Tất cả chuyên mục

(Ông Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Quảng Ninh, trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh)
Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, ông Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Quảng Ninh, từ TP Hồ Chí Minh ra thăm lại Vùng mỏ. Một ngày được cùng ông đi thăm một số nơi ở TP Hạ Long, được nghe ông kể về mảnh đất mà ông từng gắn bó một thời và luôn dõi theo khi đã chuyển công tác, nghỉ hưu, với tôi thật bổ ích...
![]() |
Ông Nguyễn Thọ Chân tham quan Bảo tàng Quảng Ninh. |
- Thưa ông, ông có thể kể lại đôi chút về những ngày đầu tham gia cách mạng của mình cho lớp trẻ như chúng cháu nghe được không ạ?
+ Mình sinh năm 1922, quê ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Năm 1936, mình tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương và đến năm 1939 thì trở thành đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng. Năm 1942, mình đi vô sản hoá và tham gia Tỉnh uỷ Hà Đông. Tháng 8-1942 thì làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông. Cuối năm 1942, đầu năm 1943, tham gia Ban cán sự Thành uỷ Hà Nội, làm Bí thư Thành uỷ. Tháng 4-1943, mình bị chính quyền thực dân Pháp bắt, đến tháng 7-1943 thì bị chuyển sang Hoả Lò, bị toà án binh Pháp kết án 20 năm tù khổ sai và cuối năm 1943 mình bị chúng đày đi Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mình được Chính phủ đón về và được phân công tham gia Tỉnh uỷ Gia Định. Đến tháng 3-1946 mình được cử về Sài Gòn khôi phục tổ chức, lập lại Thành uỷ và làm Bí thư Thành uỷ Sài Gòn. Tháng 4-1951 lại bị quân Pháp bắt và bị giam giữ đến năm 1954 mới được trao trả. Năm 1956 được phân công công tác tại Bộ Lao động, giữ chức Vụ trưởng, Tổng Thanh tra Lao động. Đến năm 1959 thì được cử về làm Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội. Năm 1960 được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lao động Việt Nam khoá III và được cử làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội… Đấy, “trích ngang” lý lịch của mình trước khi về Quảng Ninh công tác tóm tắt vậy đấy (cười).
Năm 1967, ông Nguyễn Thọ Chân về công tác tại Bộ Ngoại giao và được giao nhiệm vụ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên Xô. Năm 1969, ông được cử kiêm nhiệm chức vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Điển. Về nước năm 1971, ông được cử làm Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Chính phủ và Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương của Đảng (1971-1974), thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động. Năm 1981, ông làm Trưởng ban Thi đua Trung ương và Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua toàn quốc cho đến năm 1989 thì nghỉ hưu. |
- Vậy ông về công tác ở Vùng mỏ từ khi nào, có phải là dịp tỉnh Quảng Ninh được thành lập không ạ?
+ Ồ, tháng 10-1963 tỉnh Quảng Ninh mới thành lập, mình được Trung ương phân công về làm Bí thư Khu uỷ Hồng Quảng trước đó hai năm, năm 1961. Mình nhớ, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, tại Kỳ họp thứ 7 (ngày 30-10-1963), Quốc hội khoá II đã phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới. Ngày 18-11-1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW, quyết nghị: Hợp nhất hai Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh thành một đảng bộ là Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Ngày 19-12-1963, Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh uỷ Hải Ninh tiến hành Hội nghị hợp nhất thành Tỉnh uỷ Quảng Ninh và mình được Ban Bí thư chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh.
- Ông còn nhớ những ngày đầu mới thành lập tình hình Quảng Ninh như thế nào không ạ? Chắc là gặp rất nhiều khó khăn?
+ Phải, nhiều khó khăn lắm! Thời điểm ấy cả khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh đều là những địa phương nghèo. Vì thế, việc hợp nhất là một yêu cầu khách quan, phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của hai địa phương, cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, dân tộc và cán bộ, cũng như về quân sự và quốc phòng.
Những ngày đầu hợp nhất, mặc dù hoà bình lập lại đã được gần mười năm nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn rất khó khăn, đời sống nhân dân thiếu thốn đủ bề, công nhân mỏ làm việc nặng nhọc nhưng bữa ăn rất thiếu chất dinh dưỡng. Bác Hồ đã gọi tôi lên gặp và giao nhiệm vụ phải phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, phải có cá trong bữa ăn để thợ mỏ có sức mà lao động. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã bàn và quyết định trước mắt phải dồn sức đóng vài con tàu lớn để vươn khơi đánh cá. Một thời gian ngắn sau đó, tuy chưa đạt chỉ tiêu Bác Hồ giao, nhưng trong bữa ăn của công nhân đã có cá, thịt. Sản xuất than cũng đã phát triển, đạt kỷ lục 5 triệu tấn. Quân và dân Quảng Ninh đã bắn rơi 3 máy bay, bắt sống một tên phi công Mỹ, góp phần xứng đáng vào chiến thắng trận đầu 5-8-1964. Những năm sau đó, Quảng Ninh tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi.
- Điều gì đã làm nên những kết quả đáng ghi nhận ấy, thưa ông?
