Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 04:06 (GMT +7)
Toàn cảnh làn sóng biểu tình của người nông dân trên khắp châu Âu
Thứ 6, 09/02/2024 | 11:07:44 [GMT +7] A A
Nông dân châu Âu đang tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp châu lục với máy kéo, máy cày làm tắc nghẽn đường phố và các cửa khẩu, bất mãn trước các chính sách nông nghiệp của khối liên minh.
“Chúng tôi đã không còn thể kiếm sống bằng nghề của mình nữa”, một người nông dân tại Pháp nói với phóng viên CNN.
Trong khi một số cuộc biểu tình căng thẳng nhất diễn ra ở Pháp, tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều quốc gia bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Romania, Ba Lan, Hy Lạp, Đức, Bồ Đào Nha và Hà Lan.
Các số liệu mới nhất cho thấy nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% GDP của EU, nhưng các cuộc biểu tình ở Đông Âu năm ngoái phản đối hàng hoá nhập khẩu giá rẻ của Ukraine - tạo ra sức tắc nghẽn do hành động phong toả kéo dài tại các cửa khẩu biên giới - cho thấy nông dân là bộ phận có khả năng gây ra sự gián đoạn lớn như thế nào. Chính phủ các nước và EU hiện đều chịu sức ép phải dập tắt các cuộc biểu tình mới.
Chuyện gì đang diễn ra?
Tuần trước, các cuộc biểu tình của nông dân đã gây chấn động ngay trung tâm Liên minh châu Âu, khi họ tiến vào khu vực toà nhà quốc hội ở Brussels ngày 1/2 trong lúc các nhà lãnh đạo EU đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lớn về Ukraine. Sau khi cắm trại bên ngoài tòa nhà quốc hội, họ ném trứng, đốt lửa và bấm còi phản đối.
Nông dân Bỉ tập trung ở các cửa khẩu biên giới Zandvliet, Meer và Postel với Hà Lan, gây ra tình trạng chậm trễ.
Tại Pháp, nông dân cũng chặn các đường cao tốc chính dẫn vào thủ đô Paris cũng như các thành phố Lyon và Toulouse. Hàng chục nông dân dựng lều và đốt lửa để giữ ấm khi cố gắng chặn các tuyến đường vào thủ đô.
Ít nhất 91 người đã bị bắt giữ trong ngày 31/1 vì cản trở giao thông và gây thiệt hại gần chợ Rungis phía Nam Paris, một trung tâm phân phối thực phẩm quan trọng. Hugo Auge - một nông dân Pháp – bày tỏ quy định hiện tại “chế nhạo người nông dân và người tiêu dùng”.
Cũng trong ngày 1/2, nông dân Hy Lạp ngồi trên máy kéo đã tuần hành về phía thành phố lớn thứ hai của đất nước là Thessaloniki, với mục đích chặn các tuyến đường quan trọng trong thành phố.
Hình ảnh từ Bồ Đào Nha cho thấy hàng dài xe tải đậu gần biên giới Tây Ban Nha.
Tháng trước, các thành phố ở Đức cũng rơi vào tình trạng tắc nghẽn bởi hàng nghìn nông dân biểu tình bất chấp nhiệt độ lạnh giá, gây sức ép cho liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.
Các tuyến đường tắc nghẽn lớn trải dài khắp các thành phố từ Đông sang Tây bao gồm Hamburg, Cologne, Bremen, Nuremberg và Munich. Mỗi cuộc biểu tình có sự tham gia của hơn 2.000 máy kéo.
Những cuộc biểu tình trên làm gợi nhớ đến hình ảnh các cuộc biểu tình năm ngoái, khi nông dân ở các nước Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Romania và Bulgaria, phản đối ngũ cốc nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine, khiến giá trong nước giảm và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất địa phương.
Người nông dân bức xúc về điều gì?
Nông dân tham gia biểu tình trên khắp EU nói rằng kể từ xung đột Nga-Ukraine, chi phí năng lượng, phân bón và vận tải đã tăng lên. Bên cạnh đó, các chính phủ lại đang tìm cách giảm giá lương thực tăng cao trong bối cảnh lạm phát.
Dữ liệu của Eurostat cho thấy giá mà nông dân nhận được đối với các sản phẩm nông nghiệp của họ đạt đỉnh điểm vào năm 2022 nhưng đã giảm kể từ đó, trung bình giảm gần 9% từ quý III/2022 đến quýIII/2023.
Tại Pháp, kế hoạch của chính phủ nhằm loại bỏ dần việc giảm thuế đối với nhiên liệu diesel như một phần của chính sách chuyển đổi năng lượng rộng hơn cũng khiến người nông dân tức giận.
Hàng nhập khẩu nước ngoài giá rẻ đã thổi bùng ngọn lửa bất mãn, khiến nông dân cho rằng sản phẩm của họ đang bị cạnh tranh không lành mạnh.
