Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:28 (GMT +7)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Thứ 7, 09/07/2022 | 14:55:18 [GMT +7] A A
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 tại thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chúng ta cùng ôn lại những đóng góp lớn lao của đồng chí đối với Vùng mỏ Quảng Ninh.
"Vô sản hóa” cho công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh
Cuối năm 1928, với bí danh là Phùng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử đi “vô sản hóa” ở mỏ Vàng Danh - nơi nổi tiếng rừng thiêng nước độc và cũng là nơi phong trào công nhân hầu như chưa được tổ chức tập hợp giác ngộ, tuyên truyền. Những ngày lao động ở mỏ đã giúp đồng chí thấy rõ hơn sự áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn chủ mỏ, thông cảm và cùng chia sẻ với cuộc sống cực nhọc của người công nhân mỏ.
Thông qua câu chuyện hằng ngày, từ chuyện gia đình đến chuyện xã hội, từ chuyện làm ăn sinh sống đến đấu tranh với giới chủ để đòi quyền lợi, từ chuyện các anh hùng yêu nước, đến chuyện con đường đấu tranh cứu nước, cứu nhà… đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã khéo léo đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào cuộc sống của công nhân mỏ. Nhờ vậy, đã góp phần giáo dục, giác ngộ, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức chính trị của giai cấp công nhân, thúc đẩy phong trào công nhân phát triển.
Thành lập các tổ chức đảng ở Vùng mỏ Quảng Ninh
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân sự kiện thành lập Đảng, được sự chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số cán bộ cốt cán ở Mạo Khê đã tổ chức thành lập chi bộ. Cuối tháng 2/1930, tại một căn nhà nhỏ cạnh xóm thợ phía nam mỏ (nay thuộc khu Dân Chủ, phường Mạo Khê) đã diễn ra Hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của khu mỏ Mạo Khê. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Khu mỏ Quảng Ninh. Sự ra đời của chi bộ đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong phong trào công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh.
Thành lập xong chi bộ Mạo Khê, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công đi nhận nhiệm vụ mới. Trong vai trò phái viên của Đảng tại Vùng mỏ, đồng chí đến hoạt động tại nhiều nơi, khi thì về Uông Bí, khi ra Hòn Gai, Hà Tu, Cẩm Phả, Cửa Ông…, hầu như các mỏ than vùng Đông Bắc chỗ nào cũng in dấu chân đồng chí. Với sự hoạt động tích cực, năng nổ và sự giúp đỡ có hiệu quả của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, từ cuối tháng 2 đến tháng 4/1930, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở các mỏ Uông Bí, Vàng Danh, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và các tổ chức cơ sở đảng, để thực hiện sự chỉ đạo thống nhất đối với phong trào, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đề xuất với cấp trên cơ cấu lại tổ chức đảng ở khu mỏ Quảng Ninh, thành lập cấp bộ Đặc khu ủy mỏ. Sau Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, Xứ ủy Bắc Kỳ đã triệu tập hội nghị, quyết định thành lập Đặc khu ủy mỏ và chỉ định đồng chí Vũ Văn Hiếu làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm đại diện của Xứ ủy tại Đặc khu ủy mỏ, trực tiếp truyền đạt các chỉ thị của Xứ ủy đến Đặc khu mỏ và giúp đỡ Đặc khu ủy mỏ chỉ đạo phong trào cách mạng.
Góp phần thúc đẩy phong trào công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh
Nhờ được giác ngộ cách mạng thông qua chủ trương “vô sản hóa” nên những người công nhân đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh. Điển hình, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1929), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, mỏ Mạo Khê tổ chức rất chu đáo, rầm rộ và gây được tiếng vang lớn.
Trong khi một số đồng chí đi treo cờ đỏ búa liềm trên cột điện giữa phố, đồng chí Bùi Văn Mạo - công nhân lái tàu đã lái chiếc đầu tàu số 4 có cắm cờ đỏ chạy đi chạy lại từ nhà ga ra tận cảng Bến Cân trước sự chứng kiến của thợ mỏ lúc tan tầm. Ở một khu vực khác, khi anh em thợ lò Hạ Chiều bắt đầu đi làm qua phố Mạo Khê, hai đồng chí Đinh Tiến Toán và đồng chí Khoáng đóng giả phu cuốc lò đem truyền đơn rải trước cổng nhà máy cơ khí, cửa lò và những nơi thợ hay ngồi nghỉ.
Sau khi thành lập các chi bộ đảng và Đặc khu ủy mỏ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, phong trào đấu tranh của công nhân Vùng mỏ bước vào thời kỳ mới, sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, hòa nhịp với cao trào đấu tranh cách mạng của cả nước. Hàng loạt cuộc bãi công liên tiếp nổ ra trên đất mỏ, mở đầu là cuộc đấu tranh của nhà sàng Cửa Ông (ngày 8/4/1930). Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi cùng với hàng trăm công nhân nhà máy sàng Cửa Ông kéo đến văn phòng của viên đốc công, uy hiếp và đưa yêu sách.
Cũng trong tháng 4/1930, chi bộ Cẩm Phả - Cửa Ông còn cho rải truyền đơn ở nhiều nơi trong nhà máy, trên tầng than và các đường phố đông người để phản đối thực dân Pháp tàn sát các chiến sĩ yêu nước tham gia vụ bạo động Yên Bái. Tại Hòn Gai, chị em tiểu thương bãi thị giảm thuế môn bài, công nhân ở nhiều mỏ khác cũng nhất loạt đấu tranh đòi tăng lương, chống đánh đập, giảm giờ làm…
Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930) ở Hòn Gai, nhiều hoạt động đã được tổ chức. Cờ đỏ búa liềm phấp phới bay trên đỉnh núi Bài Thơ; tại mỏ Hà Tu băng rôn, khẩu hiệu được công nhân treo trên các tầng lò, truyền đơn rải đầy trên đường phố; ở Cẩm Phả công nhân còn phá cả một đoạn đường sắt từ mỏ ra bến Cửa Ông và cắm cờ đỏ búa liềm ở các đống than trên tầng.
Tự hào là ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, trong suốt thời gian qua, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ luôn nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu đạt trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2023. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động để tri ân, tưởng nhớ đồng chí.
Điển hình như tổ chức hội thảo khoa học cấp trường “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Tấm gương sáng mãi”; triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở “Vận dụng tác phẩm Tự chỉ trích vào giảng dạy một số học phần trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị của khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ”; sinh hoạt chuyên đề “Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Tự chỉ trích của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ”.
Tri ân, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam nói chung, cho Vùng mỏ Quảng Ninh nói riêng là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, lý tưởng, đạo đức và lối sống trong sáng, giản dị cho tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguyễn Thị Nhị (Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()