Lưng tựa núi và mặt hướng ra sông lớn, vùng đất cửa ngõ phía Tây Đông Triều ẩn chứa trong mình một bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm. Ánh hào quang từ quá khứ cũng như khí thế của một vùng đất cách mạng năm nào hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất, con người Đông Triều vững bước đi lên hôm nay, với những nét riêng hiếm có.
Lưu giữ những trầm tích văn hoá lịch sử của cha ông, cho đến hôm nay, nhiều phát hiện trên dải đất Đông Triều vẫn tiếp tục khai mở những bất ngờ thú vị.
Mới đây nhất, việc nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực Thiên Long Uyển, nằm ven sông Đá Bạc, thuộc xã Yên Đức, đã khẳng định Thiên Liêu sơn là nơi đóng đại bản doanh của hai vua Trần trong trận chiến Bạch Đằng giang lịch sử năm 1288. Và lùi sâu hơn về quá khứ, những cọc gỗ hơn 2.000 năm tuổi phát hiện tại khu vực ao đầm, bãi triều nơi đây là minh chứng cho sự hưng thịnh của văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Bạch Đằng thuở dựng nước…
Đông Triều là vùng đất cổ, có truyền thống lâu đời, từ thời Hai Bà Trưng đã xuất hiện nữ tướng Lê Chân ở làng Vẻn, thuộc xã Thủy An bây giờ. Dấu vết của người cổ trên vùng đất Đông Triều từng phát hiện cũng không hiếm, mà việc tìm thấy những ngôi mộ gạch phong cách Hán, cách ngày nay khoảng 2.000 năm ở đây là một minh chứng. Còn gần hơn, sử cũ ghi, vùng đất An Sinh xưa (Đông Triều ngày nay) là quê gốc của nhà Trần, một triều đại có võ công - văn trị hiển hách trong lịch sử dân tộc. Từ thời Lý, nơi đây đã có chùa Quỳnh Lâm, nhưng quy tụ nhiều nhất vẫn là các di tích của nhà Trần.
Dấu vết của nhà Trần còn để lại trên dải đồi núi phía Bắc Đông Triều là hệ thống chùa, am tháp, đền, miếu và lăng mộ các vua Trần. Với biết bao nỗ lực khôi phục lại các di sản của tiền nhân, trong khoảng 10 năm trở lại đây, địa phương đã phối hợp huy động nguồn lực xã hội hóa lên tới cả nghìn tỷ đồng để trùng tu các ngôi cổ tự rồi đền, miếu, như Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngoạ Vân, An Sinh, Thái Miếu và các lăng mộ vua Trần..., làm sống lại một thuở vàng son của vương triều Trần năm xưa trên dải đất này.
Trong số các di sản đó thì Ngọa Vân có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi là nơi vua Trần Nhân Tông chọn để tu hành và hoá Phật, vì vậy mà Ngoạ Vân còn được coi là “Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm”. Tôi nhớ, nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh, người đã tìm ra và khẳng định vị trí của am Ngọa Vân tại Đông Triều, trong một chuyến hành hương lên Ngọa Vân, từng chia sẻ: Vua Trần Nhân Tông chọn Ngọa Vân bởi nhiều lẽ, vì Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, chọn nơi đây là đúng với tâm thế “lá rụng về cội” của người Việt. Nhưng Ngài chọn Bảo Đài sơn để hóa hẳn cũng có ý tứ sâu xa của mình. Yên Tử - nơi có các vị tiền nhân đã từng tu hành, đắc đạo, nên vua chọn Bảo Đài sơn là một đỉnh núi thấp hơn, là có ý xếp sau các bậc đã đi trước...
Người Đông Triều hôm nay còn mang trong mình niềm tự hào thiêng liêng là người con của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh và nơi ra đời của Đệ tứ Chiến khu năm xưa.
Ông Nguyễn Quang Nhạ, nguyên lãnh đạo địa phương, khi chia sẻ với chúng tôi, đã không giấu nổi niềm tự hào: “Thật là kỳ diệu Chiến khu Đông Triều khi các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh - hai đồng chí Tỉnh ủy viên của Hải Dương, chưa về, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ còn đang họp, thì Chiến khu Đông Triều dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Bình, Sư Tuệ, Nguyễn Văn Đài, đã được thành lập và đi đúng hướng của Tổng bộ Việt Minh. Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 3-8/1945), Chiến khu Đông Triều đã làm đúng sứ mệnh lịch sử của mình và đạt thành tích rất to lớn, không chỉ giải phóng Đông Triều, mà còn giải phóng hết khu Đông Bắc, cả TP Hải Phòng, mà Tư lệnh đầu tiên là Tướng Nguyễn Bình. Kết quả đó đã làm đúng lời Lê-nin nói: "Trong tình thế cách mạng khẩn trương đã làm một việc với tinh thần 1 ngày bằng 20 năm". Đông Triều không chỉ khởi nghĩa, giành chính quyền sớm, mà sau ngày 8/6/1945 đã thành lập được chính quyền cách mạng từ huyện xuống cơ sở rồi”.
