Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:33 (GMT +7)
TKV: Nỗ lực vì mục tiêu phát triển xanh
Thứ 5, 10/11/2016 | 10:18:46 [GMT +7] A A
Mặc dù khai thác khoáng sản là một ngành tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường, nhưng những năm qua Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản việt Nam (TKV) đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hiện thực hoá mục tiêu sản xuất thân thiện với môi trường, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của Công ty CP Than Hà Lầm. Ảnh: Văn Việt (CTV) |
Để khắc phục ô nhiễm môi trường và xử lý ngăn ngừa ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình khai thác khoáng sản, những năm gần đây, Tập đoàn đã triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình, giải pháp bảo vệ môi trường với tổng giá trị mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Đây thực sự là nỗ lực cao, thể hiện trách nhiệm trước xã hội, đảm bảo nguyên tắc TKV đưa ra là sản xuất hài hoà với môi trường và xã hội.
Hiện nay, mặc dù trong điều kiện khó khăn về tài chính, nhưng TKV vẫn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án bảo vệ môi trường của các đơn vị thành viên. Tập đoàn cũng tiến hành nạo vét các suối, mương trong ranh giới mỏ như cải tạo hệ thống thoát nước Khe Chàm - Dương Huy, cải tạo cảnh quan môi trường sông Vàng Danh (TP Uông Bí), sông Mông Dương (TP Cẩm Phả)... Đặc biệt, Tập đoàn còn đầu tư trên 800 tỷ đồng cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, khai trường đã kết thúc sản xuất như: Bãi thải Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong - Hà Tu, Ngã Hai - Dương Huy, vỉa 7-8 Hà Tu. Đồng thời xây dựng hệ thống kè, đập chắn đất đá tại các vị trí trọng yếu của các bãi thải đang hoạt động như: Bãi thải Chính Bắc Núi Béo, Đông Cao Sơn, Khe Rè, kè chắn Giáp Khẩu bảo vệ khu dân cư Hà Khánh (TP Hạ Long)...
Để hướng tới ngành sản xuất xanh - sạch - an toàn, Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất. TKV đã triển khai áp dụng nhiều công nghệ mới, giải pháp mới để nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường trong sàng tuyển, chế biến than. Cùng với đó, Tập đoàn cũng đã đầu tư xây dựng 21 tuyến đường vận chuyển chuyên dụng với tổng chiều dài 131km, 4 tuyến băng tải với tổng chiều dài 15km, 1 tuyến đường sắt 17km thay thế ô tô vận chuyển than ngoài mỏ nhằm hạn chế việc phát sinh bụi, tiếng ồn, giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình vận chuyển than, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan các khu đô thị, dân cư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, về cơ bản tại các vùng Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, việc vận chuyển than đã được đưa vào đường chuyên dụng. Cẩm Phả có tuyến đường chuyên dụng Bắc Cọc Sáu Khe Dây, Hạ Long có tuyến riêng ra Cột 8, Uông Bí có tuyến đường sắt Vàng Danh - Điền Công và Mạo Khê có tuyến băng tải ống Mạo Khê - Bến Cân... Trên tuyến QL18A đã không còn việc vận chuyển than bằng ô tô. TKV đang tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến băng tải chuyên dụng, phấn đấu đến năm 2020 chấm dứt việc vận chuyển than ngoài mỏ bằng ô tô.
Công ty Giám định than - TKV thực hiện lấy mẫu kiểm định chất lượng than qua hệ thống băng tải ống tại Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương. Ảnh: Văn Việt (CTV) |
Có thể thấy, với những nỗ lực của ngành Than trong công tác bảo vệ môi trường đã nhằm giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường sinh thái, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của ngành nhất là khi TKV đang tiến tới dừng hẳn việc khai thác than lộ thiên trên địa bàn tỉnh bằng việc đầu tư các dự án khai thác than hầm lò quy mô lớn như dự án khai thác mức -300 (Công ty Than Hà Lầm), mỏ Núi Béo, Khe Chàm III. Bên cạnh sự nỗ lực trong việc đầu tư khoa học công nghệ, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, các đơn vị thuộc TKV còn rất tích cực thực hiện trách nhiệm với môi trường trong quá trình sản xuất. Các đơn vị ngành Than khi hoạt động khai thác khoáng sản phải lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, trong đó số tiền ký quỹ đã được cụ thể hoá và dự toán chi tiết theo phương án phục hồi môi trường và tiến hành ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương nơi có mỏ khai thác. Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 174 dự án cải tạo phục hồi môi trường được duyệt, trong đó có 151 dự án đã ký quỹ với tổng số tiền trên 650 tỷ đồng, điển hình như các Công ty than Hà Tu, Cao Sơn, Cọc Sáu, Núi Béo, Đèo Nai... Các đơn vị đã thực hiện hoàn thổ những vị trí sau khi kết thúc khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường trên các bãi thải.
Từ những giải pháp quyết liệt đã được TKV nỗ lực thực hiện, môi trường vùng mỏ, an toàn và sức khoẻ người lao động từng bước cải thiện đáng kể. Trên cơ sở đó các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đang phát triển theo đúng mục tiêu mỏ xanh - mỏ sạch - mỏ an toàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Lê Hải
Liên kết website
Ý kiến ()