Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 18:51 (GMT +7)
"Tôi rất ấn tượng về những đền thờ danh nhân nổi tiếng ở Quảng Ninh"
Chủ nhật, 29/09/2024 | 20:06:44 [GMT +7] A A
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, được đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm ở nước ta, một người có vốn kiến thức uyên thâm, sâu sắc và đa chiều về tiếng Việt cổ. Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên nhiều công trình có giá trị cao về văn hóa của người Việt. Nhân chuyến công tác của PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí tại TP Hạ Long, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông.
- Thưa ông, trong chuyến khảo sát tại TP Hạ Long, ông ấn tượng với những di tích nào nhất?
+ Tôi cảm ơn TP Hạ Long đã mời đi khảo sát một số di tích lịch sử quan trọng. Tôi rất ấn tượng về những đền thờ danh nhân nổi tiếng ở Quảng Ninh, như đền thờ Trần Quốc Nghiễn, đền thờ vua Lê Thánh Tông ở núi Bài Thơ, chùa Long Tiên và đặc biệt là đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi.
- Ngôi đền có những điều gì mà ông cho là đặc biệt?
+ Sau khi về Hà Nội, đọc thêm nhiều cứ liệu lịch sử liên quan đến vua Lê Thái Tổ, chúng tôi tập trung suy nghĩ và đề xuất cần xây dựng quy hoạch đền thờ vua Lê Thái Tổ cho xứng với tầm vóc của ngài cũng như của TP Hạ Long hiện nay. Có điều làm chúng tôi ngạc nhiên là đền thờ vua Lê Thái Tổ được đặt ở xã Lê Lợi là tên huý của đức vua.
Đến đây, chúng tôi chợt liên tưởng đến đền thờ vua Lê Thái Tổ khác cũng ở xã Lê Lợi song lại thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tại đây còn lưu giữ được một bài thơ chữ Hán của vua Lê gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ làm vào năm 1432, được khắc trên vách núi. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý 4 câu thơ: "Biên phòng hảo bị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an/ Hư đạo nguy than tam bách phúc/ Như kim chỉ tác thuận lưu khan". Tạm dịch nghĩa là: Chúng ta phải trù bị phương lược chống giặc ở nơi biên cương/ Để làm cho xã tắc được yên ổn lâu dài/ Ba trăm ghềnh thác hiểm trở thấm tháp gì/ Nay ta chỉ xem như dòng nước chảy xuôi.
Sử sách còn ghi vua Lê Thái Tổ năm 1430 đi đánh giặc ở Cao Bằng, đến năm 1432 đánh Đèo Cát Hãn ở Mường Tè. Như vậy, chúng tôi cũng có thể đoán định rằng việc vua Lê Thái Tổ đi đánh giặc ở Hoành Bồ cũng xảy ra vào khoảng thời gian đó, nghĩa là cách chúng ta ngày nay đã ngót 600 năm rồi.
Trong đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi của TP Hạ Long, ngoài tôn thần Lê Thái Tổ ra, còn có phối thờ Lê Lai và Nguyễn Trãi. Lê Lai thì được vua Lê Lợi dặn con cháu đời sau phụng thờ. Thậm chí còn cúng giỗ Lê Lai trước Lê Lợi một ngày. Vì thế, dân gian mới có câu ngạn ngữ: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi". Còn Nguyễn Trãi vì cuộc đời ông chìm nổi, khi cuối đời lại dính vào án chu di tam tộc nên việc thờ cúng ông sau này không khỏi có lúc bị sao nhãng. Các hương nhân ở Hoành Bồ xưa khi xây đền vua Lê Thái Tổ đã chọn Nguyễn Trãi là nhân vật để phối thờ thực là việc làm có ý nghĩa và giàu tính nhân văn.
- TP Hạ Long đã có dự án đầu tư cải tạo, mở rộng đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi. Trong chuyến khảo sát này, ông có góp ý gì cho dự án trùng tu này về khía cạnh chuyên môn Hán Nôm?
+ Theo tôi, TP Hạ Long cần giữ lại các câu đối đại tự hiện có, song cũng có thể giữ nguyên nội dung mà làm lại với quy mô lớn hơn, đẹp hơn. Có thể có câu đối chưa thực sự hay lắm nhưng người viết rất chân thành, thể hiện sự mong muốn của mình đối với xã hội, đối với con em nên vẫn cần lưu giữ lại cho hậu thế. Cũng cần bổ sung vào đền thờ vua Lê Lợi những câu đối, hoành phi, cuốn thư mới cho phù hợp.
Theo tôi ở đền vua Lê Thái Tổ cần bổ sung 9 câu đối dài từ 9 cho đến 15 chữ, 9 bức hoành phi. Ở sân lễ hội, cần làm thêm nhiều câu đối và cuốn thư mới. Trong đó có 9 câu đối dài từ 9 đến 11 chữ, trong đó có 1 câu đối chữ Nôm; 9 bức cuốn thư có nội dung là các bài thơ ca ngợi công đức của vua Lê Thái Tổ và các vị tôn thần. Ở khu vực trải nghiệm cần làm thêm 9 câu đối từ 9 cho đến 13 chữ, trong đó có 3 câu đối chữ Nôm và 9 bức đại tự. Tổng cộng có 27 câu đối, 27 hoành phi.