Khẳng định ý nghĩa của việc khởi nghĩa, ra đời Đệ tứ Chiến khu, ông Nhạ cho hay, người dân Đông Triều trước đó rất khổ, vì nạn đói, sự quấy phá của thổ phỉ, nếu không có cuộc 8/6/1945 thì người dân còn chết nhiều nữa. Trong tình hình như thế, người dân rất căm thù Pháp, Nhật, thổ phỉ, chỉ đợi có người cầm cờ là vùng lên đi theo thôi.
Ông cũng nhấn mạnh, để thành công như thế có sự đóng góp lớn của những bậc hào lý địa phương, sự ủng hộ của quần chúng, binh lính… Vì lúc đó, dân đang bị đói, người chết đói rất nhiều, nếu không có các hào lý ủng hộ, cung cấp lương thực, thực phẩm, sư Võ Giác Thuyên cưu mang, nuôi dưỡng thì quân không có lương ăn, không có Chiến khu được. Rồi sự ủng hộ của binh lính, vừa là do sự khủng hoảng, mất tinh thần, ý chí chiến đấu của quân Pháp, Nhật, vừa là do sự vận động của Việt Minh, vì vậy cuộc khởi nghĩa và chiếm các đồn địch đều diễn ra thuận lợi, không phải đổ máu…
Xưa cho tới nay, dù còn là huyện hay giờ đã trở thành thị xã thì Đông Triều với lợi thế riêng vẫn là một vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, “tam nông” luôn được coi trọng. Sản xuất nông nghiệp trước đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm nào mưa nắng thuận hòa thì mùa màng tươi tốt, ngược lại thì người nông dân cũng lao đao theo. Đông Triều có diện tích đất nông nghiệp lớn, bằng phẳng, màu mỡ nhưng xưa cũng không tránh khỏi chuyện cứ mưa là úng lụt, nắng kéo dài là hạn, khổ không kể xiết. Chính vì thế, phong trào làm thủy lợi trên vùng quê lúa này được phát động mạnh mẽ từ những năm 60 thế kỷ trước và kéo dài trong nhiều năm. Theo đó, đê điều được nâng cấp, hồ đập được đắp, gia cố rồi các trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu nên sau này không có úng lụt, không có hạn hán, là cơ sở vô cùng quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp…
Rồi chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, không chỉ lúa mà những cánh đồng ngô vụ đông, lạc, đỗ, rau xanh mướt mắt là niềm tự hào một thời. Cũng từ đồng đất này, nhiều con người bình dị đã có những cống hiến không mệt mỏi, đáng tôn vinh, như kiện tướng thủy lợi Đặng Thị Càng, được bầu là Đại biểu Quốc hội; “Thần nông” Nguyễn Ngọc Tiến là “cha đẻ” của nhiều giống lúa năng suất cao, vẫn được gieo trồng phổ biến trong cả nước hiện nay…
Gần đây thì Đông Triều ngày càng có nhiều nông sản ngon, đắt khách hơn, như các loại nấm ăn mang thương hiệu “Nấm Việt”, na dai Đông Triều, vải thiều, gạo nếp cái hoa vàng, sữa tươi, cam Canh, rau sạch Vineco, khoai tây Atlantic, gà, lợn... Nhiều vùng sản xuất ở quy mô trang trại, gia trại, trồng cấy trên diện tích quy mô lớn, ở các vùng sản xuất tập trung, có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, áp dụng KHCN cao, đã và đang góp phần xây dựng những cánh đồng trị giá hàng trăm triệu đồng/ha. Những cây, con đặc sản, những cánh đồng năng suất bao nhiêu thì càng cho thấy sức vóc, sự cần mẫn của người nông dân “một sương hai nắng” lớn bấy nhiêu, họ nỗ lực bao nhiêu cho sự giàu đẹp, trù phú của đồng đất nơi đây.
Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thổi một luồng gió mới với khí thế mới trên các vùng quê. Người nông dân đã từng bước thể hiện vai trò là chủ thể của chương trình này, góp phần tạo nên diện mạo mới cho những vùng quê ở TX Đông Triều. Chương trình xây dựng NTM thực sự đã tạo cho Đông Triều có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, không chỉ đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên mà lòng dân cũng đồng thuận, tin tưởng hơn. Quyết tâm xây dựng NTM, đến hết năm 2014, Đông Triều là địa phương đầu tiên trong tỉnh, cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước về đích NTM.
Nối tiếp đó, thị xã tiếp tục nâng chất với các tiêu chí cao hơn, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó tập trung vào các tiêu chí giao thông nông thôn, nhà ở, thu nhập, lao động việc làm, tổ chức sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường… Đông Triều đang trong lộ trình phấn đấu trở thành thị xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh về đích năm 2023.
