyễn Văn Cừ đã lựa chọn được một số công nhân mỏ hăng hái, nhiệt tình để thành lập được một chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và một số công nhân tích cực tham gia Công hội.
Sau một thời gian gây dựng được cơ sở công nhân tương đối vững tại Vàng Danh, tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Đông Dương Cộng sản Đảng phái về Mạo Khê để trực tiếp tham gia phong trào công nhân mỏ và xây dựng cơ sở cách mạng. Về Mạo Khê, Nguyễn Văn Cừ lấy bí danh là Phùng Ngọc Tường, đóng vai làm phu gánh than cho người cai lò là hội viên Công hội đỏ. Anh cùng ở với một số thợ lò trong căn lều tranh ẩn mình giữa đồi sắn rộng. Chính tại đây, nhiều đêm Phùng Ngọc Tường đã hội họp cùng anh em cán bộ cốt cán của khu mỏ Mạo Khê. Ngoài ra, anh còn thiết lập hộp thư bí mật ở chùa Non Đông, một địa điểm cách trung tâm mỏ không xa, nhưng kín đáo, thuận tiện cho việc hội họp.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Văn Cừ, phong trào cách mạng ở Mạo Khê từng bước được củng cố và phát triển vững chắc. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1929, mỏ Mạo Khê tổ chức rất chu đáo, rầm rộ và gây được tiếng vang lớn. Chiều ngày 7/11/1929, trong khi một số đồng chí đi treo cờ đỏ búa liềm trên cột điện giữa phố, đồng chí Bùi Văn Mạo - công nhân lái tàu, đã lái chiếc đầu tàu số 4 có cắm cờ đỏ chạy đi chạy lại từ nhà ga ra tận cảng Bến Cân, trước sự chứng kiến của thợ mỏ lúc tan tầm. Ở một khu vực khác, khi anh em thợ lò Hạ Chiểu bắt đầu đi làm qua phố Mạo Khê, hai đồng chí Đinh Tiến Toán và đồng chí Khoáng đóng giả phu cuốc lò, đem truyền đơn rải trước cổng nhà máy cơ khí, cửa lò và những nơi thợ hay ngồi nghỉ. Đây là lần đầu tiên Mạo Khê tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga nhưng phong trào đã có tầm ảnh hưởng lan rộng, không chỉ trong giai cấp công nhân mà cả quần chúng lao động.
Cùng thời gian chỉ đạo cách mạng ở Mạo Khê, đầu tháng 11/1929, anh Phùng đến Cẩm Phả - Cửa Ông để trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, bàn kế hoạch với các đồng chí ở đó để phát động phong trào. Tại đây, vào đêm mồng 6 rạng ngày 7/11/1929, đồng chí Ngô Huy Tăng đã bí mật treo lá cờ đỏ búa liềm trên cần trục Poóc tích số 1 bến cảng Cửa Ông, trước sự hân hoan chào đón và niềm kiêu hãnh của quần chúng lao động và sự kinh hoàng, tức tối của bọn thực dân Pháp và lũ tay sai.
Vùng mỏ đã dần dần xây dựng được nhiều cơ sở, các Công hội đỏ cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Công hội đỏ địa phương, bầu Ban chấp hành chính thức của Tổng Công hội Bắc Kỳ. Từ đó, các phong trào cách mạng ở khu mỏ hoạt động nề nếp, có tổ chức.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, vào ngày 23/2/1930, tại một căn nhà đơn sơ, hẻo lánh cạnh xóm thợ (nay là phố Dân Chủ, phường Mạo Khê), trước sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên và tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của vùng mỏ. Chi bộ gồm có 5 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Bùi Đức Giao, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư. Việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê đã mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân mỏ - đấu tranh có tổ chức, có kỷ luật. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên được tổ chức theo đúng thủ tục, nguyên tắc Điều lệ của Đảng sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với sự hoạt động tích cực, năng nổ và sự giúp đỡ có hiệu quả của Nguyễn Văn Cừ, từ cuối tháng 2 đến tháng 4/1930, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí, Vành Danh cũng lần lượt ra đời. Lần đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ bước vào thời kỳ mới, sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, bắt nhịp với phong trào đấu tranh cách mạng sâu rộng trong cả nước.
Mặc dù thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở khu mỏ Quảng Ninh không dài, nhưng những đóng góp to lớn của đồng chí đã có tính quyết định đến phong trào cách mạng của vùng mỏ, đặt biệt là vai trò của đồng chí trong sự chỉ đạo hình thành tổ chức cơ sở đảng đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh đầu năm 1930, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển thành Đảng bộ Đặc khu mỏ vào tháng 10/1930.
Những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng tại Khu mỏ sẽ mãi được khắc ghi trong tâm trí của đảng viên, cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh những thế hệ sau này. Noi gương cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các thế hệ đảng viên đang công tác tại tỉnh Quảng Ninh cần cố gắng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng vùng mỏ ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Ths Ngô Thị Ninh Dung, Giảng viên Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Liên kết website
Ý kiến ()