Tất cả chuyên mục

Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII, sáng 7/12, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
* Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục được cải tiến
11h30': Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp, kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn:
Với tinh thần tiếp tục đổi mới và thể hiện trách nhiệm trước cử tri, HĐND tỉnh đã hoàn thành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Đã có 15 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn và 7 lượt đại biểu tranh luận. Đã có Chánh án Toà án nhân dân tỉnh và 9 thành viên của UBND tỉnh là giám đốc các sở đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
![]() |
Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn. |
Nội dung chất vấn tại kỳ họp này có phạm vi rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc đời sống kinh tế - xã hội, được cử tri, nhân dân quan tâm. Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục được cải tiến, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi giữa người chất vấn với người được chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi về những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Người được chất vấn đã cơ bản trả lời thẳng vào vấn đề và cam kết giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém. Tuy nhiên, có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi qua lại. Còn một số câu hỏi gửi đến lãnh đạo và các thành viên của UBND tỉnh chưa được trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn này, sẽ được trả lời bằng văn bản gửi đến các đại biểu và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri, nhân dân biết, tham gia giám sát.
HĐND tỉnh ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đề nghị các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các ngành liên quan nghiêm túc thực hiện và thực hiện có kết quả các nội dung đã cam kết, những lời hứa trước HĐND, trước cử tri toàn tỉnh trong phiên chất vấn ngày hôm nay.
Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm về: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường rà soát, khai thác tối đa nguồn thu, bảo đảm cơ cấu thu bền vững; tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế, chống thất thu thuế; chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể về cải cách hành chính; Nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua Trung tâm hành chính công các cấp; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án giao đất, giao rừng; tăng cường quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản ở các địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, nhất là ngư dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề từ đánh bắt nhỏ lẻ sang đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản, chuyển sang các nghề dịch vụ; Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho lĩnh vực giáo dục; thực hiện có lộ trình việc chuyển đổi mô hình một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ra ngoài…
* Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp mạnh để ngăn chặn chuyển nhượng, đầu cơ đất
11h25': Đại biểu Lê Cao Long, Tổ Đại biểu TP Hạ Long, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở TN&MT cho biết, quan điểm xử lý và hướng khắc phục những quy định không phù hợp Luật Đất đai tại mục 5, Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 29/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh: “Không được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với... các khu đất đã chấp thuận cho các nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu quy hoạch...”.
+ Trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở TN&MT, nhận định, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương thời gian qua đã bộc lộ hạn chế như: Tình hình giao đất, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách đất, sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không theo đúng quy hoạch; sử dụng đất không đúng mục đích được giao, cho thuê; tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp đất đai còn xảy ra; thiếu sự kiểm tra, thanh tra kịp thời để ngăn chặn và xử lý sai phạm... Tại Vân Đồn, đã xảy ra tình trạng đầu cơ, mua, bán, chuyển nhượng, xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật; lợi dụng chính sách đất đai của Nhà nước để trục lợi đã làm lũng đoạn thị trường đất đai trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút đầu tư và đặc biệt là công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Thu. |
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có Thông báo số 897-B/TU ngày 3/5/2018 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo về quản lý đất đai, ngăn ngừa tình trạng mua bán và thổi giá đất trên địa bàn huyện Vân Đồn. Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp mạnh tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn tình hình đẩy cao giá đất để chuyển nhượng, đầu cơ. Nhờ đó, thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đã nhanh chóng ổn định hơn, giá đất đã có xu hướng giảm dần; bước đầu ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tình trạng mua bán trái phép. Đại bộ phận nhân dân địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đồng tình hưởng ứng; không còn tình trạng tái lấn chiếm; không có hiện tượng lợi dụng bồi thường, GPMB để trục lợi; không có hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lâm nghiệp, đất ao, vườn liền kề đã giao cho các tổ chức, cá nhân; không có tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng trái phép công trình, xây dựng không đúng quy hoạch.
Mới đây, ngày 29/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND “V/v thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP Móng Cái, TX Quảng Yên, huyện Cô Tô” nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn; giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, giảm thiểu các kiến nghị, khiếu nại; khắc phục tình trạng mua bán và thổi giá đất, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lâm nghiệp, đất ao, vườn trái phép; góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại địa phương. Đặc biệt là tham mưu xây dựng phần mềm quản lý, xây dựng dữ liệu cơ sở đất đai để có sự đồng bộ trong cả tỉnh.
11h20': Đại biểu Bùi Thị Hương, Tổ đại biểu TX Đông Triều, chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về nội dung: Theo Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh theo luật phí và lệ phí thay thế Nghị quyết số 42/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh đến nay chưa bao quát hết các nội dung cần thu phí và lệ phí? Xin đồng chí cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Đại biểu Bùi Thị Hương, Tổ đại biểu TX Đông Triều. |
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thị Minh Thanh cho biết: Vấn đề do đại biểu chất vấn xuất phát từ nguyên nhân do hiện nay đã phát sinh thêm một số mặt hàng mới, các khoản phí mới so với thời điểm ban hành nghị quyết. Vì vậy, thời gian tới, Sở và các địa phương cần tập trung rà soát các khoản thu phí chống thất thu để Sở kịp thời tham mưu, báo cáo bổ sung theo quy định.
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thị Minh Thanh. |
Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, hỏi tiếp: Tỉnh ta đã dành nguồn lực tài chính lớn đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, vậy mức thu phí, lệ phí lòng, lề đường được quy định tại Nghị quyết 62 có đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng công trình hay không?
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thị Minh Thanh trả lời: Khi xây mức thu phí lòng, lề đường theo Nghị quyết 62/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì việc thu phí ko liên quan đến chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Liên quan về vấn đề này, đồng chí Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: Ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung xoay quanh việc thu phí điểm gửi, dừng đỗ các phương tiện trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với vấn đề này, thời gian qua tỉnh và các địa phương có sự đầu tư lớn nhưng chưa có sự quản lý mà khoán trắng cho tư nhân. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp vi phạm về ứng xử văn hóa khiến nhân dân bức xúc; không quản lý được nguồn thu… Đề nghị các địa phương tiếp tục khai thác các điểm đỗ để chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự văn minh đô thị.
11h5’: Đại biểu Nguyễn Thị Vinh tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Y tế về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin - một trong yếu tố quyết định đến thành công, hiệu quả thực tế của việc xây dựng thành phố thông minh nói chung, trong đó có bệnh viện thông minh.
Đại biểu Châu Hoài Thu chất vấn Giám đốc Sở Y tế. |
Tiếp đó, đại biểu Châu Hoài Thu cũng chất vấn về nội dung: Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm thu hút và phát triển nhân lực ngành y tế, xác định đây là khâu đột phá trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi thấy nhân lực chất lượng cao của ngành y tế chủ yếu tập trung vào đô thị, tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn giỏi ở các đơn vị y tế tuyến huyện, nhất là các huyện miền núi, biên giới, hải đảo vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở nhằm giúp người dân được tiếp cận y tế ngày càng chất lượng, tạo sự bình đẳng về y tế giữa các vùng miền trong toàn tỉnh.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Vinh, đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng các bệnh viện thông minh, ngành y tế đã quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ CNTT. Trong đó, ngành đã dành 2% từ nguồn thu nhập tăng thêm để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút nhân lực CNTT. Đồng thời, ngành y tế cũng có các chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ có trình độ CNTT để có thể sử dụng, tiếp cận với các công nghệ khám chữa bệnh, các máy móc hiện đại, công nghệ cao. Cùng với đó, ngành y tế cũng yêu cầu các bệnh viện sắp xếp nhân viên có trình độ CNTT thực hiện các quy trình của bệnh viện thông minh, nếu nhân viên nào không đáp ứng được yêu cầu thì điều chuyển. Bản thân đội ngũ cán bộ y tế, các bệnh viện cũng đều nâng cao nhận thức, tự đào tạo và đào tạo lại về trình độ CNTT. Đến nay có thể khẳng định 100% nhân lực tại các bệnh viện đều thành thạo CNTT cơ bản, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng bệnh viện thông minh.