+ Tôi cho rằng những ngày đầu thành lập tỉnh, chính tinh thần đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, của những người thợ mỏ đã làm nên những kết quả đáng tự hào ấy. Được Trung ương cử về đây công tác, tôi được anh em cán bộ địa phương giúp đỡ nhiều lắm. Toàn là những người cộng sản chân chính một lòng vì nước, chịu đựng nhiều gian khổ trong chống thực dân Pháp, nay lại cùng nhau chung tay xây dựng Khu mỏ, xây dựng Quảng Ninh giầu đẹp như lời Bác Hồ đã căn dặn.
Có lần tiếp một Uỷ viên Bộ Chính trị Liên Xô, đồng chí này hỏi tôi rằng đang làm Phó Bí thư Thường trực ở Thủ đô Hà Nội, được phân công về nơi “bụi bặm” thế này có thấy tâm tư không… Tôi bảo: Ngược lại thì có, tôi rất vinh dự! Bởi như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói thì “Quảng Ninh là hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ”; còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì cho rằng “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”. Vì thế phải rất tự hào khi được về đây công tác, phải vinh dự vì được cùng với cán bộ, nhân dân trong tỉnh thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này chứ.
Sau này, dù trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng tôi vẫn rất nhớ Vùng mỏ, nhớ Quảng Ninh, luôn dõi theo mỗi bước đi và sự phát triển từng ngày của tỉnh…
- Ở Bảo tàng Quảng Ninh, cháu thấy ông đã nán lại rất lâu tại khu trưng bày hình ảnh Bác Hồ với Quảng Ninh. Phải chăng ông đang nhớ lại những kỷ niệm với Bác trong những năm tháng còn làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh?
+ Đúng là vậy! Ngắm nhìn những bức ảnh cũ, nó gợi tôi nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ và được đón Bác về thăm Quảng Ninh. Tôi rất nhớ lần đưa Bác và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghec-man Ti-tốp đi thăm Vịnh Hạ Long (22-1-1962). Hôm ấy, chúng tôi đưa Bác Hồ và Anh hùng vũ trụ Liên Xô đi thăm Vịnh, sau khi chúng tôi cùng tắm biển ở đây thì một đồng chí trong Bộ Chính trị đề nghị Bác Hồ đặt tên cho hòn đảo có bãi tắm đẹp này là đảo Ti-Tốp. Hướng về phía tôi, Bác Hồ nói với mọi người: Được hay không phải hỏi ông chủ này chứ? Tôi thưa với Bác làm như vậy cũng tốt, vì Liên Xô đã giúp chúng ta rất nhiều…
Còn dịp về Quảng Ninh vui Tết Ất Tỵ 1965 với nhân dân Quảng Ninh, Bác Hồ đã quán triệt tôi và các đồng chí lãnh đạo địa phương là cấm không được dùng tiền tỉnh để chiêu đãi Bác. Bác chỉ vui Tết với nhân dân và cán bộ trong tỉnh thôi, còn đồ ăn thức uống thì Người mang theo để đỡ phiền tỉnh…
- Lần này về thăm lại Quảng Ninh, ông thấy tỉnh nhà có đổi thay nhiều không ạ?
+ Tôi về Quảng Ninh lần này theo lời mời của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc. Dù luôn dõi theo các sự kiện của tỉnh nhưng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng về nhiều mặt của Quảng Ninh. Lần này về đây, tôi đi khá nhiều nơi, từ đầu tỉnh cho đến tuyến đảo, đâu đâu cũng thấy có sự đổi mới. Đời sống nhân dân, không chỉ ở thành thị, không chỉ trong cán bộ và công nhân, mà người dân ở vùng nông thôn, ở tuyến đảo cũng rất khá. Nhiều công trình lớn được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo của tỉnh rất nhiều. Như công trình Bảo tàng Quảng Ninh mà tôi đi xem hôm nay chẳng hạn, không chỉ hoành tráng về quy mô, đẹp về kiến trúc mà tư liệu, hiện vật cũng rất phong phú, hấp dẫn. Quảng Ninh đã thực sự giầu lên rồi… (Nói đến đây, ông cười rất tươi).
- Vậy là Quảng Ninh đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời rồi ông nhỉ? Nhân dịp này, ông có nhắn nhủ gì với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh không ạ?
+ Sinh thời, Bác Hồ mong muốn xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu, Quảng Ninh trở thành một tỉnh giầu đẹp. Sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ đã chỉ ra, chúng ta còn phải thực hiện dài lâu. Tôi cho rằng, Quảng Ninh không những phải làm sao để không còn người nghèo, mà cần phải phấn đấu nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm để trở thành một tỉnh giầu mạnh. Mỗi chủ trương, giải pháp đang thực hiện có thể đúng, phù hợp với hôm nay nhưng ngày mai thì chưa chắc. Nhưng không thể không làm, vì mình lười thì dân mình sẽ khổ, sẽ bị người ta ăn hiếp. Vì vậy, mỗi chủ trương trước khi được ban hành cần phải cân nhắc cho kỹ xem lợi nhiều hay ít, dân có khá lên được từ chính sách đó không. Và khi đã có chủ trương, chính sách đúng rồi thì tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện và chú trọng xây dựng thế trận lòng dân cho vững. Làm được như vậy, Quảng Ninh sẽ phát triển nhanh và bền vững…
- Cháu xin cảm ơn ông! Kính chúc ông mạnh khoẻ!
Ngọc Hà (thực hiện)
Ý kiến ()