Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:39 (GMT +7)
TKV phát triển các sản phẩm ngoài than
Thứ 6, 25/10/2024 | 09:32:41 [GMT +7] A A
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hoạt động sản xuất kinh doanh chính là khai thác, chế biến than - khoáng sản. Ngoài ra, TKV chủ trương định hướng chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành trên nền công nghiệp than.
Sản xuất điện được TKV xác định là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính, đảm bảo vai trò trọng yếu của Tập đoàn về an ninh năng lượng cho quốc gia. Để giải quyết nguồn than chất lượng thấp, kéo dài chuỗi sản phẩm chính, phù hợp với chủ trương chế biến sâu sản phẩm của Chính phủ, TKV đã đầu tư các nhà máy điện sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn CFB. Công nghệ này cho phép tận dụng được lượng than xấu, nhiệt trị thấp mà các đơn vị trong TKV sản xuất.
Tổng Công ty Điện lực của TKV hiện có 5 nhà máy nhiệt điện, riêng địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2 nhà máy gồm Nhiệt điện Cẩm Phả và Nhiệt điện Đông Triều. Việc duy trì hoạt động ổn định các nhà máy nhiệt điện của TKV không chỉ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần không nhỏ vào mục tiêu tăng trưởng chung của Tập đoàn.
Ông Dương Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV cho biết: Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả là tổ hợp sản xuất điện lớn nhất hiện nay của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, sử dụng công nghệ lò CFB với nguyên liệu chính là các loại than chất lượng thấp. Sản lượng điện sản xuất từ năm 2019 đến hết 9 tháng 2024 của Công ty chiếm hơn 30% sản lượng điện sản xuất của Tổng Công ty Điện lực - TKV.
Nhờ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án điện, đến năm 2017, tổng công suất của các nhà máy điện của TKV đã đi vào hoạt động là 1,73 nghìn MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ đã tăng xấp xỉ 14 lần, từ 720 triệu kWh năm 2006 lên trên 10 tỷ kWh năm 2023, doanh thu tăng 32 lần từ 432 tỷ đồng lên 14.000 tỷ đồng.
Để hỗ trợ, phục vụ cho sản xuất than - khoáng sản được chủ động, đáp ứng sản lượng ngày càng tăng cao theo nhu cầu của nền kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã sớm đầu tư, hiện đại hóa các nhóm ngành phụ trợ như sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và cơ khí.
Trong đó, cơ khí là ngành ra đời sớm và gắn liền với lịch sử phát triển khu mỏ Quảng Ninh. Với 11 đơn vị, đây cũng là nhóm ngành phụ trợ có nhiều đóng góp quan trọng nhất với ngành than - khoáng sản của TKV. Bằng tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật hiện nay, các đơn vị cơ khí của Tập đoàn được đánh giá là “nhà hậu cần” tin cậy, có chỗ đứng vững vàng trong ngành cơ khí Việt Nam, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất than - khoáng sản.
Các đơn vị trong TKV đã chế tạo giá chống thuỷ lực và các thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất than, khoáng sản, điện lực, sửa chữa và phục hồi các thiết bị phục vụ cho khai thác mỏ và các lĩnh vực SXKD khác với tổng doanh thu tăng từ hơn 1.000 tỷ đồng năm 2006 lên 3,3 nghìn tỷ đồng năm 2023. Đặc biệt, trong những thời điểm khủng hoảng về nguồn cung vật tư, các sản phẩm cơ khí nội địa của Tập đoàn đã góp phần giữ ổn định sản xuất cho các đơn vị khối than.
Đồng hành cùng sản xuất than, lĩnh vực sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp cũng liên tục tăng và trở thành một trong những ngành có doanh thu tương đối lớn và hiệu quả cao. Từ năm 2006 đến 2023, sản lượng sản xuất tăng gần 1,5 lần, từ 46 lên 65,6 nghìn tấn và sản lượng cung ứng tăng 1,3 lần từ 76 lên 102.000 tấn, tương ứng doanh thu tăng hơn 6 lần từ 1,2 lên hơn 7,4 nghìn tỷ đồng.
"Từ chỗ Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải đi nhập mua, phụ thuộc vào bên ngoài cả về thời gian và chất lượng, đến nay, các đơn vị hoá chất mỏ của TKV đã hoàn toàn chủ động trong sản xuất. Các chủng loại sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp được đa dạng hóa, vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất của các đơn vị trong toàn Tập đoàn, đồng thời vươn ra thị trường ngoài ngành như công nghiệp xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng" - ông Vũ Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Hoá chất mỏ Việt Bắc - MICCO khẳng định.
Đầu tư phát triển các lĩnh vực ngoài than, đặc biệt là những sản phẩm công nghiệp phụ trợ được xem là chủ trương đúng đắn của TKV khi ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng tiềm năng và TKV luôn cần chủ động về nguồn cung để đảm bảo những chiến lược mang tính bền vững.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh từ các lĩnh vực ngoài than cũng đã góp phần tăng doanh thu cho TKV. Giai đoạn 2014-2023, doanh thu toàn Tập đoàn TKV là 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 677.000 tỷ đồng và tăng 109% so với giai đoạn 2004-2013. Giá trị tổng tài sản của toàn Tập đoàn tại thời điểm năm 2023 đã tăng hơn 112.000 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 67 lần so với năm 1994. Điều này thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc quy mô của TKV về cả chiều rộng và chiều sâu trong sản xuất kinh doanh.
Ngoài nhiệm vụ chính là phụ trợ cho sản xuất than - khoáng sản, các nhóm ngành phụ trợ còn giúp tạo thêm nhiều công ăn việc làm và đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng vừa chuyên sâu. Trong lộ trình tái cấu trúc, TKV tiếp tục quan tâm đầu tư cho các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, tạo động lực để thúc đẩy ngành công nghiệp chính phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()