Đồng thời, cần dựng một phiên bản văn bia ghi lại việc vua Lê Thái Tổ đánh giặc ở Mường Tè để đặt vào đền. Việc này đã có tiền lệ vì phiên bản đó được đặt tại Hồ Gươm (Hà Nội), còn một phiên bản nữa thì đặt tại Lam Sơn (Thanh Hoá) rồi. Những phiên bản này đều được công chúng cả nước quan tâm. Vì thế, lãnh đạo thành phố cũng nên cho phép xây dựng một phiên bản văn bia vua Lê Thái Tổ đánh giặc để vào đền thờ ở xã Lê Lợi.Phối cảnh dự án mở rộng đền thờ vua Lê Thái Tổ tại xã Lê Lợi, TP Hạ Long.
- Tại sao lại là con số 27 thưa ông?
+ Năm 1427, đất nước sạch bóng quân giặc Minh xâm lược. Nhân dân cả nước an nhiên vui sống. Công lao ấy được nghĩa quân Lam Sơn, được vua Lê Lợi ban cho muôn dân. Công lao to lớn ấy đã in đậm trong trái tim của người Đại Việt. Họ tôn thờ, họ xây đền và rất có thể đền Lê Thái Tổ ở thôn Trới, xã Trí Xuyên, tổng Trí Xuyên, châu Uông Bí nay là xã Lê Lợi, thuộc TP Hạ Long có từ thời đó, song quy mô hẳn nhiên là nhỏ hẹp. Khoảng 500 năm sau, nhân dân thôn Trới đã tôn tạo ngôi đền với quy mô mới mà dấu tích còn lại là chiếc cổng tam quan như một minh chứng.
Đến nay, đền thờ ngày càng được tôn tạo với quy mô lớn hơn rất nhiều. Dưới con mắt của những người nghiên cứu văn hoá lịch sử qua tư liệu Hán Nôm, tôi đặc biệt quan tâm đến 3 khu vực là đền thờ vua Lê Thái Tổ, sân lễ hội và khu trải nghiệm du lịch. Chúng tôi đề nghị bổ sung thêm 27 câu đối, 27 bức hoành phi với ước nguyện con số 27 này để chúng ta ghi nhớ về năm 1427. Và hy vọng rằng đến năm 2027 thì dự án trùng tu sẽ hoàn thành toàn bộ một cách viên mãn.
- Nhân nói đến những dấu tích văn hoá thời Lê, hoặc được trùng tu vào thời Lê để lại tại Quảng Ninh, có điều gì làm ông chú ý?
+ Tại Quảng Ninh, các di tích chủ yếu thời Lê sơ. Đặc biệt là trong số các di tích này có Yên Tử mà tỉnh Quảng Ninh cùng với hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đã tìm thấy các dấu tích về di tích thời Trần, trùng tu rất lớn vào thời Lê Trung hưng. Tại Quảng Ninh, đã khai quật được di tích kiến trúc, di vật xuất hiện qua khảo cổ; đã xuất lộ những kiến trúc được trùng tu thời Lê Trung hưng, là minh chứng cho thời kỳ phục hưng và phát triển mạnh mẽ nhất của Phật giáo Trúc Lâm. Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên là những ngôi chùa lớn ở Đông Triều đã được trùng tu trong thế kỷ XVII-XVIII thời nhà Lê. Những di tích này giúp cho chúng ta hiểu một cách rõ rệt rằng, thời Trần đỉnh cao tâm linh hội tụ ở Yên Tử với Trúc Lâm tam tổ sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, qua một thời kỳ trầm lắng đến thời Lê Trung hưng lại được phục hưng mạnh mẽ.
Dấu tích cho thấy, các công trình phòng thủ thời nhà Lê thường nằm ở các đỉnh núi lớn, gần các đường giao thông huyết mạch. Đây cũng là các tiền đồn coi sóc hành vi của quân giặc phương Bắc. Trong đó, ở Hạ Long hiện nay, núi Truyền Đăng (tên hiện nay là núi Bài Thơ, tên cũ là núi Rọi Đèn) và núi Mằn (từng được coi như hai quả núi sinh đôi trong truyền thuyết) được sử dụng là nơi đốt lửa báo hiệu có giặc xâm phạm bờ cõi. Khói ở đây sẽ báo về các đồn sâu hơn bên trong đất liền. Mà chúng ta đều biết, tiền đồn muốn tồn tại phải có hệ tinh thần để bảo vệ, ở đây là đạo Phật. Thực tế, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, Phật giáo phát triển trở lại. Vì thế, có thể nói, đạo Phật đã góp phần củng cố các tiền đồn, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này.
- Điều ông vừa nói có hơi nhuốm màu tâm linh huyền thoại?
+ Không đâu. Cái để lại, đọng lại đến nay là các di tích, nhiều khi ta lầm tưởng chỉ gắn với tôn giáo, tín ngưỡng nhưng thực chất gắn với các anh hùng dân tộc. Người Việt coi thần linh là thế lực tinh thần cần thiết cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Anh tú của cả đất trời là thần linh đem lại mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi cho con người. Điều đó đúng với truyền thống người Việt mà không nhuốm màu mê tín dị đoan. Chúng ta phải tôn trọng điều đó.
- Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Hợp tác trong bảo tồn, tôn tạo di tích Yên Tử
- Ổn định hoạt động di tích Yên Tử
- Khu Di tích và danh thắng Yên Tử đảm bảo điều kiện tốt nhất cho du khách
- Kỳ bí những di tích cổ trên bến Cái Làng
- Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Di sản liên tỉnh mang tầm quốc tế
- Phân loại rõ các công trình sửa chữa, cải tạo trong khu vực bảo vệ di tích
Liên kết website
Ý kiến ()