Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:44 (GMT +7)
Tô Đình Hiệu - người say mê bảo tồn văn hoá dân tộc
Thứ 2, 20/02/2023 | 09:48:07 [GMT +7] A A
Tô Đình Hiệu có thể gọi như là một “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Sở dĩ tôi muốn gọi như thế, vì tôi biết Hiệu rất nhiệt huyết với công việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Tày của mình nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Bình Liêu nói chung.
Tôi biết Tô Đình Hiệu khi có dịp lên Bình Liêu công tác từ khá lâu rồi. Lần nào cũng là hình ảnh chàng trai cán bộ văn hóa huyện mặc trang phục của người Tày. Bây giờ Tô Đình Hiệu làm Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu. Hiệu đồng thời cũng là nhà thơ, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh...
Tô Đình Hiệu sinh năm 1983, đã có 16 năm tuổi Đảng. Anh mới bảo vệ xong luận văn thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu văn hóa với đề tài Tri thức bản địa của người Dao Thanh Phán xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, anh cũng đã xuất bản tập thơ đầu tay có tên “Đêm hội then” - được trao giải nhì (không có giải nhất) Giải Văn nghệ Hạ Long lần thứ VI.
Thông qua các hoạt động cụ thể, cộng với nhiệt huyết trong công việc bảo tồn bản sắc văn hóa, Tô Đình Hiệu đã lăn vào công việc, say mê với công việc để tạo ra sản phẩm văn hóa Bình Liêu có dấu ấn riêng. Các lễ hội văn hoá của Bình Liêu trong năm như Hội đình Lục Nà, Hội hát tháng ba, Ngày hội Kiêng gió, Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở... mỗi lễ hội đều có sự đóng góp của Tô Đình Hiệu và đồng nghiệp ở Trung tâm Thể thao - Văn hoá huyện Bình Liêu để góp phần khơi dậy bản sắc văn hóa của bà con các dân tộc.
Cuối tháng 9/2022, tôi lên Bình Liêu cùng nhóm các văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đi sáng tác đúng dịp huyện tổ chức Cuộc thi Trình diễn trang phục dân tộc huyện Bình Liêu lần thứ nhất. Các văn nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh thành phố đã xuýt xoa, ngạc nhiên vì một đơn vị cấp huyện mà tổ chức với quy mô như thế. Nhất là khi biết Tô Đình Hiệu không chỉ là người tham mưu cho lãnh đạo huyện tổ chức chương trình này, mà anh còn được phân công là Trưởng ban Giám khảo cuộc thi. Nhìn các thí sinh với trang phục của các dân tộc Tày, Sán Chay, Sán Chỉ, Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Kinh... rực rỡ từ bên ngoài sân khấu mà ai cũng thấy thích thú.
Với công việc, Tô Đình Hiệu luôn cố gắng, dốc hết nhiệt huyết của một cán bộ làm công tác văn hóa, còn với gia đình, anh cũng luôn truyền cảm hứng giữ gìn bản sắc dân tộc từ ngôi nhà nhỏ của mình, từ người vợ, tới các con bằng những câu hát then và tiếng đàn tính dìu dặt. Mỗi khi huyện có dịp lễ hội hay các cuộc hội diễn văn hoá, văn nghệ cấp tỉnh là cả gia đình Hiệu đều nhiệt tình tham gia. Mới đây nhất là tại Hội thi “Cha mẹ trách nhiệm, mẹ thảo hiền, con cái chăm ngoan” nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 của tỉnh Quảng Ninh, tiết mục của gia đình Tô Đình Hiệu với bài dân ca Tày “Ru con” (Én nọong) đã giành Giải A tại cuộc thi.
Trong vai trò là Phó Giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, là giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Tô Đình Hiệu luôn ấp ủ những dự định công việc mà mình đã và đang làm là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở quê hương Bình Liêu. Hiệu chia sẻ anh sẽ cho xuất bản cuốn sách khảo cứu riêng về người Dao. Anh cũng đang thu thập loại hình ca hát hiếu nghĩa - cách hát của người Tày ở Bình Liêu đã và đang mai một. Hiệu nói rằng, loại hình ca hiếu nghĩa này hiện chỉ còn ở trong dân gian, là trong những người già ở Bình Liêu còn thuộc, còn nhớ, chứ không có văn tự. Để có kết quả tốt trong công tác sưu tầm văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy các giá trị của bản sắc văn hóa ở địa phương mình, đòi hỏi sự kiên trì rất nhiều mới có được công trình như mong muốn. Vừa qua, Tô Đình Hiệu đã công bố công trình nghiên cứu đầu tiên về văn hóa dân gian anh viết chung với Tiến sĩ Trần Quốc Hùng về Tri thức văn hóa của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Nhờ có công trình nghiên cứu này mà Tô Đình Hiệu được kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Khi chia tay Bình Liêu, tôi nghe Tô Đình Hiệu tâm sự là các công việc mà anh đang ấp ủ, không thể ngày một ngày hai mà có được nhưng may mắn nhờ công việc mà anh có thêm chút thuận lợi để tìm tòi nhặt lại các câu ca của người già trong bản xa, các cụ đều không nói được tiếng Kinh, nên lợi thế của Hiệu là có điều kiện giao tiếp được với các cụ thông qua ngôn ngữ của dân tộc mình. Vì vậy, mỗi ngày một chút, tích tụ lại thôi, anh hy vọng sẽ sớm có công trình về những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc ở quê hương Bình Liêu được công bố tiếp.
Còn nhiều điều về chàng trai Tày đam mê bảo tồn văn hóa lắm, nhiều ấp ủ của Tô Đình Hiệu tại quê hương Bình Liêu trong thời gian tới, trong giấc mơ bảo tồn văn hóa của Hiệu với những dự định phía trước.
Vũ Thảo Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()