Trả lời đại biểu Châu Hoài Thu, đồng chí Vũ Xuân Diện bày tỏ: Chúng tôi rất trăn trở về tình trạng thiếu hụt nhân lực bác sĩ các bệnh viện tuyến huyện, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn giỏi, đặc biệt là bác sĩ ở các đơn vị y tế tuyến huyện một cách bền vững, ngành y tế đã triển khai một số giải pháp như: Chỉ đạo các đơn vị xây dựng các cơ chế đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng môi trường làm việc, áp dụng thực hiện phân phối thu nhập tăng thêm cho cán bộ y tế theo năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc; dành chỉ tiêu biên chế chỉ để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao...; ưu tiên phân công bác sĩ chính quy đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ cho các đơn vị khó khăn; đồng thời, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt đào tạo liên thông để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, Sở Y tế cũng phân công cho mỗi bệnh viện tuyến tỉnh chịu trách nhiệm hỗ trợ toàn diện cho các đơn vị khó khăn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ TTYT huyện Đầm Hà; Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả hỗ trợ TTYT huyện Ba Chẽ; Bệnh viện Bãi Cháy hỗ trợ TTYT Bình Liêu; Bệnh viện Sản Nhi hỗ trợ TTYT Cô Tô). Các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện biện pháp hỗ trợ hiệu quả như: Luân phiên cử kíp cán bộ chuyên môn tốt vừa làm việc vừa đào tạo cầm tay chỉ việc; liên kết, hỗ trợ công tác chuyên môn (cử bác sĩ giỏi đến đơn vị y tế tuyến huyện để khám chữa bệnh, phẫu thuật...) khi có yêu cầu... Sở Y tế cũng đã phân công các đơn vị y tế tuyến tỉnh lập kế hoạch (theo lịch 3 tháng/lần và cố định địa bàn) thành lập đoàn khám, chữa bệnh lưu động gồm các thầy thuốc có trình độ và kinh nghiệm, thuộc nhiều chuyên khoa... phối hợp với TTYT huyện đến khám, chữa bệnh cho nhân dân tại 41 xã khó khăn của tỉnh...
Cùng với đó, Sở Y tế cũng tăng cường triển khai mô hình Nguồn nhân lực chất lượng cao sử dụng chung trong ngành y tế với 138 cán bộ y tế giỏi của các đơn vị tuyến tỉnh thuộc các chuyên ngành (lâm sàng, cận lâm sàng...) làm việc, hỗ trợ chuyên môn tại tất cả các đơn vị y tế trong ngành. Đồng thời, sử dụng hệ thống Telemedicine (với 30 điểm cầu, được kết nối các bệnh viện, TTYT trong tỉnh và hai bệnh viện tuyến trung ương: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai) nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế ở tuyến dưới, nhất là ở vùng khó khăn...
Đồng chí Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng, trong thời gian sắp tới, tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở vùng khó khăn chắc chắn vẫn chưa thể giải quyết triệt để, do đó, đồng chí đề nghị tỉnh nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ nhân lực chất lượng cao về vùng khó khăn như vấn đề nhà ở cũng như hỗ trợ các chính sách khác về đời sống...
* Mô hình bệnh viện thông minh là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0
10h55': Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, quan tâm về Dự án Y tế thông minh trên hệ thống bệnh viện toàn tỉnh sẽ lấy hệ thống hạ tầng, trang thiết bị, ứng dụng phần mềm và nhân lực CNTT làm nền tảng hoạt động, hướng đến một mô hình bệnh viện “Không giấy tờ”, giúp thuận lợi nhất cho người dân tham gia khám, chữa bệnh. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình hình triển khai thực hiện dự án hiện nay, lộ trình cụ thể để các bệnh viện trở thành bệnh viện thông minh? Những thuận lợi và cơ hội lớn nhất của người dân khi xây dựng bệnh viện thông minh?
Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên. |
+ Trả lời câu hỏi chất vấn, đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tỉnh đã có 3 bệnh viện thông minh là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi; hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Sở Y tế đã hoàn thành các nội dung của Dự án xây dựng 3 bệnh viện thông minh nói trên hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Các hệ thống công nghệ thông tin y tế đã được triển khai và hoạt động ổn định đúng mục tiêu đầu tư của dự án. Ngoài ra, theo mục tiêu của dự án, 3 bệnh viện thực hiện thuê phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (từ nguồn chi của đơn vị y tế). Đến thời điểm này, ngoài 3 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi) đã triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và thí điểm triển khai phân hệ Bệnh án điện tử, các đơn vị y tế khác trong tỉnh cũng thực hiện thuê phần mềm và đầu tư một phần hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh bước đầu đạt được hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản lý điều hành, rút ngắn thủ tục hành chính trong quy trình khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Một số quy trình đã được tự động hóa từ khâu đăng ký khám bệnh, thủ tục nhập viện, hồ sơ bệnh án, kết quả chẩn đoán phim đều được thực hiện trên phần mềm. Việc sử dụng hồ sơ giấy được cắt giảm tối đa giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí cho cả người bệnh và đơn vị y tế.
Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế. |
Hiện tại, Sở Y tế đã trình và xin phê duyệt của Bộ Y tế về việc thực hiện trả kết quả trên giấy và lưu dữ liệu hình ảnh chẩn đoán X-quang, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ... trên hệ thống PACS đối với các kết quả chẩn đoán hình ảnh tại 3 bệnh viện thông minh trong giai đoạn 1 tiến tới mô hình “Bệnh viện không phim”. Dự án: Xây dựng hệ thống quản lý y tế thông minh tỉnh Quảng Ninh.
Mục tiêu của dự án là nhân rộng kết quả đã đạt được từ giai đoạn 1 cho 6 bệnh viện và 12 trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; bổ sung, nâng cấp hạ tầng trang thiết bị CNTT và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) tại các đơn vị trực thuộc Sở; xây dựng và triển khai phần mềm chuyển mạch thông tin y tế kết nối các cơ sở khám chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý y tế thông minh; xây dựng và triển khai phần mềm sổ khám bệnh điện tử; triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện đủ điều kiện áp dụng bệnh án điện tử của giai đoạn 1 tiến tới đáp ứng mức 6 theo tiêu chí được Bộ Y tế quy định.
Sở Y tế xác định mô hình “Bệnh viện thông minh” là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 và giải pháp ngắn nhất để cải tiến chất lượng và dịch vụ khám chữa bệnh. Việc triển khai mô hình bệnh viện thông minh, sẽ giúp người bệnh được hưởng lợi nhiều hơn, cụ thể: Được cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao thông qua việc ứng dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin y tế, trang thiết bị y tế tự động hóa. Bệnh nhân được phục vụ kịp thời thông qua các thiết bị và phần mềm tương tác giảm được thời gian mà bệnh nhân phải thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình sử đụng dịch vụ khám chữa bệnh.
