Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:51 (GMT +7)
Toàn tỉnh nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam
Thứ 4, 23/08/2023 | 08:32:47 [GMT +7] A A
Sáng ngày 25/4/1976, cử tri trong toàn tỉnh Quảng Ninh nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất sau ba mươi năm chia cắt. Cuộc bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội lớn của dân tộc.
Sau chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, lãnh thổ nước Việt Nam quy về một mối, việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước là yếu tố “cốt lõi” quyết định việc “chính thức hóa” sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Sự nghiệp thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là vấn đề vô cùng hệ trọng, tác động trực tiếp lên vận mệnh của Tổ quốc và tình cảm dân tộc của khoảng 45 triệu dân Việt Nam. Bởi lẽ, xét về bối cảnh lịch sử của đất nước ta lúc bấy giờ, tuy là một nước độc lập, thống nhất hoàn toàn về mặt lãnh thổ, nhưng về mặt về danh nghĩa Nhà nước, ở Việt Nam lúc này lại tồn tại hai hình thức Nhà nước khác nhau: Miền Bắc Việt Nam là nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Miền Nam Việt Nam là nhà nước “Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Do vậy, sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta chưa được “chính thức hóa”, việc phát triển kinh tế quốc dân của cả nước, việc củng cố và thống nhất quốc phòng, việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân... vẫn còn gặp những khó khăn, trở ngại.
Chính vì vậy, việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam, tạo nên một bộ máy Nhà nước chung, thống nhất của hai Miền để đưa cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải sớm được thực hiện. Các nhiệm vụ chính yếu cần đi đến thống nhất đó là: hoàn thành thống nhất giữa hai Miền về bộ máy tổ chức chính quyền Nhà nước chung. Việc tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước bầu Quốc hội chung, qua đó bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước; xây dựng Hiến pháp và pháp luật, phát huy quyền làm chủ đất nước của nhân dân...
Trong số các nhiệm vụ trên, việc tổ chức Tổng tuyển cử Quốc hội chung trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được xem là yếu tố “cốt lõi” (khâu quan trọng nhất) trong toàn bộ quá trình thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.
Xuất phát từ việc xác định và khẳng định Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước (do nhân dân tiến hành và chính quyền Nhà nước ở hai Miền tổ chức) là yếu tố “cốt lõi” quyết định việc “chính thức hóa” sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn Chính phủ đã khẩn trương thực hiện các hoạt động cần thiết nhằm nhanh chóng đi đến cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước.
Trên cơ sở kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị (tổ chức từ ngày 15/11 - 21/11/1975, tại Sài Gòn), việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước vào ngày Chủ nhật trong tháng 4/1976. Để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, lựa chọn những người thật xứng đáng vào Quốc hội, ngày 03/01/1976, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 228-CT/TW về tổ chức lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước. Chỉ thị nhấn mạnh: “Cuộc tổng tuyển cử tới khẳng định ý chí của toàn dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, ngày nay tức là một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa”.
Chỉ thị yêu cầu: “Hiện nay, tình hình xã hội ở hai miền còn có những chỗ khác nhau; việc vận dụng các tiêu chuẩn về thành phần cũng như về yêu cầu đối với ứng cử viên cần phải được chỉ đạo chặt chẽ cho sát với thực tế ở mỗi miền. Ở miền Nam, cuộc bầu cử cũng sẽ tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, nhưng phải nghiên cứu để cụ thể hoá những nguyên tắc ấy trong thể lệ bầu cử thích hợp với tình hình thực tế ở miền Nam”.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, căn cứ vào các Văn kiện của Hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã ra Thông cáo chung về quyết định ngày tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất là ngày Chủ nhật, 25/4/1976.
Tại Quảng Ninh, sáng ngày 25/4/1976, cử tri trong toàn tỉnh nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất sau ba mươi năm chia cắt. Cuộc bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội lớn của dân tộc. Dọc đường quốc lộ từ Móng Cái - nơi địa đầu của Tổ quốc Việt Nam thống nhất, qua các thị xã Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí đâu đâu cũng cờ hoa tươi thắm. Khắp đường phố, xóm làng, người người trẩy hội, nét mặt rạng rỡ hân hoan tiến về các khu vực bỏ phiếu.
Khu vực bỏ phiếu nào cũng được trang hoàng đẹp đẽ, quốc kỳ, ảnh Bác, cờ hoa sáng chói với nhiều hàng khẩu hiệu. Ngay từ sáng sớm các phòng bỏ phiếu đã đông nghịt người. Những mái đầu bạc xen lẫn những mái đầu xanh. Ai nấy đều vui mừng háo hức thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Toàn tỉnh có 717 khu vực bỏ phiếu với gần 40 vạn cử tri. Đến 17 giờ ngày 25/4/1976, đã có 93,4% cử tri đi bầu.
*Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (1965-2005)
Hà Thanh (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()