Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:38 (GMT +7)
“Tốc độ phát triển kinh tế nhanh vừa là lợi thế vừa là áp lực cho đa dạng sinh học”
Chủ nhật, 25/06/2023 | 07:39:53 [GMT +7] A A
Là một trong những đơn vị chủ đạo thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Quảng Ninh, theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh, đoàn các chuyên gia của Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đã tiến hành nhiều đợt khảo sát thực địa, thu thập dữ liệu ĐDSH tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với TS Lê Hùng Anh, Viện Phó Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật, xung quanh các giá trị ĐDSH của Quảng Ninh.
- Thưa ông, Quảng Ninh vẫn được xem là nước “Việt Nam thu nhỏ”, điều đó có tạo nên sự phong phú hay khác biệt về ĐDSH so với các địa phương khác trong cả nước không?
+ So với cả nước, Quảng Ninh có nhiều sự thuận lợi, lợi thế cho ĐDSH. Các hệ sinh thái (HST) trong ĐDSH ở Quảng Ninh có tính đại diện, đầy đủ cả 3 HST cơ bản của Việt Nam: HST trên cạn (nhiều kiểu HST rừng, đất nông nghiệp chiếm 75,4% trong đó chủ yếu là đất rừng); HST đất ngập nước (đại diện 21/26 kiểu đất ngập nước Việt Nam) và HST biển, ven biển với diện tích biển nông ven bờ có 121.573ha (đặc trưng bởi rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, bãi triều, tùng, áng...). Ngay cả trong HST trên cạn cũng có nhiều kiểu HST đặc trưng trong phân loại thực vật; HST đất ngập nước cũng rất phong phú, là đại diện của hệ thống sông, suối, hồ tự nhiên, hồ chứa, đập thủy lợi…
Quan trọng nhất là HST biển. Quảng Ninh có diện tích biển lớn, có cả đường biên giới trên cạn và trên biển. Các HST biển, ngoài thành phần các nhóm đối tượng trong chuỗi thức ăn, từ thực vật, động vật phù du, động vật đáy, trong đó có rất nhiều nhóm đối tượng như san hô, giáp xác, thân mềm, nhuyễn thể. Trong HST biển, chúng ta lại có HST đảo rất đa dạng (với trên 2.000 đảo, chủ yếu đảo đá xen lẫn một số đảo đất), không chỉ đa dạng trên biển mà trên các đảo lại có các loài thực vật, lưỡng cư, bò sát, côn trùng… có tính đặc thù tự nhiên của vùng Đông Bắc.
Qua thời gian, rất nhiều công trình nghiên cứu từ cấp Nhà nước đến cấp tỉnh đã quan tâm nghiên cứu về ĐDSH, ghi nhận trên 4.500 loài động, thực vật trên địa bàn Quảng Ninh, tuy nhiên việc cập nhật cơ sở dữ liệu số hóa, tu chỉnh tên khoa học và cập nhật bổ sung đến năm 2023 có thể nâng mức đa dạng loài lên tới 5.000 loài.
Trong đó, nhiều loài đã được đánh giá ở mức độ nguy cấp, quý, hiếm theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục Đỏ thế giới (IUCN) cũng như theo Nghị định Chính phủ (Nghị định 64/2019, Nghị định 84/2021), Công ước CITES... Đặc biệt hơn là có xuất hiện rất nhiều loài sinh vật có tính đặc hữu cho Việt Nam, khá nhiều loài có tính ngữ mang tên địa danh của Quảng Ninh, Hạ Long (18 loài thực vật, 4 loài bò sát, 4 loài lưỡng cư và 2 loài giáp xác).
- Có nhiều lợi thế đã rõ, vậy công tác quản lý, đầu tư của tỉnh để bảo tồn các giá trị ĐDSH trên địa bàn Quảng Ninh được các nhà khoa học như ông đánh giá ra sao?
+ Bên cạnh sự thuận lợi về ĐDSH và sinh cảnh, các điều kiện tự nhiên ưu đãi, Quảng Ninh cũng đã chú trọng trong việc lập hồ sơ và được công nhận nhiều danh hiệu của quốc gia, quốc tế. Về di sản thiên nhiên thế giới có Vịnh Hạ Long (hai lần được công nhận về giá trị thẩm mỹ năm 1994, về giá trị địa chất, địa mạo năm 2000), Vườn quốc gia có đại diện Vườn quốc gia Bái Tử Long (đồng thời cũng là Vườn Di sản ASEAN, năm 2017; khu Bảo tồn biển), Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng quốc gia Yên Tử.
Một số khu vực hướng tới xây dựng vườn quốc gia như Vịnh Hạ Long (400ha, thành lập giai đoạn 2022-2025), khu bảo tồn đất ngập nước/ramsar Tiên Yên, xin thành lập khu Bảo tồn thiên nhiên Quảng Nam Châu, khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần đã được phê duyệt hồ sơ quy hoạch, được nhiều chuyên gia xây dựng đánh giá rất cao, nhiều tiêu chí đạt được, chờ quyết định phê duyệt của tỉnh.
Thực hiện Quyết định 2067/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu về việc thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH của tỉnh. Theo đó, các cấp quản lý và nhất là những chuyên gia phải điều tra, kiểm kê, đánh giá ĐDSH theo chuỗi thời gian, bắt nhịp theo Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta đã tiên phong số hoá, trên cơ sở đó thì các nhà quản lý sẽ có sự tiếp cận thông tin, truy cập nhanh và cần thiết thì hỗ trợ, giúp cho vấn đề bảo tồn và quy hoạch phát triển kinh tế bền vững rất thuận lợi.
- Vậy Quảng Ninh phải chịu những áp lực gì trong bảo tồn ĐDSH hiện nay?
