Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 07:01 (GMT +7)
Tòa án nhân dân: Đẩy mạnh cải cách tư pháp
Thứ 2, 10/02/2020 | 14:07:54 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã triển khai với những giải pháp cụ thể. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
TAND TP Cẩm Phả xét xử vụ án hình sự, ngày 19/10/2019. |
Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các loại tội phạm vẫn tiềm ẩn phức tạp; việc tranh chấp về dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình vẫn gia tăng, đòi hỏi cơ quan tư pháp không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX).
Theo đó, trong công tác xét xử, hệ thống TAND của tỉnh luôn đặc biệt chú trọng tranh tụng tại phiên tòa. Các tòa án không hạn chế thời gian tranh tụng, đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày các ý kiến của mình. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, hội đồng xét xử có các phán quyết đúng pháp luật.
Hệ thống TAND 2 cấp của tỉnh cũng thực hiện đầy đủ thẩm quyền tố tụng theo quy định của pháp luật để đảm bảo giải quyết tốt các vụ án hình sự, như: Ra lệnh tạm giam, bắt tạm giam bị can, bị cáo hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo; kiến nghị để khắc phục sai sót về tố tụng cũng như hoạt động quản lý kinh tế, quản lý cán bộ trong quá trình giải quyết các vụ án.
Cùng với đó, TAND tỉnh phối hợp tốt với các cơ quan thông tin đại chúng để chủ động tuyên truyền về công tác xét xử, qua đó nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân. Riêng năm 2019, toàn lực lượng đã thụ lý 1.619 vụ án hình sự với 2.674 bị can và đã xét xử xong 1.566 vụ/2.572 bị can. Số vụ án bị hủy chỉ chiếm 0,45%, số vụ bị sửa chiếm 2,6% trong tổng số vụ; không để xảy ra tình trạng oan sai hay bỏ lọt tội phạm, các phán quyết đúng người, đúng tội.
Đặc biệt, TAND 2 cấp đã được Trung ương giao thực hiện thí điểm mô hình về đổi mới, tăng cường hòa giải, tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính tại TAND. Theo đó, ngay khi có văn bản chỉ đạo của TAND tối cao, ngày 3/10/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo số 1137-TB/TU về việc triển khai thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện. TAND tỉnh cũng phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai.
Từ đó, ban hành quy chế về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, tổ giúp việc; ra quyết định thành lập 7 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh và TAND các địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Quảng Yên, Đông Triều). TAND tỉnh chỉ định 35 hòa giải viên, đối thoại viên, 7 thư ký giúp việc cho các trung tâm hòa giải và phân công các đồng chí Chánh án TAND các địa phương, Phó Chánh án TAND tỉnh làm Giám đốc các trung tâm hòa giải, đối thoại.
Cán bộ TAND TP Hạ Long đối thoại, hoà giải vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình, tháng 1/2020. |
Chánh án TAND tỉnh Hoàng Văn Tiền cho biết: Trong thời gian thực hiện thí điểm mô hình đổi mới, tăng cường hòa giải, tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính tại TAND, toàn lực lượng đã hòa giải, đối thoại thành công 1.511 vụ việc, góp phần giảm thời gian phải tổ chức xét xử các vụ việc; tạo điều kiện về thời gian để đội ngũ thẩm phán, thư ký tập trung nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp đã thụ lý. Qua đó, cũng góp phần tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự.
Quang Minh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()