Emmanuel Mathé, một nông dân người Pháp sống tại ngôi làng nhỏ Noisy-Rudignon ở Seine et Marne, chia sẻ: “Chúng tôi phải chịu nhiều quy định hạn chế trong sản xuất, trong khi có những sản phẩm đến từ bên ngoài châu Âu cạnh tranh với chúng tôi mà không cần phải áp dụng điều tương tự”.
Nông dân, đặc biệt là ở Đông Âu, tiếp tục bày tỏ sự bất bình về việc hàng nông sản giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine, bao gồm ngũ cốc, đường và thịt. Cụ thể, EU đã miễn hạn ngạch và thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu cũng đang làm tình hình trở nên trầm trọng hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng và hạn hán đang ngày càng ảnh hưởng đến sản xuất.
Các quy định về môi trường của EU cũng là một trong những yếu tố khiến nông dân châu Âu bức xúc. Renaud Foucart, giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học Lancaster ở Anh, chỉ ra Thỏa thuận xanh châu Âu là nguyên nhân chính gây căng thẳng. Thỏa thuận này quy định các biện pháp bao gồm thuế carbon, cấm thuốc trừ sâu, hạn chế phát thải nitơ và hạn chế sử dụng nước và đất. Ông Foucart cho biết nhữngngười nông dân đang cố gắng trì hoãn việc thực hiện các quy định của Thỏa thuận Xanh càng lâu càng tốt.
Bên cạnh những nỗi bức xúc chung, giảng viên Foucart chỉ ra rằng nông dân ở mỗi quốc gia châu Âu đều có những “tâm tư” của riêng mình. “Ở Đức, nông dân phản đối đánh thuế động cơ diesel nên. Ở Hà Lan, vấn đề cụ thể là việc đánh thuế nitơ, ảnh hưởng đến ngành sản xuất lợn và gà. Ba Lan đi đầu trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng đồng thời nông dân Ba Lan cũng rất tức giận và phong tỏa biên giới để đảm bảo ngũ cốc Ukraine không đến được Ba Lan”.
EU làm gì để xoa dịu người nông dân?
Ở cấp chung toàn khối, nông dân đã giành được thỏa hiệp từ Brussels vào ngày 31/1, khi EU trì hoãn các quy định yêu cầu người nông dân không được khai thác quá tải đất và hệ sinh thái.
Ủy ban Châu Âu đã đưa ra miễn trừ cho nông dân EU khỏi yêu cầu không khai thác một phần đất đai tối thiểu của họ trong khi cho phép họ giữ các khoản thanh toán hỗ trợ liên quan.
Ở cấp chính phủ, Berlin đã rút lại một phần kế hoạch cắt giảm trợ cấp dầu diesel vào tháng trước. Chính phủ cho biết việc miễn thuế ô tô đối với xe nông nghiệp sẽ được giữ nguyên và việc cắt giảm thuế diesel sẽ được thực hiện so le trong 3 năm. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn đang kêu gọi việc huỷ bỏ hoàn toàn quy định cắt giảm.
Hy Lạp tuyên bố sẽ gia hạn thời gian giảm thuế đặc biệt đối với dầu diesel nông nghiệp thêm một năm.
Tuần trước, Pháp đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nông dân sau khi chịu sức ép trước các cuộc biểu tình. Thủ tướng Pháp mới được bổ nhiệm Gabriel Attal cam kết bảo vệ chủ quyền lương thực”và nói rằng Pháp sẽ tăng cường kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu không thủ các quy định chung trong nỗ lực bảo vệ nông dân khỏi sức ép cạnh tranh không lành mạnh.
Thủ tướng Attal cũng tuyên bố phân bổ 150 triệu euro hỗ trợ thuế cho nông dân chăn nuôi lâu dài từ năm nay. Những phản ứng này dường như đạt hiệu quả, khi hai công đoàn nông nghiệp lớn tại Pháp đã kêu gọi người nông dân chấm dứt biểu tình.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Trong khi chính phủ các nước đã đưa ra những nhượng bộ, một số nông dân nói rằng những biện pháp đó là chưa đủ và đang kêu gọi tiếp tục hành động, đặc biệt tháng 6 năm này còn tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von Der Leyen đã ủng hộ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của EU vào năm 2050. Tuy nhiên, bà đang phải đối mặt với sức ép từ chính đảng trung hữu của mình trong việc giảm bớt luật xanh.
Các đảng cực hữu ở châu Âu hy vọng giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử và có thể lợi dụng sự bất bình của nông dân để trục lợi chính trị.
Có thể thấy rõ động cơ này ở Đức, khi đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) tham gia vào các cuộc biểu tình và bày tỏ tình đoàn kết với nông dân.
Trong lịch sử, từng xuất hiện tiền lệ cho thấy những người nông dân biểu tình có thể hành động nhiều hơn là chỉ xuống đường.
Vào tháng 3/2023, một đảng dân túy Hà Lan đã tổ chức một cuộc bầu cử lớn. Phong trào Nông dân-Công dân hay BoerburgerBeweging (BBB) phát triển từ các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại các chính sách môi trường của chính phủ. Đây hiện là đảng lớn nhất tại thượng viện Hà Lan.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()