+ Quảng Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đó là lợi thế lớn nhưng cũng kéo theo những áp lực tác động đến ĐDSH. Đơn cử như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chẳng hạn hoặc các hệ sinh thái rừng, nếu là rừng tự nhiên thì khác chứ nếu là rừng trồng thuần loài thì sẽ bị suy giảm mức độ ĐDSH, vì các đối tượng sinh vật trong các HST của rừng trồng và rừng tự nhiên là rất khác nhau. Rồi mình phát triển giao thông thì phần nào cũng ảnh hưởng tới các HST, ví như đường cao tốc hay ven biển sẽ sử dụng đến diện tích của các khu HST trên cạn, đất ngập nước, ven biển. Cái đó là không thể tránh khỏi, tuy nhiên tỉnh cũng đã có hướng phục hồi hoặc ưu tiên các khu vực hành lang ĐDSH cao, đất ngập nước quan trọng để tăng cường bảo tồn, phát huy, duy trì về mức độ ĐDSH cũng như bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm và bảo tồn về nguồn gen.
Riêng về nguồn gen, qua kinh nghiệm một số nước phát triển, người ta cũng đã hình thành nên ngân hàng bảo tồn các nguồn gen. Lợi thế của Quảng Ninh là phát triển kinh tế rất ổn định, tăng trưởng thường trên 10% trong những năm gần đây nên việc đầu tư trở lại cho bảo tồn ĐDSH có nhiều thuận lợi, tích cực. Tuy nhiên, về quản lý thì ta nên tham khảo các nước phát triển, kế thừa, phát huy đặc thù của mình để cải tiến các mô hình bảo tồn cho lâu dài, bền vững: Duy trì mảng “xanh”, hạn chế tối đa mảng “nâu”. Thực hiện Quyết định 479/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã cho thấy mô hình “nâu” sang “xanh” đang mang lại hiệu quả to lớn, rõ nét.
- Cụ thể hơn, áp lực lớn nhất hiện nay trong bảo tồn ĐDSH ở Quảng Ninh theo ông là gì?
+ Áp lực đến từ nhiều phía, nhiều nguyên nhân, trong đó từ phát triển kinh tế, công nghiệp cũng có phần nào ảnh hưởng về khói bụi, khí thải như là công nghiệp sản xuất than, nhiệt điện, sản xuất chế biến… Rồi về phát triển giao thông, chúng ta có nhiều đường ven biển, đường cao tốc thuận tiện nhưng cũng phần nào ảnh hưởng tới diện tích một số khu có mức độ ĐDSH cao, phân mảnh các khu vực.
Thứ nữa là về du lịch, du lịch ở Quảng Ninh được nhiều nơi biết đến với những điểm đến nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, các tour tuyến du lịch biển đảo, vùng biên giới Bình Liêu, Móng Cái… Du lịch phát triển thì sẽ ảnh hưởng một phần nào đó tới ĐDSH.
Việc ô nhiễm môi trường từ các hoạt động của con người cũng cần phải có hướng để quản lý tốt hơn. Như về rác thải, mặc dù chúng ta thu gom nhưng đâu đó vẫn còn. Việc nuôi trồng thuỷ sản, nhất là dưới biển phần nào vẫn ảnh hưởng. Các vật liệu nuôi trồng trước đây là phao xốp, bè nổi sau một thời gian bị hư hỏng, bão gió sẽ dạt vào các khu vực, ta cần phải thường xuyên thu gom. Gần đây, các vật liệu này đã được cải tiến bằng composite thì sẽ đỡ ảnh hưởng tới môi trường hơn, tuy nhiên quản lý thì vẫn phải chú trọng vào khâu hạn chế tác động.
Hay như các rạn san hô ở Quảng Ninh rất là tốt, Sở KHCN tỉnh cũng đã có hướng để phục hồi, trồng bảo tồn, nhưng việc neo đậu thuyền bè, khai thác, đánh bắt của người dân địa phương hoặc từ nơi khác đến vẫn có tác động. Biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, các loài địch hại ảnh hưởng đến san hô thì vẫn có. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến mức độ ĐDSH biển nhiều hơn, từ nguồn xả thải đến các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, đó là các nhóm áp lực đặc trưng...
- Quảng Ninh là một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Để hài hoà giữa phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn ĐDSH, ông có gợi ý gì cho tỉnh?
+ Theo tôi cần phát triển theo 2 hướng: Thứ nhất là du lịch phổ biến, mọi người dân có thể đến, nhưng tránh các khu vực có ĐDSH cao, vùng lõi. Thứ hai là ở các khu vực có ĐDSH cao, vùng lõi thì ưu tiên cho phát triển các hình thức du lịch khám phá, mạo hiểm với lượng khách có chọn lọc. Khách muốn vào vùng lõi bảo tồn, hoặc nơi có sự ĐDSH cao thì phải có sự chọn lọc như vậy, khách sẽ định hướng được ngay, nếu thực sự muốn khám phá thì chỉ hướng tới du lịch tầm cao, cả về khám phá, cũng như hiểu biết chuyên sâu hơn.
Thực ra, người ta có thể đi được những chuyến du lịch như thế thì ý thức thường rất tốt, chúng ta có thể phân luồng du khách như vậy để hạn chế, giảm thiểu phần nào tác động tới mức độ ĐDSH và cảnh quan sinh thái. Trong Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030, Quảng Ninh cũng đặt ra tiêu chí như vậy. Vậy thì ta cần có định hướng kế hoạch về nghiên cứu, quản lý bảo tồn để vừa có được sự bảo tồn cao về ĐDSH, vừa có được sự quảng bá, phát triển thương hiệu về du lịch.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()