Đặc biệt, giải pháp bệnh viện thông minh còn cung cấp hệ thống thống kê, báo cáo; hệ thống giám sát cho nội bộ bệnh viện cũng như giúp cơ quan quản lý cấp trên nhanh chóng nắm bắt tình hình khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Hạn chế được tiêu cực xảy ra trong bệnh viện, tạo được hình ảnh tốt dịch vụ và chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, dự án sẽ giúp cho người dân tiết kiệm chi phí do không phải thực hiện các chỉ định xét nghiệm trùng lặp; các bệnh viện có thể chia sẻ dữ liệu và tham khảo kết quả cận lâm sàng, điều trị của nhau, giúp tiết kiệm thời gian và chất lượng khám chữa bệnh, tránh lãng phí trong công tác quản lý và chuyên môn.
* Xác định mức độ quan tâm, ưu tiên, tập trung các biện pháp quản lý AT-VSLĐ
10h49’: Đại biểu Phạm Văn Hoài, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Tổ đại biểu TP Móng Cái, chất vấn: Theo Báo cáo số 348/BC-UBND của UBND tỉnh về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019: “Trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn lao động, làm 31 người chết, 15 người bị thương (tăng 6 vụ, 6 người chết, 8 người bị thương so với 2017)…”. Số liệu này đã được báo cáo tại Hội nghị giao ban tháng 11 của UBND tỉnh tổ chức ngày 12/11/2018. Tuy nhiên, cũng tại Báo cáo số 220/BC-UBND ngày 22/11/2018 của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019: “Tai nạn lao động xảy ra 26 vụ, làm chết 27 người; giảm 5 vụ, giảm 7 người chết so với cùng kỳ…”. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho cử tri, nhân dân được biết: Đâu mới là con số đúng? Nguyên nhân của việc sai lệch số liệu như trên là gì? Kết quả việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm thời gian qua và giải pháp khắc phục thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phát biểu tại phiên chất vấn. |
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH giải trình số liệu trong 2 báo cáo trên khác nhau vì lý do: Thời điểm thống kê, báo cáo khác nhau: Báo cáo số 348/BC-UBND lấy số liệu từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018; Báo cáo số 220/BC-UBND lấy số liệu từ ngày 01/01/2018 đến 29/10/2018; Đối tượng, phạm vi tổng hợp khác nhau: Báo cáo số 348/BC-UBND tổng hợp tất cả các vụ tai nạn mà cơ quan Công an đã tham gia điều tra (bao gồm cả ở khu vực doanh nghiệp; cả khu vực dân cư và cả vụ tai nạn bị thương nặng nhiều người). Báo cáo số 220/BC-UBND tổng hợp số liệu TNLĐ chết người tại các doanh nghiệp; số liệu TNLĐ chết người trong khu dân cư hằng năm được điều tra, thống kê thông qua Sổ theo dõi khai tử tại 186 xã, phường, thị trấn và tổng hợp, báo cáo vào tháng 1 năm sau; số liệu TNLĐ nặng được thống kê, báo cáo định kỳ 6 tháng, cả năm thông qua tổng hợp từ các doanh nghiệp báo cáo lên.
Hằng tháng, Sở LĐ-TB&XH báo cáo UBND tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy số liệu TNLĐ chết người (lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày báo cáo) tại các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có trụ sở chính trong tỉnh (so phải thống kê, báo cáo theo quy định) và doanh nghiệp tỉnh ngoài. Tại Báo cáo số 205/BC-UBND ngày 8/11/2018 của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2018 có nêu: TNLĐ xảy ra 4 vụ làm chết 4 người, lũy kế 10 tháng xảy ra 26 vụ, làm chết 27 người, giảm 5 vụ, giảm 7 người chết so cùng kỳ.
Định kỳ 6 tháng, cả năm Sở LĐ-TB&XH tổng hợp báo cáo Bộ LĐ-TB&XH; thực hiện thông báo công khai tình hình TNLĐ theo biểu mẫu, tiêu chí hướng dẫn quy định, số liệu báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) và tình hình TNLĐ đảm bảo chính xác, thống nhất, liên tục và có so sánh với số liệu cùng kỳ năm trước trên từng lĩnh vực với nhau.
Đồng chí lãnh đạo sở cũng đã báo cáo trước hội đồng về kết quả xử lý các vụ TNLĐ. Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ (từ 1/1/2018 đến 1/12/2018), Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 118 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra TNLĐ xử lý kỷ luật 127 người; trong đó cán bộ quản lý là 114 người, chiếm 90%, công nhân lao động là 13 người, chiếm 10%; cụ thể theo chức danh như sau: Chánh, phó Giám đốc: 15 người; Trưởng, phó phòng ban: 29 người; Cán bộ phòng ban: 23 người; Chánh, phó Quản đốc: 32 người; Lò trưởng, Tổ trưởng sản xuất: 15 người; Công nhân lao động: 13 người.
Đồng chí nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, như: Tiếp tục xác định mức độ quan tâm, ưu tiên, tập trung các biện pháp quản lý AT-VSLĐ đối với 2 lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ trên địa bàn tỉnh là khai thác khoáng sản và xây dựng; Phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai các quy định pháp luật về AT-VSLĐ; Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra về AT-VSLĐ, tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất; Đề cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả công tác tự kiểm tra tại doanh nghiệp để phát hiện, xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn lao động; Định kỳ thông báo tình hình TNLĐ để các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cùng rút kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng tránh TNLĐ; triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Chương trình quốc gia về AT-VSLĐ được UBND tỉnh phê duyệt.
* Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn tinh thần trách nhiệm cho cán bộ làm công tác xét xử
10h40': Đại biểu Nguyễn Thị Huệ, Tổ Đại biểu TP Uông Bí, đề nghị TAND tỉnh cho biết: Trong năm 2018 còn tình trạng ban hành bản án, quyết định không rõ, khó thi hành của TAND hai cấp trong tỉnh không? Giải pháp nào trong ngành đã và sẽ triển khai để không xảy ra tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Huệ, Tổ Đại biểu TP Uông Bí. |
+ Đồng chí Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh, trả lời: So với các năm trước, tình trạng ban hành quyết định, bản án tuyên không rõ, khó thi hành của TAND hai cấp trong tỉnh đã được khắc phục, hạn chế. Cụ thể: Theo thống kê của 3 ngành Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự và Toà án, năm 2016, số lượng các quyết định, bản án tuyên không rõ, khó thi hành là 27 bản án, quyết định; năm 2017 là 45 bản án, quyết định. Năm 2018, toàn tỉnh có 23 vụ việc bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, chỉ chiếm 0,37% trong tổng số 6.154 vụ án các loại đã thụ lý và giải quyết. Các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh đã có 23 văn bản để nghị sửa chữa bổ sung, giải thích đối với 23 bản án, quyết định của toà án nhân dân hai cấp trong tỉnh. Kết quả là TAND hai cấp đã có 23 văn bản giải thích, đính chính, bổ sung. Trong đó, 20 bản án, quyết định đã được các cơ quan thi hành án giải quyết xong; 3 văn bản đã được trả lời nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan thi hành án (do 1 bản án, quyết định thuộc thẩm quyền trả lời của TAND cấp tỉnh; 2 bản án, quyết định thuộc thẩm quyền trả lời của TAND cấp trên). Nhìn chung, các vụ việc thi hành án còn gặp khó khăn đều tập trung vào các vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai đã xét xử từ những năm trước. Có nhiều vụ từ năm 2007, 2013, 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành.
