Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:39 (GMT +7)
Tội phạm mạng nhắm vào tiền mã hóa và ngành NFT trong năm 2022
Thứ 3, 18/01/2022 | 15:56:16 [GMT +7] A A
Các chuyên gia của hãng bảo mật Kaspersky đã cảnh báo về những mối nguy hiểm mà người dùng tại khu vực Đông Nam Á phải đối mặt trong năm 2022.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng như các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á đang chuẩn bị sẵn sàng cho những sự phục hồi trong năm 2022. Các cá nhân và tổ chức thuộc mọi lứa tuổi cũng đã sẵn sàng để trở lại cuộc sống "bình thường mới": làm việc tại văn phòng, đi học, các chính sách về du lịch cũng đang dần được triển khai để hoạt động trở lại...
Cùng với đó, tin tặc và tội phạm mạng cũng sẽ hoạt động tích cực hơn, nhắm đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực, từ hàng không, bệnh viện, các trang web chính phủ, ngân hàng, công ty viễn thông, trường đại học, thương mại điện tử, cũng như các nền tảng mạng xã hội bằng nhiều cách tinh vi khác nhau...
Mới đây, các chuyên gia thuộc nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu của hãng nghiên cứu bảo mật Kaspersky đã đưa ra những dự đoán về xu thế hoạt động của tin tặc và tội phạm mạng trong năm 2022. Dựa vào cảnh báo này, người dùng có thể trang bị những kiến thức để tự bảo vệ bản thân cũng như những thông tin, dữ liệu quan trọng.
Tấn công có chủ đích bằng mã độc tống tiền (ransomware) có xu hướng giảm
Khoảng thời gian đại dịch chứng kiến sự gia tăng của các cuộc tấn công có chủ đích bằng ransomware trên toàn thế giới, nhắm đến nhiều mục tiêu giá trị như những doanh nghiệp lớn, thậm chí những doanh nghiệp đang bên bờ vực thẳm vì ảnh hưởng của đại dịch cũng trở thành mục tiêu của tin tặc.
Một số công ty trong khu vực Đông Nam Á cũng đã trở thành nạn nhân của ransomware.
Tuy nhiên, nhờ vào sự hợp tác quốc tế của chính phủ nhiều nước và tăng cường nhân lực để truy vết thủ phạm đứng sau các loại mã độc tống tiền, chuyên gia của Kaspersky tin rằng số lượng các cuộc tấn công bằng ransomware sẽ có xu hướng giảm trong năm 2022.
Đối với khu vực Đông Nam Á, loại hình tấn công này có thể sẽ giảm mạnh hoặc sẽ không xảy ra tại một số nước trong năm 2022. Tuy nhiên, các dịch vụ lưu trữ được cung cấp rộng rãi tại các quốc gia như Singapore và Malaysia, vẫn có thể là mục tiêu tấn công của ransomware.
Lừa đảo và tấn công phi kỹ thuật tinh vi
Ngày càng nhiều người, đặc biệt tại các quốc gia phát triển, chi tiền nhiều hơn cho các giải pháp bảo mật và an ninh mạng, giúp bảo vệ an toàn cho bản thân khi sử dụng Internet, điều này giúp người dùng giảm nguy cơ khi phải đối mặt với các hình thức tấn công mạng truyền thống.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Kaspersky, đây sẽ là lý do để những tin tặc tập trung vào các hình thức tấn công phi công nghệ, khai thác "lỗ hổng" mang yếu tố con người, bao gồm tất cả các loại hình lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi tự động, ứng dụng nhắn tin phổ biến và mạng xã hội…
Theo số liệu thống kê của cảnh sát Singapore, số lượng các vụ lừa đảo trực tuyến tại quốc gia này tăng mạnh theo từng năm. Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận sự tăng mạnh của tấn công lừa đảo, chẳng hạn tại Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam…
Nhiều vụ rò rỉ dữ liệu gây ra bởi những kẻ tấn công không xác định
Với đà sụt giảm trong tấn công ransomware có chủ đích, các chuyên gia bảo mật của Kaspersky dự đoán năm 2022 sẽ chứng kiến sự gia tăng của việc buôn bán dữ liệu người dùng trên chợ đen.
"Trong những năm gần đây, chúng tôi đã quan sát thấy trong nhiều trường hợp rò rỉ dữ liệu, nạn nhân không thể xác định được kẻ tấn công cũng như không tìm ra cách chúng bị xâm nhập. Mặc dù xác định kẻ tấn công và nguyên nhân sự rò rỉ là một thách thức, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ các trường hợp như vậy đã tăng đáng kể trong 2 năm qua, hơn 75%.", Vitaly Kamluk, Trưởng Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu Kaspersky châu Á - Thái Bình Dương cho biết
Tiền mã hóa và tấn công vào ngành NFT
Bằng cách quan sát những kẻ tấn công chuyên nghiệp với nguồn nhân lực lớn, các nhà nghiên cứu của Kaspersky kết luận rằng chúng ta sẽ đối mặt với một làn sóng tấn công thậm chí còn quy mô lớn hơn nhằm vào các doanh nghiệp tiền điện tử.
NFT (non-fungible token - tài sản không thể thay thế) cũng sẽ là mục tiêu của tội phạm mạng. Điều này là do các quốc gia ở Đông Nam Á đang dẫn đầu về tỷ lệ sở hữu NFT, trong đó Philippines đứng đầu khu vực về số người sở hữu các tài sản số này. Trong 20 quốc gia được khảo sát, Thái Lan xếp vị trí thứ 2 (26,2%), tiếp theo là Malaysia (23,9%), Việt Nam ở vị trí thứ 5 (17,4%) và Singapore xếp thứ 14 (6,8%).
Ngoài ra, các chuyên gia từ Kaspersky dự đoán rằng các loại hình tấn công trên không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa toàn cầu mà còn đến giá cổ phiếu của các công ty riêng lẻ, vì kẻ tấn công kiếm tiền thông qua giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()