Đông Triều cũng nổi tiếng với nghề sản xuất gốm sứ mà tính đến nay đã có lịch sử gần 200 năm. Từ cái gốc là hai làng nghề truyền thống, giờ đây đã có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh với thương hiệu "Gốm sứ Đông Triều". Đến với các làng nghề những ngày cuối năm này bao giờ cũng là thời điểm những người thợ bận rộn nhất, các lò sản xuất thường xuyên đỏ lửa để cho ra đời những mẻ gốm mới…
Gốm sứ Đông Triều có nét độc đáo riêng với dòng gốm nặng lửa, được nung ở khoảng 1.300°C. Sản phẩm chủ yếu là các loại chậu hoa, đôn, ang trồng, chum rượu... có độ bền cao, khả năng chịu va đập, chất lượng và độ bền men sứ tốt. Hoa văn trên sản phẩm được vẽ thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên nét vẽ mềm mại, uyển chuyển, sinh động. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình sản xuất sang ấm chén, bát, đĩa và gốm sứ dân dụng siêu mỏng, vẽ sơn mài trên sản phẩm... được khách du lịch ưa chuộng.
Cũng từ lợi thế về nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào và có chất lượng tốt, các sản phẩm gạch ngói do các doanh nghiệp sản xuất tại đây đã đi khắp các miền đất nước và đến với năm châu, làm đẹp cho các công trình.
Tiêu biểu hơn cả là Tổ hợp “Gốm Đất Việt” đứng chân trên địa bàn thị xã từ hơn chục năm qua, đã xác lập 2 kỷ lục thế giới, 27 kỷ lục Việt Nam, 5 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và nhiều giải thưởng cao quý khác. Trong đó có kỷ lục là Doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của ngành đất sét nung Việt Nam; còn lại là các kỷ lục, giải thưởng chủ yếu liên quan tới các giải pháp về áp dụng KHCN trong sản xuất, góp phần cho ra đời những dòng sản phẩm đất sét nung tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
KHCN chính là giải pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn khi mà thời điểm ban đầu mới thành lập có những khi doanh nghiệp đã rơi vào nguy cơ phá sản. Đây cũng là cách để doanh nghiệp đưa thương hiệu Gốm Đất Việt vươn xa tới các vùng miền trong cả nước cũng như xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mục tiêu xa hơn của đơn vị là đưa thương hiệu Gốm Đất Việt đứng số 1 trong lĩnh vực đất sét nung Việt Nam.
Chèo đến với quê lúa từ lâu, để giờ mỗi khi nhắc đến Đông Triều là nhắc đến vùng đất chèo có truyền thống của Quảng Ninh. Những giọng chèo mượt mà có lúc bị chìm lắng đi, tiếng trống chèo có lúc bị đứt quãng, nhưng mạch nguồn nội sinh vẫn âm thầm chảy trong sự đổi thay của quê hương.
Quá trình tìm hiểu, chính chúng tôi cũng bất ngờ khi biết các câu lạc bộ chèo trên địa bàn phát triển rất rộng rãi, không hiếm những thành viên yêu chèo từ thuở nhỏ, gắn bó với chèo cả mấy chục năm. Những năm gần đây, các chiếu chèo của Đông Triều ngày càng được nhân rộng, khởi sắc hơn, với những chiếu chèo tiêu biểu như Quế Lạt (phường Hoàng Quế), Bình Lục Thượng (phường Hồng Phong), An Biên (xã Thủy An)...
Dành sự quan tâm cho các chiếu chèo trên địa bàn, gần đây địa phương cũng tổ chức thường xuyên hơn các lớp hát chèo, tạo cơ hội cho những người yêu chèo giao lưu, học hỏi thêm. Số người tham gia học và biểu diễn chèo không chỉ nhiều lên mà còn có xu hướng trẻ hóa, có thêm những nhân tố mới. Các nghệ nhân ở cơ sở vừa biểu diễn, vừa tham gia đào tạo về hát, múa, trống, phách…
Để tạo sân chơi cho người yêu chèo giao lưu, biểu diễn, học hỏi, Liên hoan Tiếng hát làng, khu phố thị xã tổ chức hằng năm đã có điểm cộng khuyến khích cho các đoàn đưa những tiết mục nghệ thuật dân tộc, trong đó có chèo vào biểu diễn. Ở Lễ hội Xuân Ngọa Vân tổ chức thường niên kể từ năm 2016, đều có chương trình giao lưu các làn điệu chèo. “Mang chuông đi đánh xứ người” tại các hội thi của tỉnh, Đông Triều đều mang chèo đi và khẳng định thế mạnh, đặc trưng nét văn hóa truyền thống này với các giải cao.
Cùng với duy trì các làn điệu chèo cổ, thị xã động viên các nghệ nhân trên địa bàn sáng tác những làn điệu chèo mới, nhằm mang hơi thở đương đại vào nghệ thuật truyền thống, đưa chèo đến gần hơn với đời sống hôm nay. Đông Triều có các khu du lịch đồng quê, như Yên Đức, Quảng Ninh Gate, vì vậy việc đưa những chiếu chèo vào phục vụ du lịch khá thuận lợi nếu hội tụ được về nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng biểu diễn và có sự chung tay của doanh nghiệp. Nắm bắt tốt cơ hội này, tiếng chèo trên quê lúa sẽ có thêm cơ hội lan tỏa, vang xa...
Đồ họa: Hùng Sơn
Ý kiến ()