Đồng chí Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh. |
Qua nghiên cứu các bản án mà cơ quan THADS có văn bản đề nghị giải thích, lãnh đạo TAND tỉnh thấy rằng còn có những bản án, quyết định của Tòa án tuyên còn thiếu lượng thông tin cần thiết, phải bổ sung hoặc giải thích thêm thì mới thi hành được. Ví dụ như một số bản án có sai sót, nhầm lẫn về họ tên đương sự, ghi sai số biên lai thu tạm ứng án phí, ghi sai lệch số, ký hiệu, tên gọi, màu sắc vật chứng so với biên bản giao nhận... Những sai sót này có thể sửa chữa bổ sung được. Tuy nhiên có những sai sót không thể sửa chữa bổ sung, Toà án đã chủ động hoặc cơ quan Thi hành án dân sự có báo cáo để kiến nghị Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm...
Để khắc phục tình trạng trên, Lãnh đạo TAND tỉnh có những giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, TAND tỉnh chỉ đạo các Toà chuyên trách của Toà án tỉnh và các Toà án cấp huyện chủ động phối hợp thường xuyên với cơ quan THADS cùng cấp rà soát, đối chiếu các bản án tuyên không rõ, khó thi hành để sớm xử lý, khắc phục. Đối với các trường hợp đã có văn bản giải thích, đính chính nhưng cơ quan THADS cho rằng chưa phù hợp với nội dung vụ việc, chưa đúng với bản án; hoặc không thống nhất được hướng giải quyết thì phải có văn bản đề nghị cơ quan THADS và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp báo cáo Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và TAND tối cao xem xét, thống nhất hướng giải quyết.
Thứ hai, cần tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn tinh thần trách nhiệm cho cán bộ làm công tác xét xử. Hằng năm, tổ chức sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các vụ án mà có trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành. TAND hai cấp tổ chức nghiên cứu cơ chế thích hợp để thẩm định các bản án, quyết định của Tòa án trước khi ban hành nhằm tránh sai sót. Đặc biệt, đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật thì TAND cấp huyện phải chuyển ngay quyết định, bản án về Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án của Toà án tỉnh để kiểm tra xem xét.
Thứ ba, TAND hai cấp của tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp do TAND tối cao xây dựng tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng xét xử theo Kết luận 92/KL/TW của Bộ Chính trị.
Thứ tư, quy định cụ thể việc xem xét trách nhiệm của Thẩm phán trong việc để xảy ra tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ dẫn đến việc khó thi hành.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, có hình thức khen thưởng phù hợp cho những Thẩm phán viết bản án chuẩn mực, chính xác. Phòng Tổ chức cán bộ - Thanh tra - Thi đua khen thưởng phối hợp với Văn phòng tổng hợp Toà án tỉnh theo dõi các đơn vị chậm trễ khắc phục, xử lý các kiến nghị của cơ quan thi hành án để tham mưu cho Hội đồng thi đua khen thưởng TAND trong việc xét thi đua.
Thứ sáu, Chánh án TAND các cấp chịu trách nhiệm quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05/2017/CT-CA của Chánh án TAND tối cao về việc giải quyết các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành. Cùng với đó, TAND tỉnh tăng cường thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Tòa án, Viện kiểm sát và THADS trong việc rà soát các bản án, quyết định dân sự chưa được thi hành hoặc cho rằng có khó khăn trong thi hành để thống nhất về số liệu, xác định trách nhiệm, thẩm quyền và hướng giải quyết. Đồng thời các đơn vị Tòa án cùng với các cơ quan liên quan bàn bạc để ban hành quy chế phối hợp nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập nhất là trong việc đo đạc, định giá phục vụ công tác xét xử và công tác thi hành án.
Đại biểu Nguyễn Thị Huệ, Tổ đại biểu TP Uông Bí, hỏi tiếp: Theo báo cáo của tòa án, hiện còn một số bản án kéo dài chưa thi hành điển hình như bản án 28 xin đồng chí cho biết nguyên nhân?
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Bản án 28 đã giải quyết, xét từ năm 2017. Do phát sinh một số nội dung nên khi tòa án xét xử xong đã báo cáo Tòa án Tối cao và được chỉ đạo hủy bản án để xét xử lại đảm bảo đúng luật.
Chủ tọa kỳ họp chỉ đạo: Tòa án nhân dân tỉnh có văn bản trả lời lại đại biểu rõ ràng. Cùng với đó, Tòa án nhân dân tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo kết quả tuyên án nghiêm minh.
* Giảm thiểu các thủ tục, quy trình hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp
10h27’: Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp, kết luận về những vấn đề liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn đối với đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ.
Đồng chí khẳng định, qua chất vấn cho thấy các đại biểu rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Hiện nay, Quảng Ninh đang dẫn đầu cả nước về công tác cải cách hành chính, đây là sự nỗ lực cải cách của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh thời gian qua. Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, tăng cường hoạt động hiệu quả của trung tâm hành chính công các cấp, trong đó phải hoàn thiện chính quyền điện tử, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt thời gian tới cần đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng khoa học, công nghệ cao để rút ngắn các quy trình trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo công dân điện tử.
Đồng chí cũng yêu cầu cùng sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn thì các địa phương cũng cần rà soát, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phù hợp với thực tế; khảo sát cụ thể, tránh đầu tư một cách dàn trải; không nhất thiết ở đô thị đầu tư gì thì ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng đầu tư như thế... Đồng chí khẳng định, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nỗ lực giữ vững thành quả về cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục, quy trình hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và cả khách du lịch khi thực hiện hoặc liên quan các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
* Cơ bản hoàn thành mục tiêu về cải cách hành chính đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TU
10h20': Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ Đại biểu TX Quảng Yên, hỏi tiếp: Mục tiêu, chỉ tiêu về giải quyết TTHC theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy là hết năm 2017 đạt nhưng đến gần hết năm 2018 chưa hoàn thành. Xin đồng chí cho biết nguyên nhân, giải pháp giải quyết nội dung này. Cùng với đó, đến nay toàn tỉnh mới thực hiện liên thông 183/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với Trung tâm hành chính công cấp huyện và chưa hoàn thiện đầu tư đồng bộ theo quy định? Xin đồng chí cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Thực trạng, khi Sở xây dựng đề xuất giải quyết 100% TTHC tại Trung tâm Hanh chính công tỉnh, cấp huyện, tuy nhiên đến nay qua rà soát cơ bản đạt đến 94%. Hiện Sở đang tiếp tục rà soát và đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo kết quả thực hiện về Sở trước khi xây dựng nghị quyết để đảm bảo nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu tham mưu sát, đúng hơn.
Liên quan đến nội dung 183/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với Trung tâm hành chính công cấp huyện chưa hoàn thiện đầu tư đồng bộ theo quy định là 3 xã Đồng Rui, Yên Than (huyện Tiên Yên), thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) là do các địa phương đang tiến hành xây dựng, sửa chữa trụ sở. Theo cam kết của địa phương, hết 6 tháng đầu năm 2019 sẽ phấn đấu hoành thành, đưa vào sử dụng.
10h10’: Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ Đại biểu TX Quảng Yên chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ về mục tiêu liên quan đến thực hiện nhiệm vụ hết năm 2017, thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính cấp huyện; hoàn thành kết nối liên thông 186/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với trung tâm hành chính công... Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết đến nay các nội dung chỉ tiêu này đã hoàn thành chưa? Những khó khăn, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu cải cách hành chính trong thời gian tới?
Đồng chí Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ, phát biểu tại phiên chất vấn. |
Trả lời chất vấn, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 21 sở, ban, ngành tỉnh là 1.450 thủ tục hành chính (TTHC). Hiện nay, trong tổng số 1.330/1.450 TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, trong đó 916/1.041 TTHC thực hiện “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt tỷ lệ 87,99%; 414/1.330 TTHC thực hiện “tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Các TTHC không thực hiện phê duyệt tại Trung tâm Hành chính công tỉnh chủ yếu là do các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh mà không thể ủy quyền hoặc phân cấp được cho cấp sở.
