Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:33 (GMT +7)
Tôn tạo, tu bổ đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn
Chủ nhật, 21/07/2024 | 08:28:45 [GMT +7] A A
TP Hạ Long đang triển khai dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai). Dự án được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. Việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc.
Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu ruột vua Trần Thái Tông. Năm 1282, ông kết hôn với công chúa Thiên Thụy, trở thành Phò mã của vua Trần Thánh Tông. Ông là vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn, một người con tận hiếu, bề tôi tận trung.
Đánh giá về Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, PGS.TS. Trần Lâm Biền, Tổng Biên tập Tạp chí Di sản văn hóa, Ủy viên BCH Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, ngài đã dẫn quân truy kích bắn chết tướng giặc Lý Quán. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, ngài và các tướng lĩnh khác dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã chống trả quân giặc lập nhiều chiến công. Tương truyền, ngài cũng tham gia chiến trận Bạch Đằng. Năm 1289, ngài được phong là Khai Quốc công. Địa điểm của đền được coi là mảnh đất thiêng nên dần dần một ngôi chùa và một điện thờ mẫu tứ phủ cũng được xây dựng trong khuôn viên.
Theo sử sách, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đền trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nằm trong Cụm di tích núi Bài Thơ - chùa Long Tiên được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia năm 1992. Hiện nay, đền đang được tu bổ, tôn tạo dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc. Giải pháp đề ra chủ yếu là chỉnh trang sân vườn, quy hoạch các hạng mục, làm đẹp thêm, thích ứng với điều kiện sử dụng và việc mở rộng khuôn viên di tích, giữ nguyên hướng chính. Đồng thời, quy hoạch lại các hạng mục cho đăng đối và hài hòa theo mặt bằng truyền thống của một ngôi đền.
Sau khi mở rộng khuôn viên, khu di tích sẽ có 5 cấp sân. Cấp sân thứ nhất là sân lễ hội nối liền với sân đường giao thông khu quảng trường, khu ban quản lý và khu dịch vụ, bãi đỗ xe, hạng mục nghi môn ngoại, tôn tạo tại vị trí hiện trạng đặt tại cấp sân này. Cấp sân thứ hai cao hơn cấp sân thứ nhất 17 bậc 2,55m. Bậc thang lên thẳng nghi môn nội, tôn tạo tại vị trí hiện trạng nằm trên trục chính tâm của đền, đối xứng qua hai bên là nhà tả vu, hữu vu di dời, tôn tạo lại. Đồng thời, giữ nguyên vị trí giếng cổ trên sân, bổ sung thêm các ô cây tạo cảnh quan, bóng mát.
Cấp sân thứ ba cao hơn cấp sân thứ hai 13 bậc 1,95m. Đây là cấp sân phía trước của đền chính, đối xứng qua hai bên xây dựng lầu chuông, lầu trống, giữ nguyên vị trí cây đa, cây bồ đề cổ thụ cùng bia đá cổ. Cấp sân thứ tư cao hơn cấp sân thứ ba 5 bậc 1m. Đây là cấp sân phía trước của chùa và đền mẫu. Vị trí chùa giữ nguyên, đền mẫu được di dời, tôn tạo mở rộng quy mô bằng với diện tích chùa, đối xứng qua trục chính tâm của đền chính, nhà sắp lễ cũng được xây dựng đối xứng đặt tại cấp sân này.
Ngoài ra, trên sân còn có nhà thủ từ giữ nguyên vị trí, miếu nhỏ và lều hóa vàng tôn tạo đặt đối xứng tại góc sân. Vị trí cây bồ đề cổ thụ giữ nguyên, bổ sung thêm ô cây tạo cảnh quan, bóng mát. Như vậy, ngôi đền Đức Ông sẽ nằm trong không gian rất hài hòa với chùa và đền thờ mẫu, thể hiện sự hòa hợp giữa đạo Phật với truyền thống thờ cúng những người có công với nước và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Cấp sân thứ năm của đền cao hơn cấp sân thứ tư 19 bậc 2,85m. Đây là cấp sân phía sau đền chính, khuôn viên được mở rộng xây dựng đền Khải Thánh nơi thờ gia thất nhà Trần. Toàn bộ sân được lát đồng bộ bằng đá xanh, cải tạo chỉnh trang lại toàn bộ kè giữa các cấp sân, bổ sung hệ thống bậc thang và lan can đá xanh, bó vỉa ô cây bằng đá xanh. Cụm di tích cũng được đồng bộ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích núi Bài Thơ, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, tạo điểm tham quan du lịch, văn hóa tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương. Đặc biệt là góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Hạ Long “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”, xây dựng Hạ Long trở thành thành phố di sản, thành phố của hoa và lễ hội.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()