Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Toàn xã hội chung tay phòng, chống mua bán người
Thứ 4, 24/07/2024 | 10:58:20 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới kéo dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cũng là địa bàn phát triển sôi động về thương mại, dịch vụ, du lịch... Đây là những yếu tố dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Thực tế này đặt ra yêu cầu cả hệ thống chính trị của địa phương phải cùng chung tay phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên.
Hiện nay các cấp hội LHPN tỉnh đang đẩy mạnh các mô hình triển khai Dự án 8 đi nhanh vào cuộc sống. Đây là dự án về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện, nằm trong nhóm 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những nội dung được quan tâm tuyên truyền là trang bị cho hội viên phụ nữ những kiến thức cơ bản về phòng, chống mua bán người, qua đó chủ động trong tự bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình mình.
Hội LHPN huyện Hải Hà là một trong những điểm sáng về triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 8, với nhiều mô hình đang được các cơ sở hội duy trì triển khai khá hiệu quả. Như tại xã Quảng Sơn, từ năm 2023 đến nay Hội LHPN xã đã phối hợp, thành lập được 12 tổ truyền thông cộng đồng tại 12 thôn, bản, với nòng cốt tham gia là các cán bộ, đảng viên, đội ngũ người uy tín. Trong giai đoạn này, Hội LHPN xã đang liên tục cung cấp tài liệu pháp luật, hỗ trợ các tổ truyền thông tổ chức sinh hoạt hằng tháng, để các thành viên hiểu thật rõ, nắm thật vững các kiến thức pháp luật. Từ đó, đội ngũ này tiếp tục là cầu nối lan tỏa tới toàn thể nhân dân, chung tay phòng chống buôn bán người qua biên giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn. Hình thức tuyên truyền đa dạng, có thể thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, giao lưu văn nghệ quần chúng, hoặc lồng ghép tại các cuộc họp dân, tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình...
Trong nhiệm vụ phòng, chống mua bán người, ngành LĐ-TB&XH tỉnh cũng đang tích cực triển khai những chương trình, dự án cho thấy rõ hiệu quả. Nổi bật như việc phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Nhờ sử dụng tối ưu nguồn kinh phí tài trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), dự án này đã giúp tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông và hỗ trợ được nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của mua bán người.
Đồng thời cũng không thể không nói tới vai trò trực tiếp tuần tra, kiểm soát địa bàn và đấu tranh với tội phạm của lực lượng BĐBP tỉnh, đã tổng hòa với nỗ lực của các lực lượng, các ngành chức năng của tỉnh để ngăn chặn hành vi mua bán người, giải cứu các nạn nhân trở về. Trong các biện pháp công tác biên phòng, việc tuyên truyền tại cộng đồng, vận động quần chúng nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Được biết trong 3 năm qua, các đồn biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các địa phương nơi đứng chân, tổ chức hơn 30 buổi tuyên truyền kết hợp cấp phát tờ rơi pháp luật, thu hút gần 3.000 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân tham dự. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định pháp luật hiện hành về phòng chống mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm có hành vi mua bán người...
Thủ đoạn tội phạm mua bán người có quy mô, phương thức hoạt động ngày càng phức tạp, có thể kể đến như: Kết nối zalo, facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ, trẻ em gái ra nước ngoài lấy chồng, hoặc để tìm kiếm những công việc nhẹ nhàng mà lương cao... Sau khi “con mồi” vì nhẹ dạ, hoặc vì lòng tham mà mắc bẫy, bọn tội phạm sẽ khống chế, buộc nạn nhân phải lao động nặng nhọc trái pháp luật, hoặc hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê. Thậm chí bị tống tiền gia đình, người thân tại Việt Nam phải trả tiền chuộc thì mới cho về nước. Các kênh truyền thông đại chúng đã nhiều lần đưa tin cảnh báo về những trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi...
Có thể thấy, công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ khó khăn, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng chức năng, thì rất cần toàn xã hội nâng cao nhận thức, hành động, có hiểu biết để không sập bẫy của tội phạm mua bán người, lấy công tác phòng ngừa là trọng yếu.
Từ năm 2013, ngày 30/7 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.
Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg, lấy ngày 30/7 là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 5/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã ký ban hành Văn bản số 72/BCĐ 138/CP gửi các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024. Trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân. Đồng thời triển khai các hoạt động hưởng ứng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ đề của năm 2024 là: "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người"...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()