Còn tại Trung tâm hành chính công cấp huyện, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện tính đến ngày 15/11/2018 là 302 TTHC/1 địa phương. Về cơ bản 14/14 địa phương đã đưa 100% TTHC vào thực hiện tại trung tâm hành chính công cấp huyện và đã thực hiện “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại trung tâm hành chính công hoặc đã được “tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả” tại trung tâm hành chính công cấp huyện.
Thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay Ban Quản lý điều hành Dự án xây dựng chính quyền điện tử đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kết nối liên thông tại 186/186 xã, phường, thị trấn đạt 100%. Năm 2018 triển khai thực hiện các dự án mở rộng, hoàn thiện mạng diện rộng WAN của tỉnh đến cấp xã.
Đồng chí lãnh đạo Sở đã nêu rõ một số khó khăn khi thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính, như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ, rõ ràng về tầm quan trọng và tác động cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương; công chức tham mưu công tác cải cách hành chính của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thường biến động, chưa thực sự hiểu rõ công tác cải cách hành chính nên việc tham mưu hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền cải cách hành chính tuy đã tích cực triển khai song một số đơn vị, địa phương thực hiện chưa chủ động, còn mang tính hình thức; một số quy định của Trung ương còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên các cơ quan chuyên môn khó triển khai thực hiện…
Đồng chí cho biết, để đạt được các mục tiêu cải cách hành chính cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, cụ thể: Tiếp tục đề cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai các nội dung của cải cách hành chính; dành nguồn lực, chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai công tác cải cách hành chính trên tất cả các nội dung; mạnh dạn loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc hành chính có liên quan đến tổ chức, cá nhân, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt, khả năng giao tiếp, tinh thần thái độ phục vụ với tổ chức, công dân. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện tốt các khoản chi thường xuyên, nâng nguồn thu nhập tăng thêm, từng bước nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức để khuyến khích cán bộ, công chức chú tâm trong công việc; đẩy mạnh phân cấp uỷ quyền. Trong quá trình phân cấp, phải có sự đồng bộ cả về nhiệm vụ, thẩm quyền, nguồn lực và các điều kiện bảo đảm cần thiết để đơn vị nhận phân cấp chủ động tổ chức thực hiện, mặt khác phải phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, cấp sau phân cấp để tạo sự phối hợp đồng bộ, liên thông trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phục vụ nhân dân...
* Nâng cao chất lượng của các trường tư thục sẽ thu hút được sự quan tâm của giáo viên và học sinh
9h50': Đại biểu Lê Cao Long, Tổ Đại biểu TP Hạ Long, chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT về việc thực hiện tinh giản biên chế thì trong tương lai có đảm bảo nguồn lực về giáo viên không trong khi đang tiến hành mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Cùng với đó, trong thời gian tới sẽ có những chính sách nào để hỗ trợ hoạt động của trường học ngoài công lập?
+ Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời, hiện số lượng học sinh, sinh viên đăng ký theo học ngành sư phạm vào các trường đại học của Trung ương, Đại học Hạ Long... đang có xu hướng giảm. Để thu hút đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, chất lượng, đảm bảo nguồn lực cho các nhà trường, Sở sẽ tăng cường tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ; quan tâm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; liên kết với các đơn vị đào tạo... Cùng với đó, để thiết thực hỗ trợ các trường tư thục hoạt động hiệu quả, Sở sẽ tiếp tục có ý kiến tham mưu cho tỉnh trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; chính sách hỗ trợ học phí cho trường tư thục các cấp; chủ trương tuyển sinh theo xu hướng tăng tại các trường tư thục, giảm ở trường công để có sự cân đối. Đặc biệt là tăng cường đối thoại với các đơn vị đào tạo để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc; nâng cao chất lượng của các trường tư thục sẽ thu hút được sự quan tâm của giáo viên và học sinh.
Về phần trả lời của đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT, đồng chí Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo: Các đại biểu chất vấn về trách nhiệm của giám đốc Sở GD&ĐT nhưng cũng liên quan đến trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là thực hiện Chương trình hành động số 21 của tỉnh, nhất là về sắp xếp các đơn vị nghiệp công lập. Vì thế, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu và tiến hành rà soát, tham mưu cho tỉnh có sự chỉ đạo đối với các địa phương để thực hiện tốt việc dồn điểm trường, đầu tư cơ sở vật chất cho trường học...
9h35': Đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ Đại biểu huyện Hải Hà, hỏi: Trong vài năm trở lại đây, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng dân số cơ học ở các vùng trung tâm đô thị, nhất là trên địa bàn TP Hạ Long, dẫn đến quy mô trường, lớp bị quá tải, sĩ số lớp học nhiều trường vượt cao so với định mức tối đa, nhiều trường tiểu học không đủ cơ sở vật chất để tổ chức học 2 buổi/ngày… Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết hướng chỉ đạo để khắc phục tình trạng nêu trên?
Đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu huyện Hải Hà. |
+ Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để khắc phục tình trạng quá tải trên, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với các địa phương đã và đang thực hiện một số giải pháp: Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu về trường, lớp, học sinh hiện tại và dân số độ tuổi đi học hiện nay và dự báo trong 5-6 năm tiếp theo làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giáo dục của các địa phương và toàn tỉnh, lập kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn để xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư mở rộng quỹ đất hiện có hoặc giải phóng mặt bằng để xây dựng trường ở địa điểm mới, quan tâm đến việc chuẩn bị trước các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để chủ động đáp ứng các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục của các nhà trường trên địa bàn có dân số độ tuổi đi học tăng nhanh. Đồng thời, tối ưu hóa việc phân vùng tuyển sinh các lớp đầu cấp theo hướng chuyển chỉ tiêu ra các trường khu vực ngoại ô lân cận để giảm tải cho các trường khu vực trung tâm, đồng thời đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên giỏi ra các trường này để thu hút học sinh và tạo sự yên tâm cho cha mẹ học sinh, hỗ trợ phương tiện để tạo điều kiện cho học sinh đến trường.
Cùng với đó, xây dựng giá dịch vụ giáo dục công để thực hiện cơ chế “đặt hàng” cho các trường ngoài công lập đủ điều kiện để giảm tải cho các trường công lập, đồng thời khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường tư thục; chuyển đổi một số trường công lập ở vùng thuận lợi ra ngoài công lập, triển khai thí điểm mô hình trường công lập thực hiện lộ trình tự đảm bảo kinh phí hoạt động nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách để dành cho đầu tư bổ sung hoặc đầu tư mới các trường công lập khác đáp ứng yêu cầu do tăng học sinh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy mô lớp, học sinh, việc đảm bảo môi trường học tập, hoạt động của giáo viên, học sinh trong nhà trường theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững, từng bước loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ khi ở trường như: Ánh sáng, khoảng cách, góc nhìn lên bảng để không bị tật về mắt; đủ dưỡng khí để không mắc bệnh về hô hấp; không gian để cử động trong lớp và tham gia các hoạt động ngoài trời ...
Riêng đối với TP Hạ Long, địa bàn trung tâm có số học sinh quá tải lớn nhất, thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng mới, mở rộng quy mô một số trường học để đảm bảo chất lượng, điều kiện học tập cho học sinh. Đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị các cấp, ngành, đặc biệt các địa phương chủ động rà soát, bố trí nguồn kinh phí, nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh.
* Công tác thành lập mới, dồn ghép điểm trường được thực hiện nghiêm túc
9h30': Đại biểu Trần Thùy Liên, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, hỏi tiếp: Việc dồn, ghép điểm trường cơ bản là tốt nhưng một số địa phương vùng sâu, vùng xa còn những bất cập như ghép hai lớp khác nhau (lớp 1 và 2) cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học? Xin cho biết quan điểm của đồng chí về nội dung này?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thùy Liên, đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT, khẳng định: Cơ cấu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục là chủ trương đúng đắn. Sở đã cử các đoàn công tác khảo sát thực tế tại các địa phương để nắm thực trạng việc dồn ghép tại các điểm trường. Như hiện nay, tại huyện Vân Đồn, nhờ sự vào cuộc của sở, ngành chức năng cùng sự vận động của địa phương, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn 48 học sinh tại một điểm trường lẻ chưa được chuyển về trường chính do cơ sở vật chất chưa được đảm bảo, hiện nay đang tiếp tục rà soát để thống nhất việc dồn, ghép điểm trường.
Đồng chí nhấn mạnh: Để tiếp tục thống nhất việc dồn ghép điểm trường tại các địa phương cần phải thực hiện rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đội ngũ, với phương châm lấy học sinh làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh đến trường. Đồng thời, thực hiện đảm bảo sĩ số học sinh phù hợp với điều kiện thực tế vùng miền, chỉ dồn ghép ở các điểm trường có quy mô nhỏ lẻ và đưa về điểm trường trung tâm đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo công tác dạy và học.
9h25': Đại biểu Trần Thùy Liên, Tổ Đại biểu TX Quảng Yên, chất vấn: Trong bối cảnh thực hiện chỉ đạo về sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế như hiện nay, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết giải pháp vừa đảm bảo phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa đảm bảo thực hiện được các chủ trương chỉ đạo của Trung ương, tỉnh.
Đại biểu Trần Thùy Liên, Tổ Đại biểu TX Quảng Yên. |
+ Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh, cho biết: Trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển giáo dục tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã dự báo, theo quy mô phát triển dân số đến năm 2030 cần thành lập mới 62 trường học các cấp. Gồm: 22 trường mầm non, 16 trường tiểu học, 16 trường THCS, 8 trường THPT. Trong đó có 43 trường công lập; 19 trường ngoài công lập. Đến nay, sau 2,5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch, toàn tỉnh đã thành lập được 14 trường, trong đó 11 trường ngoài công lập, 3 trường công lập tại các địa phương Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí.
Sở GD&ĐT cũng đã chủ động triển khai hướng dẫn các địa phương tại Công văn số 1929/SGDĐT-KHTC ngày 31/7/2018 về việc bổ sung Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT căn cứ điều kiện thực tế địa phương rà soát, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục của địa phương. Kết quả sau rà soát của các địa phương được tổng hợp toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu cần tăng thêm 28 trường công lập (mầm non: 10; TH: 5; THCS: 12; THPT: 1), 20 trường ngoài công lập (mầm non: 16; TH: 1; THCS: 2; THPT: 1). Như vậy giảm 14 trường so với số trường thành lập mới đã được thông qua tại Nghị quyết số 217/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của HĐND tỉnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh trả lời chất vấn. |
Về nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy đã có Kết luận số 160-TB-KL ngày 19/10/2018: “Chủ trương chỉ đạo tập trung xây dựng Đề án, tiến hành rà soát, xây dựng phương án sắp xếp các trường, điểm trường, điều chỉnh số học sinh/lớp, quy mô số lớp/trường... Hội đồng thẩm định của UBND tỉnh phê duyệt đề án của từng địa phương trong năm 2018, tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy trong quý I/2019 và triển khai trong năm học 2019-2020”. Do đó, để việc điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của các quy hoạch, kế hoạch từ tỉnh đến các địa phương, Sở GD&ĐT tạm dừng việc trình UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền phê duyệt việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển giáo dục tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác này sẽ được triển khai rà soát tổng hợp lại sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp tinh giản biên chế các huyện, thị xã, thành phố. Như vậy mới phù hợp với kế hoạch phát triển giáo dục của các địa phương. Dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh vào quý II/2019.
* Cần có giải pháp xử lý dứt điểm điểm đen tại nút giao đường 18A với tuyến tránh Vũ Oai - Quang Hanh
9h15': Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả, hỏi: Trong những năm qua cử tri phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh có giải pháp xử lý điểm đen tại nút giao đường 18A với tuyến tránh Vũ Oai - Quang Hanh. Mặc dù Sở Giao thông - Vận tải và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp cấp bách nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông và xóa điểm đen trên, nhưng tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có một số vụ làm chết người tại khu vực trên vẫn xảy ra nhiều từ đầu năm đến nay, gây lo lắng cho nhân dân, cử tri tiếp tục kiến nghị về vấn đề này. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết các giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên.
Đồng chí Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GT-VT giải trình. |
+ Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, đồng chí Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Nhằm khắc phục những tồn tại từ nguyên nhân trên, thời gian qua, Sở GT-VT và Ban ATGT tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm tăng cường ATGT và xóa điểm đen khu vực nút giao ngã ba Quang Hanh, như: Quý I/2016, Sở đã thực hiện xử lý điểm đen tại khu vực này theo phương án mở rộng phạm vi nút giao thông, tổ chức giao thông bằng đảo tam giác, nâng cao đường giảm độ dốc, bổ sung biển báo hạn chế tốc độ và tăng cường cảnh báo bằng đinh phản quang và các cụm son gờ giảm tốc trước nút. Năm 2017, Sở GT-VT tiếp tục báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận cho phép lắp đặt hộ lan phân tách làn đường từ Km0+345 đến Km0+780. Cuối tháng 10/2018, Ban ATGT tỉnh chủ trì phối hợp với liên ngành và Sở GT-VT tiếp tục lắp đặt bổ sung 1,2km dải tách làn xe bằng tôn hộ lan từ Km0+780 tới Km2+100, điều chỉnh bổ sung biển báo hiệu, sơn bổ sung cụm vạch giảm tốc từ Km0-Km2+100.
Sở GT-VT đã mời lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các vụ chuyên môn của Bộ GT-VT kiểm tra hiện trường khu vực nút giao, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo cho phép ứng dụng giải pháp công nghệ mới về xử lý lớp tạo nhám tăng ma sát, chống trượt mặt đường trên các đoạn đèo dốc của Trường Đại học công nghệ GTVT, thực hiện chỉ đạo trên, Sở GT-VT đã mời các chuyên gia ATGT để được phối hợp kiểm tra đưa ra phương án khắc phục, dự kiến thực hiện trong quý I/2019.
Trong trường hợp việc ứng dụng giải pháp công nghệ mới của Trường Đại học Công nghệ GTVT theo chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa giải quyết triệt để tình hình TNGT, Sở GT-VT sẽ hoàn thiện hồ sơ đề xuất UBND tỉnh cho triển khai phương án quy hoạch nút giao lập thể theo Quyết định 528/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Xem xét từ nguyên nhân các vụ TNGT hầu hết do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người lái xe, do vậy để xóa điểm đen này ngoài nỗ lực của ngành giao thông cần có sự tiếp tục vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng như: Cảnh sát giao thông, lực lượng an ninh trật tự trong việc tuyên truyền giáo dục, kiểm soát tốc độ phương tiện giao thông tại đây.
* Liên quan đến nội dung này, đồng chí Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh cũng khẳng định: Do bất cập về thiết kế, tuy nhiên có nhiều phương tiện vận tải nặng thường xuyên di chuyển nên xảy ra tai nạn giao thông. Vì vậy, công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm liên quan đến vi phạm ATGT. Đồng thời, kiến nghị với Sở GT-VT và Ban ATGT tỉnh có phương án tổ chức giao thông an toàn hơn cũng như sửa chữa, khắc phục lại kết cấu hạ tầng đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông.
9h10': Đại biểu Bùi Thị Thơ, Tổ đại biểu Tiên Yên: Các giải pháp hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi khai thác thủy sản bằng hình thức hủy diệt sang ngành nghề khác thì có ảnh hưởng đến một số nội dung như: Giải pháp nuôi trồng thủy sản thì ảnh hưởng đến công tác giao đất; giải pháp hỗ trợ muốn đóng tàu lớn thì ảnh hưởng công tác vay vốn; giải pháp chuyển đổi nghề phi nông nghiệp ảnh hưởng đối tượng do hiện nay hầu hết những người khai thác thủy sản hầu hết là người trung tuổi, trình độ nhận thức hạn chế... Vậy xin đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới có giải pháp nào mạnh mẽ nhất để giải quyết hiệu quả những vấn đề trên?
Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trước mắt, Sở đang tập trung giải pháp thực hiện hỗ trợ đóng tàu cá mới công suất lớn cho ngư dân vươn khơi bám biển. Hiện, Sở đang phối hợp với TX Quảng Yên (địa phương đã hoàn thiện đề án) các cơ quan ngân hàng tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Cùng với đó, thực hiện hướng nuôi trồng thủy sản, ưu tiên tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ cho ngư dân.
9h05': Đại biểu Phạm Văn Hoài: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 56.000ha đất nông nghiệp chưa được giao cho nhân dân nhưng trên thực tế ở các địa phương người dân đã trồng hết. Như huyện Hoành Bồ có hơn 9.000ha đất ở trong tình trạng này, vậy đề nghị Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ làm rõ hơn về vấn đề này.
Đồng chí Triệu Đức Hương, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ. |
Đồng chí Triệu Đức Hương, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, cho biết: Thực hiện công tác giao đất, giao rừng, huyện Hoành Bồ đã chỉ đạo các xã thực hiện các giải pháp thực hiện. Đến nay, phần lớn các diện tích được giao cho các chủ thể quản lý, xác định ranh giới rõ ràng. Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn giữa các hộ dân và Công ty lâm nghiệp cũng đã được tập trung giải quyết.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tọa kỳ họp chỉ đạo: Hiện Hoành Bồ có 9.000ha đất lâm nghiệp trên giấy tờ chưa giao đất, tuy nhiên thực tế dân đã trồng hết. Đề nghị huyện rà soát, báo cáo sau.
* Tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân vay vốn chuyển đổi nghề, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản
9h00': Chủ tọa kỳ họp ghi nhận các chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm của các sở, ngành chức năng, địa phương trong việc triển khai nâng cao chất lượng, hỗ trợ con giống. Đây là một trong những nội dung quan trọng đối với nuôi trồng thủy hải sản. Liên quan đến giao đất, giao rừng cho nhân dân, đồng chí đề nghị cần sớm quy hoạch từng lâm trường; sớm chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng đặc dụng. Đồng chí đề nghị các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền; tập trung hỗ trợ ngư dân vay vốn chuyển đổi nghề, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh bắt thủy hải sản.
8h45': Đại biểu Phạm Văn Hoài, Tổ đại biểu TP Móng Cái: Đã hơn 10 năm, các địa phương chưa xây dựng xong đề án giao đất, giao rừng, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân? Xin đồng chí cho biết tiến độ thực hiện đến nay như thế nào?
Đại biểu Phạm Văn Hoài, Tổ đại biểu TP Móng Cái. |
Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Tỉnh chỉ đạo từ năm 2008 đến 2010 phải hoàn thành xong đề án giao đất, giao rừng, tỉnh cũng có nhiều chỉ đạo các địa phương thực hiện. Trên địa bàn toàn tỉnh có 7 địa phương cần hoàn thiện đề án là Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu. Đến nay, mới có Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên hoàn thiện đề án; 2 địa phương Hải Hà, Cẩm Phả đang hoàn thiện trình thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt, hiện còn Bình Liêu chưa hoàn thiện xong. Đề nghị, Bình Liêu tăng cường thực hiện đẩy nhanh tiến độ, cùng với đó, các địa phương tiếp tục rà soát để giao đất, giao rừng đúng tiến độ, không ngừng phát huy kinh tế rừng.
8h40': Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long: Quyết định của Bộ NN&PTNT, Quảng Ninh được 34 tàu khai thác thủy sản, 5 tàu dịch vụ, tuy nhiên mới đóng được 13 tàu, xin đồng chí cho biết nguyên nhân việc chậm kế hoạch và cách khắc phục?
Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long. |
Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hướng chuyển đổi nghề của ngư dân chủ yếu là: Đánh bắt xa bờ, nuôi trồng, phi nông nghiệp, ngành nghề khác, được hỗ trợ theo quy định. Khó khăn trong hỗ trợ đóng tàu bởi còn nhiều vướng mắc chung trong cơ chế, chính sách về kích thước, mẫu tàu thay đổi theo quy định mới, quy định vay vốn, cần có sự tháo gỡ từ cấp trên.
* Công tác quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đã được quán triệt triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các cấp ngành, địa phương
8h30’: Trả lời chất vấn về vấn đề khai thác thủy sản trái phép của Đại biểu Bùi Thị Thơ, Tổ đại biểu huyện Tiên Yên, đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý, cơ chế phối hợp, kế hoạch, cơ chế, chính sách và văn bản chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương, các đơn vị tăng cường nắm tình hình, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên địa bàn quản lý; kiên quyết ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ khai thác thủy sản trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn. |
Cùng với đó, vận động ngư dân ký cam kết với chính quyền địa phương không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép và vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Toàn tỉnh đã tổ chức ký 2.947 cam kết không mua bán, vận chuyển, sử dụng ngư cụ, công cụ cấm hoạt động thủy sản giữa ngư dân, chủ tàu cá, hộ kinh doanh ngư cụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát ngăn chặn xử lý vi phạm đối với ngư dân đánh bắt thủy hải sản tận diệt. Toàn tỉnh đã phát hiện 2.586 vụ vi phạm công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt 2.568 vụ vi phạm; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh.
Công tác thả bổ sung giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, đến nay đã thả 3.162.500 con giống tôm, cá các loại về môi trường tự nhiên, đối tượng giống thả là các loài bản địa, loài có giá trị kinh tế cao, nguồn lợi đang bị suy giảm. Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ việc cấm các hoạt động khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long, một số địa điểm trên Vịnh Bái Tử Long, các khu bảo tồn…
Đến thời điểm này, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được quán triệt triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các cấp, ngành, địa phương tạo nên hiệu quả tích cực phát triển thủy sản theo định hướng bền vững.
Đồng chí cho biết, để xây dựng chính sách chuyển đổi nghề phù hợp với nguyện vọng và quy hoạch phát triển ngành thủy sản, điều kiện thực tiễn tại các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng điều tra tàu cá trong toàn tỉnh để xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ phù hợp; đối với lao động trong độ tuổi lao động có nhu cầu và có đủ điều kiện có thể chủ động đăng ký với UBND các xã, phường, thị trấn để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách đào tạo nghề theo các chính sách đã được ban hành. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và chương trình OCOP; thực thi chính sách các vùng sản xuất tập trung để thu hút lao động khai thác thủy sản phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững…
Một số chính sách hiện hành đã và đang triển khai đến với ngư dân tiếp cận chuyển đổi nghề. Trong thời gian tới tiếp tục giải pháp hỗ trợ đóng mới tàu xa bờ của tỉnh để giải quyết lao động nghề cá của tỉnh, theo thống kê từ các địa phương việc chuyển đổi nghề theo các hình thức cụ thể như: Chuyển đổi trong nội bộ nghề khai thác, đóng tàu xa bờ (theo Nghị định 67) có 12 chủ đầu tư đóng mới, 1 tàu cá nâng cấp; toàn bộ 13 trường hợp này đã được giải ngân 100% vốn vay, giải quyết việc làm cho 120 lao động, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng; đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá đến nay đạt 448 tàu, giải quyết việc làm cho 2.240 lao động, trong đó 62 tàu được hỗ trợ lãi suất vay vốn 6%/năm, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng; chuyển đổi nghề khai thác sang nghề khác (không phải khai thác thủy sản); chuyển đổi từ nghề khai thác sang nghề nuôi trồng thuỷ sản (bước đầu có khoảng từ 150 đến 200 hộ khai thác thuỷ sản của TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, huyện Đầm Hà đã chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thuỷ sản và được địa phương cấp mặt nước không thu tiền)…; chuyển đổi sang các nghề dịch vụ và phi nông nghiệp: Có khoảng từ 50 đến 70 chủ tàu làm nghề khai thác thuỷ sản tại Vân Đồn, Cẩm Phả đã chuyển từ khai thác sang dịch vụ nuôi biển.
Cùng với các chính sách hiện hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình ban hành kế hoạch về chuyển đổi nghề, nâng cấp tàu cá công suất nhỏ hoạt động khu vực ven bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, trong đó đã giao chỉ tiêu chuyển đổi nghề cho từng địa phương trong tỉnh. Hiện nay đang trong quá trình triển khai các địa phương chưa có báo cáo cụ thể số lao động đã thực hiện chuyển đổi nghề đến thời điểm hiện tại…
* Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen"
8h10': Đại biểu Lê Thị Duyên, Tổ đại biểu TX Đông Triều chất vấn, thời gian qua, tín dụng đen đã có nhiều biến tướng tinh vi hình thành tổ chức vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở thành phố mà có dấu hiệu len lỏi tại các vùng nông thôn và gây nhiều hệ lụy cho đời sống, mất trật tự an ninh xã hội. Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thực trạng và giải pháp gì để ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả tình trạng trên?
Đại biểu Lê Thị Duyên, Tổ đại biểu TX Đông Triều. |
+ Giám đốc Công an tỉnh Đỗ Văn Lực cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018, Công an tỉnh đã xác định tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" là một trong các đối tượng trọng điểm để chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung đấu tranh, cụ thể:
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã triển khai 7 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với tội phạm, các phức tạp nảy sinh từ hoạt động "tín dụng đen", "bảo kê", đòi nợ thuê. Qua đó, không để hình thành các đường dây, băng nhóm tội phạm và tệ nạn xã hội hoạt động phức tạp, gây dư luận bức xúc. Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành 5 điện, văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa và đấu tranh xử lý tội phạm liên quan đến hoạt động cầm đồ, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đã đề ra nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; ban hành kế hoạch tổng rà soát và tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các cơ sở kinh doanh, cá nhân có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặc có tiền án, tiền sự; chủ động nắm tình hình phát hiện, lập hồ sơ, có kế hoạch đấu tranh triệt phá kịp thời các nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động cầm đồ, cho vay tín dụng đen, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất hậu quả, tác hại xảy ra; tăng cường quản lý đối tượng hoạt động lưu động nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Giám đốc Công an tỉnh Đỗ Văn Lực. |
Về công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi, lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã điều tra làm rõ, khởi tố 20 vụ 36 bị can liên quan đến cầm đồ, cho vay tín dụng đen.
Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau:
Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biểu hiện hoạt động, thủ đoạn của loại tội phạm này nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các hành vi mới, thủ đoạn phạm tội mới của các đối tượng cho vay tín dụng, kinh doanh tài chính; thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp tục thiết lập, tổ chức hoạt động của các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá nhanh các vụ việc liên quan đến các băng nhóm, đối tượng hoạt động kinh doanh “tín dụng đen". Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Kiến nghị với cơ quan chức năng có chính sách tín dụng hợp lý như cải cách thủ tục lập hồ sơ tín dụng theo hướng đơn giản hơn, phát triển các tổ chức tài chính quy mô nhỏ để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng chính thức khi có nhu cầu về vốn dễ dàng hơn với các nguồn vốn vay tại ngân hàng, thay vì để người dân buộc phải tìm đến hình thức “tín dụng đen”...
Tiếp đó, Đại biểu Lục Thành Chung, Tổ đại biểu TP Hạ Long, chất vấn thêm: Xin đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thông qua công tác rà soát của các cơ quan chức năng, trong thời gian qua tỉnh đã phát hiện và xử lý được bao nhiêu cơ sở cầm đồ vi phạm? Thời gian qua, đã xảy ra vụ siết nợ do tham gia tín dụng đen ở TP Cẩm Phả, kết quả công tác điều tra, xử lý đến nay như thế nào thưa đồng chí?
Đại biểu Lục Thành Chung, Tổ đại biểu TP Hạ Long. |
+ Giám đốc Công an tỉnh Đỗ Văn Lực cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 790 cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến cầm đồ, kinh doanh tài chính. Việc cấp phép kinh doanh thuộc thẩm quyền của các địa phương. Cơ quan công an tập trung quản lý, đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động của các cơ sở này. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh và các địa phương đã phát hiện, xử lý 50 trường hợp vi phạm. Liên quan đến vụ việc chủ nợ siết con nợ do tham gia tín dụng đen tại phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả, qua điều tra lực lượng công an đã xác định và khởi tố các đối tượng liên quan và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
* Hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ được đổi mới theo hướng hỏi nhanh - đáp gọn
8h00': Bắt đầu ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thay mặt Đoàn chủ tọa, thông báo: Đến nay, đã có 17 đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có 6 đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, 11 đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm đăng ký 24 nội dung chất vấn đối với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh và 13 đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành: Nội vụ, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh.
Nội dung chất vấn đều là những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, như: Về bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở; triển khai Dự án y tế thông minh trên hệ thống bệnh viện toàn tỉnh; giải pháp khắc phục khó khăn của các trường ngoài công lập, khắc phục quá tải trường, lớp tại các đô thị; thực hiện đề án giao đất, giao rừng; dự án cấp điện cho các cụm điểm dân cư dưới 20 hộ dân; di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; thu phí bảo vệ môi trường từ xăng dầu; kết quả xử lý tình trạng khai thác thủy sản trái phép, việc chuyển đổi nghề và chính sách hỗ trợ cho các ngư dân chuyển đổi nghề; giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động; tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; tình trạng Tòa án Nhân dân ban hành quyết định, tuyên bản án không rõ ràng; công tác phòng, chống tham nhũng; việc triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến chính sách an sinh xã hội và một số nội dung khác được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm.
Quang cảnh phiên chất vấn. |
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ được đổi mới theo hướng hỏi nhanh - đáp gọn, tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp, lộ trình thực hiện để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Mỗi đại biểu nêu nội dung chất vấn trong thời gian không quá 1 phút. Người trả lời chất vấn cho 1 nội dung không quá 3 phút. Điểm mới trong phiên chất vấn lần này là các đại biểu không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” mà chất vấn Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời khi có đại biểu chất vấn.
Sau phiên chất vấn, HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở cho đại biểu, cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Nhóm PV
Ý kiến ()